Khởi đầu cho một sự kết thúc?!

07/09/2011 08:50 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Hôm qua, mọi nỗ lực liên hệ của TT&VH với các lãnh đạo chủ chốt của VFF để hỏi về chuyện lãnh đạo HP.HN chính thức tuyên bố “khai tử” đội bóng của mình đều không thành công. Cũng dễ hiểu cho cái sự bất thành này, bởi ngày mai (8/9), VFF sẽ tiến hành tổng kết mùa bóng 2011 nên có lẽ đây không phải là lúc thích hợp để lãnh đạo VFF lên tiếng về một vụ việc nhạy cảm như thế. Rõ ràng VFF đã có vai trò không nhỏ để dẫn tới sự biến mất của CLB HP.HN trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp VN, và chính những ông bầu của HP.HN đã trực tiếp cảnh báo điều này sau khi họ cùng ông chủ tịch VFF trực tiếp chứng kiến cảnh tượng HP.HN bị trọng tài Trần Công Trọng ép cho phải thua V.Hải Phòng trong trận cầu sinh tử ở sân Lạch Tray.

Xét từ góc độ chuyên môn, cả HP.HN lẫn HN.ACB đều không phải những cái tên tiêu biểu của bóng đá chuyên nghiệp VN, thậm chí lối chơi tẻ nhạt của 2 đội bóng này còn được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến sân Hàng Đẫy ngót chục năm nay cứ vắng hoe vắng hoắt như chùa Bà Đanh.


Hàng trăm con người ở đội bóng HP.HN đang có nguy cơ thất nghiệp sau vụ sáp nhập với HN.ACB. Ảnh: VSI

Hơn nữa, việc HP.HN được chuyển giao cho HN.ACB suy cho cùng cũng có thể được coi như là “lá rụng về cội”, bởi cách đây 8 năm, CLB LG.ACB.HN sau khi nhận vé xuống hạng ở V-League 2003 đã sáp nhập với Hàng không VN (tiền thân là CAHN) để trở thành LG.HN.ACB (và sau đó đổi là HN.ACB) và giữ luôn quyền chơi ở V-League của Hàng không VN. Các cầu thủ thừa ở 2 đội này được gộp lại tạo thành lập đội HP.HN để chơi ở giải hạng Nhất.

Vấn đề đặt ra ở đây là chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, bầu Kiên đã có tới 2 lần “cải tử hoàn sinh” cho đội bóng của mình chỉ với một cách thức, và đáng nể hơn nữa, ông bầu này lại còn thu hồi chính xác món hàng mà mình từng bán cho người khác cách đây 8 năm. Từ vụ việc của HP.HN và HN.ACB mới thấy, việc V.Hải Phòng “bung két” chi gần 10 tỷ đồng cho 4 trận đấu cuối cùng ở mùa giải năm nay để trụ hạng hóa ra lại quá lãng phí, vì nếu tìm được một ông bầu nào khác chán bóng đá ở V-League, có khi V.Hải Phòng không phải tốn kém đến thế để duy trì sự hiện diện của mình ở V-League 2012.

Những chuyện đang xảy ra ở V-League hiện tại có cái gì na ná với thị trường chứng khoán và bất động sản VN, khi sau một thời kỳ “tăng trưởng ngoạn mục”, cả chứng khoán lẫn bất động sản đều đang có dấu hiệu “xì hơi bong bóng” và khiến cho khối kẻ phải lao đao, ngay cả với những tên tuổi từng nổi đình nổi đám một thời.

Kịch bản tương tự dường như cũng đang xảy ra với bóng đá chuyên nghiệp VN, khi 2 đội bóng tiên phong trong công cuộc chuyên nghiệp hóa bóng đá VN là HA.GL và ĐT.LA thì một ngắc ngoải suốt 5, 6 năm qua (HA.GL), còn một thì xuống hạng (ĐT.LA).

Cùng lúc đó, V-League còn phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn khác, chẳng hạn như trào lưu mua bán sang tên đội bóng, xu hướng nhập tịch tràn lan cho ngoại binh để phục vụ thành tích trước mắt, hay sự bát nháo lộn xộn trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ… Đấy còn chưa kể tới những vấn đề nghiêm trọng khác như sự tồn tại ngang nhiên của tình trạng một ông chủ 2 đội bóng ở cùng một giải đấu song vẫn được VFF tặc lưỡi cho qua, trong khi bóng đá châu Âu thì thậm chí còn nghiêm cấm điều này với cả một giải đấu ở quy mô châu lục chứ không phải là giải VĐQG như V-League.

Phải chăng những điều này là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang bắt đầu phải trả giá vì sự phát triển quá nóng và thiếu bền vững trong công cuộc phát triển bóng đá chuyên nghiệp VN, mà sự rút lui của những ông bầu có tiềm lực kinh tế cực mạnh và nhiệt huyết thực sự với bóng đá như bầu Tuấn, bầu Long của HP.HN mới chỉ là sự khởi đầu?

Có lẽ VFF thấu hiểu điều này hơn bất cứ ai hết!

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm