Bàn chân “ma ám”

20/10/2012 09:05 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Khi xảy ra vụ “thử xe, đâm… thật” tại Triển lãm ô-tô Việt Nam đầu tuần qua, nhiều bạn bè tò mò hỏi tôi xem con xe ấy số sàn, hay số tự động? Và rồi khi biết là số tự động, ai cũng tặc lưỡi “biết ngay mà. Phải chi số sàn thì sẽ an toàn hơn. Số tự động rất dễ nhầm chân phanh với chân ga…”.

>> Đọc các bài viết chuyên đề Lối sống đô thị tại đây

Khi nghe đến đây tôi quyết định phải viết bài này. Tôi viết để nói lên một sự thật rằng, việc nhầm lẫn không nằm ở số sàn hay số tự động, cũng không nằm ở tay lái của chúng ta, nó nằm trong một cõi vô thức nào đó, giống như bị một lời nguyền ám ảnh.

1. Anh bạn tôi là bác sĩ phẫu thuật sọ não. Tôi không rõ trình độ mổ não so với mổ tim thì khó hơn nhau như thế nào, chỉ biết rằng, phải đục một thứ rất cứng như hộp sọ ra để chữa một thứ rất mềm (não - nhũn như bã đậu) thì quả thực là kinh khủng. Anh nói rằng, trước khi vào ca mổ một vài ngày, anh không bao giờ xách một vật nặng quá 20 cân. Bàn tay anh cần phải nhạy cảm, và… minh mẫn nữa.

Tôi nghĩ lái xe ô-tô, tất nhiên không đến “trình cao” như mổ não, nhưng toàn bộ mệnh số của mình và của biết bao người đi đường đặt cả ở cái chân, nói chính xác là cái chân phải. Tôi xin nói rõ rằng ở cái chân chứ không phải cái tay. Mặc dù để “ra oai” với mấy em ngồi bên cạnh, hay mấy bác đang học lái thì cái tay với những cú đánh vô-lăng hoa mỹ luôn gây được ấn tượng mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều khiển vô-lăng là thao tác dễ nhất, hay chí ít cũng rất ít khi xảy ra nhầm lẫn, và nó luôn tỷ lệ thuận với trình độ của tài xế (lái non hay lái già).

Cái khó nhất, bao giờ cũng thế, nằm ở phần không được trình diễn hay phô ra, đó là phần dưới sàn xe thuộc “trách nhiệm” của hai cái chân, mà quan trọng nhất là chân phải. Nhiều khi tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, lái ô-tô, những tưởng rằng được nhàn nhã đôi chân hơn đi bộ, nhưng hóa ra đôi chân lại căng thẳng nhất. Từ lúc tập lái ô-tô đến giờ, khi đã đi xe số tự động, bàn chân của tôi luôn bị toát mồ hôi (đến nỗi tôi phải đi dép, và luôn phải bật nấc gió xuống chân). Đó là dấu hiệu cho thấy cái chân của tôi đã phải lao động vất vả như thế nào trong suốt cả quãng đường.

2. Nói điều này hơi thừa, nhưng cũng xin nhắc lại rằng khi lái xe, chân trái phụ trách côn (nếu là xe số sàn - MT), còn nếu số tự động (AT) thì chân trái chẳng phải làm gì. Chân phải luôn phụ trách 2 chức năng quan trọng nhất và rất mâu thuẫn nhau của chiếc xe, đó là phanh và ga. Đây là một sự phân khu chức năng thông minh tột bậc của loài người khi chuyển sang hệ bốn bánh, bởi nếu như với xe máy, phanh và ga thường phân ra cho 2 bộ phận khác nhau (tay ga, chân phanh) hoặc tay phải vừa ga vừa phanh trước, còn phanh chính là tay trái. Khi chân phải vừa phụ trách phanh vừa ga, thì đương nhiên, cùng một thời điểm nó chỉ thực hiện được một chức năng mà thôi, và do đó cái xe chỉ có thể ở một trạng thái: hoặc đang được ga hoặc đang bị phanh.

Nhưng trong sự thông minh ấy lại ẩn chứa cái mầm tai họa. Người ta đã chứng minh rằng lỗi nhầm chân phanh với chân ga không loại trừ bất cứ ai, không kể lái non hay lái già, kể cả xe số sàn và số tự động. Đó là khoảnh khắc bị ma ám, khi người ta bỗng quên đi một thao tác đã thành thục đến mức thành kỹ năng, kỹ xảo. Khi đã nhầm chân ga với chân phanh thì hậu quả ở xe số sàn hay số tự động có lẽ đều khủng khiếp như nhau.

3. Trong đời, có lẽ ai trải qua khoảnh khắc “bị ma ám” đó mà còn sống sót, hoặc lành lặn thì luôn “tởn đến già”, thậm chí không dám cầm lại tay lái nữa.

Rất khó có thể phân tích cơ chế tâm lý dẫn tới sự nhầm lẫn này. Thỉnh thoảng đi trên đường, bắt gặp một chiếc xe máy bị va chạm đổ kềnh ra phố, tôi thường thấy chiếc xe bị ga rú lên, bánh quay tít, thậm chí bánh vẫn bám xuống đường, khiến chiếc xe nằm nghiêng giãy đành đạch như con cá bị vứt lên cạn. Đấy cũng là một khoảnh khắc mà người lái xe không làm chủ được tay ga khi bị mất thăng bằng. Khoảnh khắc đó nếu ở trên chiếc ô-tô thì chắc chắn đã có thêm một chiếc xe điên.

Ngay lập tức nếu tôi hỏi bạn, khi đạp phanh/đạp ga thì đưa chân trái sang bên phải hay trái? Có thể bạn sẽ lúng túng vài giây. Điều đó là rất bình thường bởi việc trượt từ phanh sang ga và ngược lại đã thành kỹ xảo, được điều khiển bằng vô thức. Trong một tỷ lần thực hiện phản xạ này thành công, chỉ có một lần không thành công thì hiểm họa xảy ra.

Thật ra, ít ai có điều kiện (hay bị rơi vào hoàn cảnh) nhầm chân phanh với chân ga để mà đưa ra những trải nghiệm “tâm lý”. Chỉ chắc chắn một điều, sự nhầm lẫn chỉ có thể xảy ra khi chúng ta mất bình tĩnh (do không quen xe, do không tự tin vào tay lái, do bị phân tâm, do tình huống quá bất ngờ...) và kết cục là không làm chủ được tình thế. Lúc đó không những con người không làm chủ được phần ý thức của mình mà còn “loạn” cả vô thức và “nhiễu” luôn các phản xạ có điều kiện.

4. Trở lại với cái chân phải, “công cụ” quan trọng trong điều khiển ô tô, chúng ta phải biết “nâng niu” nó. Lần đầu leo lên xe số tự động, tôi đã suýt mất mạng, khi vẫn duy trì thói quen cũ khi đi xe số sàn: chân trái đạp vào một cần điều khiển (cứ nghĩ là côn) chân phải đạp vào cần điều khiển bên kia (cứ nghĩ là phanh). Hóa ra, ở xe số tự động, làm gì có chân côn. Cái mà tôi tưởng là côn chính là phanh và cái tôi tưởng phanh chính là ga. Chiếc xe rú lên như bị chọc tiết (vì vừa bị phanh vừa bị ga), may mà đang ở chân dốc nên nó chỉ vọt lên một chút, rồi dừng lại được.

Hãy chăm sóc cho cái chân phải bằng cách đi cho chiếc giày hoặc dép có đế cao, cứng, vững chãi để làm “trụ quay” khi một mình đó phải phụ trách cả phanh và ga (trong những sự kính phục, tôi phục nhất mấy anh lái xe tải lười biếng, đi dép tông Lào, đặt ngang bàn chân: gót chân bên phanh, mũi chân bên ga, để đạp cho… ngọt). Đừng bao giờ để bàn chân ra mồ hôi. Hãy di chuyển vị trí của ghế lại để hai chân có tư thế thoải mái nhất, đại khái thoải mái như khi rung đùi ngồi trên salon, đừng bao giờ để cổ chân phải bị mỏi.

Và quan trọng hơn nữa, hãy rèn cho cái đầu phải thật bình tĩnh. Khi bạn quay đầu xe giữa phố đông, bạn phải lùi đi lùi lại đến mấy “đỏ”, vài người đi xe máy có thể chửi bạn, thậm chí đạp chân vào xe bạn, nhưng không sao, đôi khi bạn phải tập thói quen “bị điếc”. Bởi lẽ, dù bạn có non tay lái, quay đầu xe chậm đến đâu, đường có bị tắc lại, thì cũng chỉ quá 5 phút là cùng. Nhưng nếu bạn, vì hốt hoảng hay mất bình tĩnh trước đám đông ồn ào, chỉ một chút sơ sẩy bạn phải dừng ở đó mất cả ngày để giải quyết hậu quả. Tất cả chỉ là do nôn nóng, quá chân ga một tí, quệt nhẹ vào một gã thích ăn vạ.

Nhầm chân phanh với chân ga là một “cơn điên” ngắn, bản chất nó không loại trừ bất kỳ ai, kể cả bạn. Nhưng nếu bạn bình tĩnh, “cơn điên” ngắn ấy có thể không bao giờ đến hoặc lướt qua rất nhanh.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm