Băn khoăn với bảo tàng ngàn tỉ

28/07/2015 12:27 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chạy theo những chuyện thời sự hàng tuần, Remote tôi cũng tới lúc cảm thấy nhàm chán và uể oải. Và ông chủ hẳn cũng cảm thấy như vậy, khi đều đặn phải xuất hiện trong những cuộc tranh luận hàng tuần với bà chủ, ở mọi vấn đề.

Bởi thế, chúng ta hãy để ông chủ nghỉ ngơi một tuần. Còn bà chủ, với tính đa sự đáng yêu của phụ nữ, hẳn bà vẫn bằng lòng cùng tôi song hành lần này.

Và, hãy bắt đầu câu chuyện từ chính bà chủ. Bà đang rất muốn bộc bạch những cảm xúc của mình khi nghe tin sắp có Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nằm tại công viên Hữu Nghị, gần Hồ Tây, với kinh phí hàng chục ngàn tỉ đồng.

Chuyện không mới, bởi đã được nhắc đến từ vài năm trước rồi. Nhưng, con số ngàn tỉ ấy đủ khiến bà rên lên lần nữa, khi nghe tin dự án này bắt đầu được nghiên cứu để lập kế hoạch đầu tư.


Mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia

"Cả núi tiền, không làm đường xá cầu cống mà xây bảo tàng làm gì" – bà lẩm bẩm một mình. Cái ấn tượng từ lần tới Bảo tàng Hà Nội vài năm trước cứ ám ảnh bà mãi đến giờ. Nghe nói cái công trình hình Kim tự tháp ngược ấy cũng ngốn mất hơn 2.000 tỷ đồng. Vậy nhưng đến nơi, bà là vị khách duy nhất trong buổi sáng, giữa đám hiện vật lèo tèo được bày ra.

Bây giờ, cái bảo tàng sắp xây sẽ tốn gấp 5-6 lần chỗ ấy. Lẩm nhẩm lên mạng tìm hiểu so sánh, bà nhận ra khoản tiền ấy có thể xây được tới 50 km đường cao tốc. Hoặc 4-5 cái bệnh viện.

Hoặc gấp đôi tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến dốc Thanh Niên, tuyến đường mà bà vẫn mong xây càng sớm càng tốt để tránh cảnh kẹt xe trong mỗi sáng đi làm. Giá như có ông chủ ở đây, để chia sẻ cùng mình.

Nhưng, vắng ông chủ cũng tốt. Bởi, ngẩng đầu nhìn chiếc ti vi, bà bỗng giật bắn người. Mới vài ngày trước, chương trình du lịch phát sóng về mấy bảo tàng bên trời Âu, chính bà từng nhăn nhó than rằng nước mình nghèo nên khổ quá, bao nhiêu năm chẳng xây được công trình văn hóa tầm cỡ nào, toàn xài những thứ từ thời thực dân để lại.

Đỏ mặt, bà nhớ lại hôm ấy mình từng bảo với chồng rằng bảo tàng, thư viện là thước đo văn hóa ở bất cứ thành phố nào. Rằng, trước khi phát triển kinh tế, người ta phải đưa văn hóa đi trước một bước để làm nền tảng.

Rằng, cách nghĩ quy mọi thứ ra tiền, ra nguồn thu sẽ mang về là kiểu tư duy tiểu nông. Rằng nhà nước thấy cái gì có ích thì về lâu dài thì phải mạnh dạn đứng ra đầu tư chứ...

Tẩn mẩn, bà nghĩ: Hóa ra mình cũng... khó chiều. Thử đặt ngược lại, lần tới Bảo tàng Hà Nội, nếu bề ngoài lụp xụp nhếch nhác, hẳn bà cũng sẽ nguýt dài, và không thèm  đặt chân vào trong: "Có tiếc gì mà không làm được một cái bảo tàng hẳn hoi". Hóa ra, mọi thứ cứ luẩn quẩn như chuyện con gà – quả trứng.

Thấy bà chủ nhăn nhó, đi ra đi vào, remote tôi thầm ước giá mình nói được. Khi ấy, dù ông chủ vắng nhà, Remote sẽ nhắc bà nhớ lại câu mà ông thường nói: Ở đời, khó mà tính đến chuyện chọn cái nào tốt hơn cái nào. Vấn đề là luôn phải làm tốt cái mình định làm.

Remote
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm