Chữ tín và người tiêu dùng

26/08/2012 14:18 GMT+7

(TT&VH) - Chữ tín với người tiêu dùng là câu chuyện được bàn từ bao đời nay không có hồi kết.

Người Trung Hoa từ lâu đã lấy hình tượng Quan Công như là một đại diện trung thành của chữ tín. Khi sang Việt Nam, nơi những người Hoa làm nghề buôn bán thường có đền thờ Quan Công là vì thế. Buôn bán mà không có chữ tín thì không bền. Chữ tín nuôi các quan hệ thương mai. Thương hiệu là chữ tín, nên hàng hiệu thường đắt. Từ xa xưa mua đồ tốt người ta vẫn bảo nhau “đắt, xắt ra miếng” mà không ham hàng rẻ.

Khi còn ham hàng rẻ là đất nước đó còn nghèo, đời sống còn chật vật, nên “méo mó có hơn không” đã ăn vào nếp nghĩ của những người nghèo, hãy tạm có cái dùng đã! Với họ, chữ “tín” còn quá đắt chưa thể với tới. Nhưng chữ tín vẫn luôn là cái đích vươn tới nên người ta không thể không bàn đến nó. Ngày 15/3 hàng năm bây giờ là ngày “Quyền của người tiêu dùng quốc tế” chính là ngày con người hướng tới chữ tín trong tiêu dùng.



Tranh minh họa của Đỗ Đức

Thực ra hai chữ tiêu dùng ta đang dùng nghĩ đến hàng hóa. Hàng hóa đang dùng hàng ngày chỉ là một phần của nội hàm tiêu dùng. Tiêu dùng không chỉ hàng hóa, mà nó rộng hơn thế.

Tôi mạo nguội cho rằng chính sách, chế độ, pháp luật là những thứ can hệ đến đời sống của mỗi người cũng  đều có thể coi đó là “hàng hóa”, vì trong cuộc sống ai cũng cần đến nó, đều sống trong nội hàm “tiêu dùng” cả. Từ góc độ đó để thấy chữ “Tín”  ở ta còn cần phải phấn đấu nhiều lắm mới mong có được sự đầy đặn.

Chính sách giá cả xăng dầu, điện và rồi sang y tế, giáo dục, giao thông... đang thực thi hiện nay liệu đã bảo đảm chữ tín?

Lấy ví dụ chuyện xăng dầu chẳng  hạn: Bản thân việc cân đong chưa chuẩn, pha trộn phụ gia linh tinh cốt kiếm lời đã không bảo đảm chữ tín lại thêm việc suốt ngày kêu bị lỗ lã và tìm cách tăng giá liên tục kiếm lời. Việc quyết định cho tự “điều chỉnh theo giá thị trường” 5% thì khác gì giao trứng cho ác khi họ độc quyền. Chính sách ấy cũng là chưa bảo đảm chữ tín, nếu không nói là làm cho chữ tín méo mó thêm.

Có thể lấy thêm rất nhiều ví dụ khác.

Khi mà trong tất cả các mặt của đời sống đầy nỗi lo lắng triền miên, mất đi  niềm tin tạo nên sự bất an trong mỗi người thì ta hiểu ngay đó là chữ tín chưa có trong đời sống xã hội

Cũng như vậy tôi nghĩ rằng trong quan hệ quốc tế, chính sách dùng trong mối quan hệ các quốc gia xét đến cùng cũng là hàng hóa tiêu dùng ở tầm vĩ mô. Nhưng có nước ứng xử với Việt Nam không chỉ là thất tín, mà là bất tín, mặc dầu họ nói nhiều đến lòng tin (chữ tín đó). Cho nên, chữ tín trong tiêu dùng ở mọi tầm bây giờ đang bị thử thách quyết liệt.

Chữ tín giờ đang được nhắc nhiều, như là sự cố gắng vươn tới. Nó đang  đồng nghĩa với việc ta chưa có. Mà trong mọi mối quan hệ chữ tín  cần thiết biết bao nhiêu! Một chữ tín mà khó khăn vô cùng.

Đỗ Đức


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm