Bài 1: Khi kỷ cương bị xem thường loạn là tất yếu

03/09/2011 10:52 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Mùa giải chuyên nghiệp thứ 11 của bóng đá Việt Nam đã trôi qua. 11 năm là quãng thời gian không dài, nhưng cũng chẳng ngắn để những người có trách nhiệm với bóng đá nước nhà bao biện với những sai lầm hay hạn chế có tính hệ thống. Mùa giải thứ 11 cũng là cột mốc được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) coi như chuyển sang chuyên nghiệp chính thức. Thế nhưng, những gì gặt hái được có lẽ không như mong muốn. TT&VH Cuối tuần điểm lại một mùa giải đầy biến động.

Bài 1: Khi kỷ cương bị xem thường loạn là tất yếu

Kỷ cương là sợi dây vô hình trói buộc mỗi người để không lệch chuẩn trong hành vi, ý thức và lý tưởng sống. Cô gái 18 tuổi tát tai bôm bốp anh cảnh sát giao thông, rõ ràng là hành vi coi thường kỷ cương nghiêm trọng. Nhưng nói đi cũng cần nói lại. Bản thân lực lượng cảnh sát giao thông đã chuẩn mực khi thực thi trách nhiệm để người dân phải tự giác chấp hành kỷ cương khi tham gia giao thông hay chưa? Bóng đá cũng là bức tranh thu nhỏ của cuộc sống. Mọi hành vi của các cầu thủ, huấn luyện viên, quan chức các CLB và cả khán giả đều nhìn vào tấm gương của những bộ phận cấu thành Ban tổ chức, đã thể hiện được kỷ cương ở mức độ nào.

Thực tế, mấy vòng cuối mùa giải chứng minh rõ nhất sự coi thường kỷ cương của các đội bóng. Đồng Tâm Long An chưa đá vòng cuối nhưng người ta biết chắc “Gạch” sẽ rớt hạng, vì Khánh Hòa sẽ “thả” cho Hòa Phát Hà Nội để Chủ tịch VFF phải thốt lên: “Tôi xem phát lại trên tivi mà bức xúc không chịu nổi. Rõ ràng, đây là trận có chất lượng kém nhất giải vì Khánh Hòa buông, làm hình ảnh bóng đá Việt Nam hết sức xấu xí”.

Tương tự, đội bóng phố biển sẽ nhận được quà từ Thanh Hóa, Đồng Tháp để trụ hạng thành công và Hải Phòng sẽ ở lại sân chơi V-League. Tất cả đều diễn ra như dự đoán. Nếu thực sự muốn lập ra kỷ cương, VFF hoàn toàn có dữ liệu và thời gian để mở một cuộc ngăn chặn nhằm trả lại sự công bằng cho cuộc đua trụ hạng.


Trọng tài Trần Công Trọng bị cho là đã “đè ngửa” Hòa Phát Hà Nội trên sân Lạch Tray của Hải Phòng. Ảnh: VSI

Thế nhưng, đã không có bất kỳ một liệu pháp có tính răn đe, thiết lập kỷ cương từ cấp thượng tầng. Đỉnh điểm của việc coi thường “quan lớn”, đấy là hôm cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành nằm thẳng cẳng trước Bình Định trong ngày nhận Cúp vàng. Trên khán đài, không hiểu lúc đó Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn và Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi nghĩ gì. Chỉ biết rằng, khán giả Sài Gòn đã thấy ông Phó chủ tịch VFF kiêm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM Lê Hùng Dũng mặt hầm hầm bỏ ra về.

Việc cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành (và nhiều đội khác) dám đá bậy trước mặt quan chức VFF, có khác gì cảnh người của Ban tổ chức làm càn. Chúng ta không khó đưa ra ví dụ điển hình. Đấy là trọng tài Trần Công Trọng đã “đè ngửa” Hòa Phát Hà Nội trên sân Lạch Tray, trước mặt Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và phụ trách an ninh VFF Hoàng Chuyên Cần. Một tuần sau, trên sân Gò Đậu, đến lượt trọng tài Văn Quyết (làm trọng tài bàn trận Hải Phòng - Hòa Phát) lại tiếp tục bắt có lợi cho đội bóng đất Cảng, bất chấp hôm đó Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi làm giám sát trận đấu.

Khi trọng tài thể hiện tư cách kém như thế, và việc Hải Phòng được cứu lộ liễu thì dư luận có quyền nghi ngờ tính trung thực của Ban tổ chức giải, vì trọng tài là người của Ban tổ chức. Hoặc cáo buộc nặng nề như huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh là có nhóm trọng tài thao túng bóng đá Việt Nam kiểu mafia. Ranh giới của trụ hạng, và vô địch quá mơ hồ, nên chỉ cần trọng tài có chủ ý giết đội này, nâng đỡ anh kia là làm đảo lộn công lý.

Một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng, đấy là sự không công bằng, nhưng VFF vẫn lý giải vì lý do sợ các ông bầu phật ý không còn đầu tư vào bóng đá. Đấy là sự vô lý bởi bóng đá chuyên nghiệp không có chỗ cho tình cảm, những tiền lệ mang tính thiểu số và sự tiêu cực.

Rồi những quy định lên xuống hạng hết sức vô lý, tạo một sự hoang mang ghê gớm với những thành viên tham dự giải. Ban tổ chức không hiểu hay cố tình không hiểu rằng đằng sau một đội bóng là bao nhiêu tỷ đồng, và hàng triệu người hâm mộ địa phương.

Ai cho tôi lương thiện?

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ phê phán Khánh Hòa nhưng ông Chủ tịch CLB Lê Tiến Anh nói cũng có lý: “Lẽ ra VFF phải cảm ơn chúng tôi, vì nếu Khánh Hòa buông Hà Nội T&T trận đấu bù vòng 13 thì liệu có xảy ra trận chung kết trong mơ giữa Sông Lam Nghệ An và Hà Nội T&T hay không”?

Đúng vậy, đấy là trận đấu mà dư luận đã đoán như đúng rồi Hà Nội T&T sẽ thắng vì trước đó SHB Đà Nẵng đã thua Khánh Hòa trên sân Nha Trang theo kiểu bắc cầu.

Nếu Chủ tịch VFF là ông bầu của Khánh Hòa, thì chắc chắn cũng phải xử sự như thế, tức làm mọi cách để lấy trọn 3 điểm trước Đồng Tháp, Thanh Hóa và khi đủ điểm thì sẽ thả Hòa Phát Hà Nội.

Bóng đá Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển nóng nhưng bộ máy chung của VFF đã không theo kịp để đưa ra các giải pháp kiểm soát tốt, từ khâu đào tạo lực lượng điều hành giải, trọng tài, khâu tổ chức- Ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF.

Vì đấy là tâm thế của tất cả những đội bóng tham dự giải, đội nào sạch chỉ có thiệt thòi và ai chịu cho các CLB làm người lương thiện. Họ thừa hiểu, nếu đá bậy thì cũng không bị xử lý vì Ban tổ chức không có bằng chứng cụ thể. Thực ra, căn cứ vào Quy định kỷ luật thì vẫn có, nhưng những câu chữ chỉ tồn tại trên văn bản, không có tiền lệ đưa ra để xử. Bóng đá thời loạn nên càng nhiều chiến hữu càng tốt để đề phòng lúc hữu sự. Ngôi vô địch chỉ có một, nên những đội đủ điểm trụ hạng tìm cách rải điểm. Dân bóng đá kể rằng những anh này được đối xử như thượng khách, và ai dám chắc rằng họ không được đối thủ hậu đãi bằng vật chất khi 3 điểm thời cơ hàn giá trị cũng bạc tỷ.

Căn bệnh đó sẽ trở thành hiểm họa, nếu như trọng tài cũng nhận thấy kỷ cương lỏng lẻo để làm càn. Tin chắc rằng, trường hợp thể hiện cái tâm không sáng như trọng tài Nguyễn Công Trọng, Văn Quyết chỉ là thiểu số. Vì trọng tài cũng là con người, và họ hiểu rằng nếu làm càn cũng không bị sờ gáy, chưa biết chừng sau thời gian ngắn bị treo còi thì hai ông Trọng và Quyết sẽ trở lại, như tiền lệ đã có.

Khi một giải đấu mà kỷ cương bị coi thường, thì chẳng lạ nếu nó cứ loạn lên trong sự bất lực của Ban tổ chức. Chừng nào Ban tổ chức tạo được kỷ cương ở các bộ phận của mình, khiến các đội cảm giác giải đấu công bằng, trung thực thì chừng đó mới hy vọng bóng đá Việt Nam sạch.

Thế nên mới gọi là thượng bất chính, hạ tắc loạn!

Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm