Từ hàng ghế khán giả: Có những bí mật cần phải chôn vùi!

26/10/2010 07:57 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Giao lộ định mệnh (GLĐM), bộ phim làm “thay đổi diện mạo phim Việt”, “món ngon Việt giữa tiệc phim hè Âu-Mỹ”, bị phát hiện là “hàng đạo” đúng vào những ngày LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất đang diễn ra, đang gây xôn xao trong dư luận. Để có một cái nhìn khách quan về sự việc này, TT&VH Cuối tuần xin đưa ra hai góc nhìn riêng biệt: một chủ quan từ phía đạo diễn Victor Vũ qua bài trả lời phỏng vấn với TT&VH; và góc nhìn chủ quan thứ hai từ phía khán giả.

Thật trùng hợp khi câu slogan của Giao lộ định mệnh (GLĐM) khái quát hết được những gì đã và đang xảy ra với chính nó.

Bí mật cần chôn vùi nhất… là trên đời “đột nhiên” có sự xuất hiện của bộ phim Mỹ, được sản xuất cách đây gần 20 năm, Shattered (1991), do đạo diễn nổi tiếng người Mỹ (gốc Đức) Wolfgang Petersen – khá quen thuộc với khán giả Việt Nam với các siêu phẩm: In the Line of Fire, Air Force One, The Perfect Storm, Troy, Poseidon… – viết kịch bản và đạo diễn, dựa theo tiểu thuyết của Richard Neely. Khoảng giữa thập niên 1990, Shattered đã có mặt tại các tiệm cho thuê video ở Việt Nam với tựa Việt là Tan vỡ.

Thiết nghĩ không cần phải kể nội dung của Shattered, vì GLĐM giống y chang, từ cấu trúc và trình tự diễn biến của câu chuyện, từ các nhân vật chính cho đến nhân vật phụ (có vài hoán đổi nhỏ). Và quan trọng nhất là cái kết bất ngờ theo kiểu Twist Ending (Cái kết gây sửng sốt) – yếu tố mà ngày xưa Shattered cũng được khán giả và các nhà phê bình đánh giá rất cao… giờ cũng được… đánh giá y thế với GLĐM.

Cái khác lớn nhất là Shattered khá hấp dẫn và thực sự cuốn hút người xem vào diễn biến hồi hộp và rắc rối của câu chuyện, chứ không tẻ nhạt như bản GLĐM. Tất cả đều làm rất “tới”: Tai nạn xe được quay rất ấn tượng với kỹ xảo kính vỡ (cũng là biểu tượng của bộ phim), chứ không phải lửa cháy 3D lộ liễu và trẻ con như GLĐM. Hóa trang gương mặt biến dạng của nhân vật chính Dan Merrick (Tom Berrenger đóng) trông rất ghê rợn. Nhiều cảnh rượt đuổi căng thẳng, nhiều cảnh tình tứ được quay rất gợi cảm…

Lát cắt mỏng không cần dao

Những tuyến nhân vật trong Shattered đã được tìm lại trong GLĐM như sau:

- Tom Berrenger thủ vai Dan Merrick (và vai ảo Jack Stanton) - Trần Bảo Sơn đóng khá tốt vai diễn rất nặng này. Anh cũng là người diễn xuất tròn vai nhất, đáng khen nhất trong GLĐM.

- Greta Scatcchi thủ vai người vợ thâm hiểm Judith Merrick - Vũ Thu Phương đóng vai này đã bộc lộ tất cả những gì… dở nhất của một diễn viên: giọng nói “thịt ba rọi” (nửa Nam nửa Bắc) nghe rất phản cảm, luôn ở trong tình trạng căng thẳng làm lộ sớm hành tung của nhân vật. Để lột tả mọi sắc thái tình cảm, từ đầu đến cuối phim cô chỉ có một kiểu diễn duy nhất là… trợn mắt!

- Scott Getlin thủ vai Jack Stanton (người tình của Judith) – Hứa Vĩ Văn đóng vai này. Trong cả hai phim, vai này đều ít đất diễn như nhau.

- Corbin Bernsen thủ vai Jeb Scott, bạn làm ăn trong công ty địa ốc với Dan – Đại Nghĩa được Victor Vũ xây dựng nhân vật với mối quan hệ và tính cách gần như y hệt Jeb trong Shattered.

Ngoài ra tác giả kịch bản và đạo diễn Victor Vũ đã có một vài điều chỉnh nho nhỏ ở 2 nhân vật quan trọng – chủ yếu gọi là hoán đổi thì đúng hơn:

- Joanne Whalley-Kilmer thủ vai Jenny Scott (vợ của Jeb Scott). Trong Shattered, Jenny là người đã kể xấu vợ của Dan cho anh nghe (Jenny có luyến ái với Dan) – Trong GLĐM, đạo diễn Victor Vũ đã hoán đổi nhân vật này thành… mẹ của Trần Bảo Sơn, do Diễm My đóng. Sự hoán đổi này xem ra kém hợp lý so với bản gốc, vì sau khi kể xấu cô con dâu, bà mẹ “biến mất” khỏi màn ảnh, để mặc đứa con trai độc nhất “vật lộn” với “sự thật”.

- Bob Hoskin rất xuất sắc trong vai thám tử tư Gus Klein, người được Dan thuê để theo dõi vợ mình - Victor Vũ đã khéo léo hoán đổi từ nam thành nữ do Tăng Bảo Quyên đóng, và cho cô ta có một số phận tình cảm với Hứa Vĩ Văn, nhằm hợp thức hóa việc theo dõi - như một thám tử - sau này của cô!  

Một sáng tạo hoàn toàn thuộc về Victor Vũ trong GLĐM là nhân vật trùm xã hội đen, do Bình Minh đóng, mục đích đánh lạc hướng suy đoán của khán giả khi xem phim. Nhưng thiết nghĩ đây là một sáng tạo… không cần thiết, bởi nhân vật này nếu có bỏ ra cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bộ phim! Bình Minh chỉ xuất hiện có vài cảnh, nên anh cố gắng tạo dấu ấn cho khán giả bằng chất giọng “như dưới địa ngục”, khiến ai xem cũng cười bò, vì tưởng đạo diễn đưa nhân vật hài này vào phim để khán giả thư giãn, chứ biết đâu trùm xã hội đen là nhân vật nghiêm túc 100%!

Tóm lại, ngoài một số hoán đổi và sáng tạo rất nhỏ kể trên, thì những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất của bộ phim Shattered như được làm lại “từng xen ti mét” trong GLĐM. Thậm chí, ngày xưa báo chí quốc tế đã khen ngợi Shattered là một phim nghẹt thở kiểu Hitchcock, thì giờ đây nguyên xi câu đó cũng được dùng để PR cho GLĐM!

Khôn ngoan có lại với trời?

Việc Victor Vũ cho ra lò GLĐM với kịch bản với câu chuyện hấp dẫn và cái kết gây sửng sốt, thật sự đã tạo một cú sốc đối với dân điện ảnh Việt Nam. Sốc là bởi vì mới năm ngoái (2009), nhiều người trong nghề vẫn nhớ Chuyện tình xa xứ – bộ phim đầu tiên anh ra mắt khán giả trong nước trong cả hai vai trò đạo diễn và tác giả kịch bản – với câu chuyện quá bình thường với vô số tình tiết ngô nghê. Vậy mà chỉ một năm sau, với “quả bom” GLĐM, đùng một phát… Victor Vũ đã trở thành “Alfred Hitchcock Việt Nam”.

Xét từ góc độ “nhà nghề”, việc suy luận GLĐM “chọn” Shattered không phải tình cờ. Thứ nhất, đây là bộ phim có cấu trúc chặt chẽ và kết thúc độc đáo, sẽ dễ làm “choáng” khán giả lẫn người trong nghề. Thứ hai, khán giả mua vé đến rạp hiện nay ở Việt Nam đều là giới trẻ trên dưới 20 tuổi, mà Shattered ra đời cách đây đã gần 20 năm. Thứ ba, mặc dù được công nhận là bộ phim hay, nhưng Shattered không nổi tiếng (kể cả ở Mỹ và trên thế giới) vì đây là phim kén khách, như thế sẽ ít bị dư luận chú ý (thực tế thì GLĐM “sống sót” với dư luận trong suốt thời gian phát hành vừa qua).

Nhưng cũng xét từ góc “nhà nghề”, Victor Vũ học điện ảnh ở Mỹ, có thiên hướng với thể loại phim kinh dị, ly kỳ… thì không thể nói là chưa từng nghe đến bộ phim Shattered – được các nhà phê bình đánh giá tốt, có diễn viên giỏi và đạo diễn nổi tiếng… Chuyện “chí lớn” gặp nhau có thể, nhưng trong nghệ thuật, sáng tạo sau người khác là vứt! Dù có hay, có độc đáo đến đâu cũng phải vứt!

Những hậu quả khó lường

Sau khi gây "choáng" trước tài năng đạo diễn và một kịch bản vượt tầm nội địa từ GLĐM, Victor Vũ đã trở thành món hàng "nóng" nhất trên thị trường quá khan hiếm đạo diễn giỏi hiện nay. Ngay lập tức, hãng phim Việt BHD đã mời anh làm đạo diễn bộ phim chiếu Tết năm nay.

Chịu trách nhiệm lớn nhất trước dư luận trong và ngoài nước tất nhiên là Victor Vũ (sản xuất, đạo diễn kiêm tác giả kịch bản) và bà Irene Trinh (nhà sản xuất Việt kiều Canada). Nhưng có lẽ họ còn chưa lường hết những hậu quả tệ hại sau vụ này.


Khó khăn lắm, điện ảnh Việt Nam mới gây dựng được thói quen đến rạp nơi khán giả. Dù giá vé mỗi lúc mỗi cao, nhưng vẫn không ngăn được tình cảm đối với nền điện ảnh nước nhà. Những vụ “động trời” thế này sẽ xói mòn tình yêu không toan tính của người xem đối với điện ảnh nội địa. Mất niềm tin là mất hết! Thậm chí, khán giả đã bỏ tiền mua vé có quyền kiện nhà sản xuất và nhà phát hành.

Hành vi  này chắc chắn cũng sẽ vấp phải sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng Việt kiều làm nghệ thuật trên thế giới. Từ trước tới nay, nỗ lực chinh phục thị trường điện ảnh Việt Nam của họ rất gian nan và sẽ càng gian nan hơn khi sau “vụ án” này, khán giả Việt sẽ mang tâm lý e dè với những sản phẩm điện ảnh của Việt kiều.

Giám đốc sản xuất Irene Trinh và đạo diễn Victor Vũ sẽ giải thích thế nào  với Hãng phim Saiga và các nhà đầu tư – những người đã góp vốn đến gần 8 tỷ đồng cho một sản phẩm… “ăn cắp” như GLĐM (trong đó có cả tiền góp vốn của một diễn viên chính trong phim), đặc biệt là những mất mát về danh dự? Chưa kể, điện ảnh Việt Nam sẽ mất điểm với thị trường điện ảnh quốc tế…

Và trong tương lai gần hơn, có lẽ bộ phim chiếu Tết của BHD năm nay với đạo diễn Victor Vũ, cũng sẽ ngồi trên lửa đốt…

Tjna Dzr

Đón đọc: Đạo diễn Victor Vũ: Chuyện khó giãi bày và rất… ma quái!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm