Đạo diễn Phan Đăng Di: Thích nhất là làm phim chưởng

01/02/2009 07:35 GMT+7 | Phim

"Nếu tôi có nhiều tiền tôi nhất định sẽ làm một bộ phim chưởng thật hoàng tráng, đó thực sự là ước mơ của tôi..." - đạo diễn Phan Đăng Di
 
 
Bắt đầu cuộc chơi với phim độc lập...

* Chào anh Di, lý do khiến anh trở thành một nhà làm phim độc lập?

Điện ảnh, trong cái phần hấp dẫn nhất mà tôi tìm thấy ở nó, luôn gắn liền với những bộ phim không bị khuôn vào những công thức cứng nhắc, nó là một cái gì đó hết sức cá nhân và riêng tư. Ở đó, người đạo diễn có thể theo đuổi giấc mơ của mình một cách tự do, và tất cả những yếu tố đó, có thể tìm thấy trong một bộ phim độc lập. Đó là lý do.

* Anh nhìn thấy sự khác biệt của mình ở đâu so với những "nhà làm phim khác" (quốc doanh, tư nhân, Việt kiều)?

Đạo diễn Phan Đăng Di
Thường các đạo diễn bao giờ trông cũng hơi gầy và rắn rỏi, tôi thì hơi mập, đó có thể là một điều khác biệt chăng? (tủm tỉm...)

* Là một nhà làm phim độc lập, anh "độc lập" đến mức nào (trước và sau khi phim được sản xuất)?

Làm phim, thực ra, là một công việc rất khó... "độc lập". Nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố: tiền bạc, ê-kíp, quy trình sản xuất nhiều khâu mà khâu nào cũng rườm rà... Chẳng có ngoại lệ với bất kì ai, kể cả bạn là một người làm phim độc lập đi chăng nữa.

Nếu có chút gì đó có thể gọi là độc lập ở đây thì đó là: sau những vất vả ấy, một người làm phim như tôi sẽ thấy, rốt cuộc mình đang nỗ lực cho chính bộ phim của mình, chứ không phải là của bất kỳ ai khác... Nhưng mà để đạt đến cái đích đó, thì mình rõ ràng là đã lụy biết bao nhiêu con đò. Sự độc lập do đó nhiều khi chỉ thuần mang một ý nghĩa an ủi mà thôi.

* Khi anh làm một bộ phim độc lập, anh nghĩ tới mình bao nhiêu %, tới những nhà tài trợ bao nhiêu % và khán giả bao nhiêu %?

Khi làm phim, có lẽ tôi sẽ chỉ nghĩ về bộ phim thôi, nghĩ cách làm sao thực hiện được nó, giữ cho nó một tiếng nói chân thành cho đến cùng. Như thế cũng đủ mệt lắm rồi!

* Các nhà làm phim độc lập thường phải, và hay ngại, tự tìm vốn, tự tiếp thị bản thân. Thế anh thường tự PR bản thân bằng cách nào?

Tôi cũng làm như cách thông thường mà những nhà làm phim khác làm thôi, đầu tiên là cố gắng bằng mọi cách thực hiện cho được một vài bộ phim, ngắn thôi cũng được.

Tiếp đến là viết ra một vài kịch bản mà bản thân mình cũng thấy bị kích thích, dịch nó sang tiếng Anh, tiếng Pháp, chuẩn bị cho nó một hồ sơ thật đầy đủ, tìm một vài hãng phim trong nước có kinh nghiệm để cùng mình mang dự án ra chào ở các Liên hoan phim quốc tế.

Trong khi đi ra ngoài thì cố gắng tươi tỉnh, mỉm cười nhã nhặn với các nhà đầu tư, luôn đưa ra những mục tiêu thực tế cho dự án của mình và ngồi đợi...

Thực tế là hàng năm nhiều Liên hoan phim trên thế giới liên tục tung ra các lời mời chào những nhà làm phim độc lập gửi dự án đến. Nếu bạn muốn tìm cơ hội, bạn phải chấp nhận việc tốn bộn tiền để gửi nó đi và thường thường có khi chỉ là để nhận về những bức thư từ chối rất hay ho.

Nhưng biết làm sao được, ta vẫn phải cắn răng mà gửi thôi, nếu không, ngay cả đến một mẩu hi vọng cũng chẳng có...

* Nói về đầu ra cho phim độc lập. Theo anh, yếu tố gì là quyết định may mắn, khả năng tự PR bản thân như đã nói ở trên, quan hệ sẵn có...?

Đầu ra của tất cả mọi bộ phim, kể cả một bộ phim độc lập được quyết định chính ở phẩm chất của nó. Khi ta làm ra được một bộ phim hay thì tự bản thân nó đã mang sẵn trong mình sự may mắn, khả năng tự PR và đồng thời nó cũng có thể giúp xác lập các mối quan hệ một cách vững chắc.

Thời hiện tại là thời mà dù ở chốn thâm sơn cùng cốc ta cũng sẽ được tìm thấy nếu làm ra được cái gì đó hay ho, còn nếu ta không có khả năng thì dù có giỏi PR, dù quan hệ có tốt đến mấy cũng vô ích.

Tất nhiên là cũng có trường hợp, một số đạo diễn phim độc lập khi đã thành danh, thỉnh thoảng vẫn có quyền làm ra những bộ phim dở tệ mà chẳng sao, nhưng đó là vì họ đã thành danh. Còn thông thường, điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt luôn cả sự nghiệp! Điện ảnh luôn là cuộc chơi nhọc sức và tốn kém, và cũng khó mà trải nghiệm nhiều cảm giác thất bại.

* Một bài học kinh nghiệm cá nhân "đắt giá" nhất mà anh muốn chia sẻ với một nhà làm phim độc lập mới vào nghề?

Đối với điện ảnh, các bài học đều rất dễ đắt giá, theo mọi nghĩa của từ này. Trong những phim đầu tiên, chỉ cần người ta tự cho phép mình sung sướng một chút là đã đứng trước nguy cơ kéo cày trả nợ dài dài.

Những bộ phim độc lập, nhất là phim ngắn, là một thứ rất khó bán, mà có bán được thì cũng khó bù được chi phí bỏ ra, thành thử chuyện bù lỗ cho phim, dù có được cảnh báo trước, cũng khó mà tránh được. Ta phải chấp nhận nó thôi...


Người Việt Nam thích làm phim độc lập

Anh nhận xét gì về cộng đồng những người làm phim độc lập ở Việt Nam? Liệu đã có cái được gọi là dòng phim độc lập ở ta hay chưa? Và dòng phim độc lập này có ý nghĩa thế nào với điện ảnh chúng ta hiện nay?

Ở Việt Nam, kể từ khi được phép thành lập các hãng phim tư nhân vào năm 2003, việc làm phim được mở rộng cho tất cả mọi người đều có thể tham gia thì điều kiện quan trọng nhất cho sự ra đời của dòng phim độc lập đã được xác lập.

Thêm vào đó, sự bùng nổ của các thiết bị quay phim kĩ thuật số hiện đại cũng khiến cho việc làm ra một bộ phim trở nên đơn giản hơn nhiều. Đấy rõ ràng là những cơ hội vàng cho tất cả các nhà làm phim. Tuy nhiên vì những cơ hội này chỉ mới xuất hiện nên trên thực tế nó chưa kịp để hình thành nên một dòng phim độc lập ở Việt Nam.

Với lối làm phim đơn giản, tiết kiệm, một phong cách làm phim giàu ngẫu hứng, tôn trọng sự sáng tạo của cá nhân, phim độc lập có thể giúp cho nhiều nhà làm phim Việt Nam, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ thể hiện một cách thoải mái khả năng sáng tạo của mình mà không quá lệ thuộc vào một hệ thống sản xuất phim truyền thống vốn khá cồng kềnh.

Mặt khác, với sự linh động trong cách thực hiện, phim độc lập có thể giúp phản ánh một cách trực diện và kịp thời thực tại phong phú của cuộc sống Việt Nam hiện tại, điều mà cả lối làm phim theo kế hoạch lẫn các bộ phim thương mại của các hãng phim tư nhân đều không có ưu thế.

* Anh có lợi thế gì khi là một nhà làm phim độc lập mang quốc tịch Việt Nam?

Thường thì các Quỹ tài trợ cho phim độc lập hướng ưu tiên đến các vùng được cho là khó khăn trên thế giới, Việt Nam cũng nằm trong số quốc gia được ưu tiên. Đây rõ ràng là một lợi thế đối với tôi, đặc biệt trong những bước khởi đầu!

Phong cách & kế hoạch cá nhân

* Anh có chịu ảnh hưởng bởi phong cách làm phim của đạo diễn nào không? Thế mạnh trong phim anh là gì?

Tôi thích khá nhiều đạo diễn, kể cả những đạo diễn không thuộc dòng phim độc lập. Thật khó nói được thế mạnh trong phim của tôi là gì khi phải đến tháng 7 này tôi mới quay bộ phim dài đầu tiên "Bi, đừng sợ" của mình (cười).

* Anh hay chọn những đề tài nào cho phim của mình?

Tôi có xu hướng chọn những đề tài đơn giản, dễ thực hiện vì nếu không thì chẳng biết lấy đâu ra tiềm mà làm (cười).

* Vậy còn chủ đề nào mà anh muốn làm nhưng chưa thực hiện được không?

Nếu tôi có nhiều tiền tôi nhất định sẽ làm một bộ phim chưởng thật hoàng tráng, đó thực sự là ước mơ của tôi...

* Theo anh dự đoán thì những khán giả (như thế) nào sẽ thích xem phim của anh?

Cái này thì khó quá!

* Thế thì nói về dự án hiện tại và dự án tương lai của anh đi. Vẫn độc lập chứ?

Đúng vậy, vẫn độc lập!

* Xin cảm ơn anh!

TheoSVVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm