Cà phê nông dân: Con rái cá

22/12/2012 07:56 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Rằm tháng trước chúng tôi chơi thuyền trên bầu Hương. Dưới ánh trăng vàng, mặt nước bầu Hương trông rất huyền ảo. Chúng tôi phàm phu tục tử, không tao nhã như tổ tiên ngày trước. Vậy nên, nói “chơi thuyền” là nói cho sang, thật ra chủ yếu bắt cá, bắt tôm, bắt ốc... để nhậu chơi.

1. Hỏa lò hực than đỏ để sẵn lòng thuyền, thò vợt xúc ốc, quăng lưới bắt cá, được con nào nướng ngay con đó để nhắm rượu. Nhắm rượu ngay trên thuyền, giữa bốn bề trời nước. Cái sướng ấy, không quán xá nào cung cấp được. Thôi thì, không biết làm thơ cũng ráng làm thơ, để tuyên dương cái đêm thơ mộng này. Thơ con cóc cứ tuôn trào sau khi nhai một con cá nướng và ực một ngụm rượu ngâm chuối hột.              

Anh Thành giáo viên dạy Toán liền xuất thơ mở màn. Đứng thế trung bình tấn ngay giữa thuyền, anh nghển cổ ngâm sang sảng: “Chưa đi chưa biết bầu Hương/ Đi rồi mới biết vấn vương đến già”. Thơ nghe khá ra phết. Có địa danh, có khám phá, có lưu luyến. Quê hương và con người quấn quít hài hòa.

Vừa ngâm dứt lời, trên mặt nước, trước mặt anh ta, một con gì to như con chồn, màu da đen mướt, chạy băng băng trên mặt bầu, nhắm hướng thuyền mà thẳng đến. Úi trời! Dưới ánh trăng vằng vặc, con vật trông mới ma quái làm sao. Lúc này tôi cũng thấy và biết ngay là con rái cá. Tôi la lên vui sướng: “Lutra lutra....”.

Nhưng thầy Thành đâu biết đấy là con rái cá, lại nghe tôi la “Lutra lutra” đâu biết đấy là tên tiếng Latin để gọi con rái cá. Thầy hoảng quá, ngồi ngay xuống để núp. Vừa thụp ngồi, thầy bỗng thét lên chấn động cả không gian yên tĩnh. Nghe tiếng thét xé trời của thầy, con rái cá hoảng vía biến mất.

Tại sao thầy Thành lại thét lên chấn động không gian như thế? Xin thưa, vì thầy đã ngồi ngay vào bếp lò than hồng rực lửa. Kết quả, thầy bị cháy mông quần. Ôi, chiếc quần mới may cáu cạnh. Chúng tôi kiểm tra, thấy hai mông của thầy phồng rộp. Chúng tôi bèn chế nước mắm ớt tỏi vào để sát trùng. Thầy giãy nảy và hét lên như sấm nổ.

2. Lúc này, chú Long thợ mộc, ngắm quang cảnh bi đát ấy, sáng tác ngay hai câu thơ diễn tả. Chú ngâm lớn, vừa ngâm vừa vuốt râu, điệu bộ như kép hát bội: “Chưa đi chưa biết bầu Hương/ Đi rồi mới biết nhà thương rất cần”. Tất cả đều cười, chỉ riêng thầy Thành không cười. Thầy hỏi: “Con gì ban nãy chạy trên mặt nước gớm vậy?”. Tôi trả lời: “Con rái cá”. Thầy lại hỏi: “Thế, ban nãy chú la “Lutra lutra... là sao”. Tôi trả lời: “Là con rái cá... nhưng đó là tiếng Latin”.

Nghe thế, thầy Thành nín thinh. Quả thật thầy Thành không biết tiếng Latin. Còn tôi thì cũng nói bừa như thế, cũng chẳng biết như thế có đúng hay không. Vui thật, có như thế mới gọi là Latin. Một cơn gió thổi qua, thầy Thành nhăn mày nhíu mặt vì mông lại đau rát. Thấy thế, chú Long bảo: “Thầy mặc quần vào để chắn gió”. Thầy Thành nhớ ra: “Cảm ơn. Cảm ơn”.

3. Chúng tôi lại quăng lưới bắt cá, lại vớt ốc... lại nướng, lại nhắp rượu. Có lẽ muốn bắt chước cổ nhân đã chơi thuyền trên sông Xích Bích ngày xưa, bác Lý tay gõ bồm bộp vào mạn thuyền nan, lên giọng ngâm sang sảng:

Bầu Hương hề
Không một bóng cây
Hằng Nga hề
Lơ lửng trời Tây
Thân ta hề
Lênh đênh nước mây...

Tôi bỗng nhớ đến con rái cá. Giờ này chắc nó đã vào hang. Nó muốn làm quen với chúng tôi đó, nhưng nghe tiếng thét dữ dội của thầy Thành, nên nó sợ đã vào hang.

Ngô Phan Lưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm