Gần Tết càng lo dịch bệnh

20/01/2011 14:12 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Dịch cúm A/H1N1 đang có nguy cơ bùng phát trở lại trong thời tiết giá rét, khi chỉ trong 2 tuần đầu năm 2011, cả nước đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tại 3 tỉnh, thành phố là Long An, TP.HCM và Hà Nội.

Ngoài ra theo các chuyên gia y tế, thời tiết giá rét trong khi Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh dịch khác sẽ tái xuất hiện...

Có dấu hiệu bùng phát dịch cúm A/H1N1?

ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, cho biết, BV hiện đang điều trị một bệnh nhân nữ 24 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội bị nhiễm cúm A/H1N1. Đây là bệnh nhân đầu tiên nhiễm cúm A/H1N1 ở Hà Nội trong năm 2011, hơn nữa bệnh nhân đang có thai 30 tuần tuổi. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang dần ổn định, chưa có biểu hiện viêm phổi cấp. Tuy nhiên, ông Hà cho biết có không ít bệnh nhân tới BV khám điều trị, với triệu chứng của bệnh cúm nên để phòng ngừa nhiễm cúm A/H1N1 trong thời điểm giáp Tết, người dân tuyệt đối không mua bán, vận chuyển và sử dụng gia cầm, thủy cầm chết, không rõ nguồn gốc.

Thời tiết lạnh càng phải đề phòng dịch cúm
Cùng đó, tại TP.HCM, BV bệnh Nhiệt đới cũng đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân đi du lịch từ Malaysia vừa trở về. Trước khi vào bệnh viện, bệnh nhân này đã bị sốt cao 2 ngày liên tiếp. Trong thời gian nằm ở nhà, bệnh nhân đã tiếp xúc với nhiều người trong gia đình. Do vậy, những người này đang được theo dõi. 2 trường hợp còn lại thì dương tính với cúm A/H1N1 sốt cao liên tục, mình mẩy đau nhức, uống thuốc cảm cúm thông thường nhưng không khỏi. Qua đây, có thể thấy dịch cúm A/H1N1 vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng và sẵn sàng lây lan khi có điều kiện. Điều này đã được minh chứng qua kết quả từ hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, từ tháng 10/2010 đến nay, tại 9 tỉnh, thành phố của Ngành Y tế đã ghi nhận 39 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H1N1. Tính riêng từ ngày 27/12/2010 đến ngày 2/1/2011, đã thu thập 52 mẫu xét nghiệm hội chứng cúm, trong đó cúm A/H1N1 chiếm 30,8% các trường hợp mắc cúm.

Mặc dù vậy, về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, người dân không nên quá lo ngại với dịch cúm A/H1N1, bởi báo cáo giám sát từ các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 thời gian qua chưa phát hiện dấu hiệu biến chứng. Tuy nhiên, ông Bình khuyến cáo, người dân trong những ngày giá rét phải giữ ấm cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và vệ sinh cá nhân, khi có biểu hiện ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, đặc biệt ở những vùng đang có dịch cần phải thông báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, tuyệt đối không tự mua thuốc kháng virus - thuốc Tamiflu về sử dụng khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Hoại tử chân vì thịt lợn nhiễm liên cầu khuẩn

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch cúm trên thế giới và khu vực, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã yêu cầu hệ thống kiểm dịch y tế biên giới tăng cường giám sát khách nhập cảnh, bố trí đủ cán bộ trực 24/24 giờ tại các cửa khẩu để phát hiện và cách ly trường hợp mắc bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố vẫn duy trì điều tra dịch tễ, giám sát, cách ly các trường hợp mắc cúm A/H1N1.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết, ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP Trung ương đã thành lập 12 đoàn công tác kiểm tra vấn đề ATTP ở 30 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát việc vận chuyển gia súc, phát hiện và dập dịch kịp thời, tuyên truyền cho người chăn nuôi không giết mổ gia súc bị bệnh để ăn, không buôn bán, vận chuyển gia súc bị bệnh đi nơi khác.

Tuy nhiên, liên tiếp những đợt giá rét gần đây đã làm cho hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị chết rét, ngoài ra, dịch lở mồm, long móng, dịch tai xanh ở lợn vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương, trong khi đó sức tiêu thụ thực phẩm của người dân ngày càng gia tăng do Tết Nguyên đán đang đến gần. Theo Cục Y tế dự phòng, nguy cơ nhiều dịch bệnh như nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn, cúm A /H5N1 có nguy cơ quay trở lại, bởi tình trạng dịch lợn tai xanh, lở mồm, long móng, gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn được lưu thông trên trường thị trường. Đã xuất hiện những ca bệnh liên quan đến nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn có diễn biến khá nặng, bị nhiễm liên cầu khuẩn suy đa tạng và phải cắt cụt cả 2 chân do bị hoại tử.

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm