Doãn Hoàng Giang: Người của sân khấu lớn

27/02/2013 15:31 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi “thất thập”, lão tướng ấy vẫn không có ngày nghỉ ngơi, khiến người ta liên tưởng đến võ tướng Triệu Vân, tóc có bạc phơ nhưng trên lưng ngựa vẫn khiến thiên hạ phải nể phục.

Hồi đó, năm 1964, Hà Nội kỷ niệm 10 năm giải phóng thủ đô, Đoàn Kịch Thanh Niên Hà Nội quyết định dựng vở Những người quyết tử (trích trong tiểu thuyết Lũy hoa của Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng), kịch bản và đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Một buổi tối, ngôi nhà ở Ngô Sĩ Liên, có một chàng thanh niên gầy, tóc dài, đi bộ đến gõ cửa, bố tôi đang ngồi hút thuốc lào, tôi ngồi cạnh hầu chuyện. Người thanh niên mặt rất nhiều trứng cá, rất lôi cuốn người đối diện bởi sự nồng nhiệt và duyên dáng. Anh đặt vấn đề với bố tôi: “Anh Tốn ạ, chúng em quyết định dựng vở Những người quyết tử có một vai diễn là Thắng - chú bé đánh giày, một hình tượng như Garvoche của Những người khốn khổ trên chiến lũy Paris. Chú bé ấy là con chim sẻ của Hà Nội. Em muốn anh cho thằng con anh, thằng Thái đóng vai này”. Tôi giật mình, nghĩ bụng: “Người này là ai mà thẳng thắn và tự tin đến thế?”. Bố tôi chậm rãi châm lửa, ngửa mặt lên trời nhả khói thuốc lim dim, rồi thủng thẳng: “Ừ, anh đồng ý. Thái nó làm được. Nó mê Những người khốn khổ lắm”. Rồi ông quay sang tôi: “Đây là chú Doãn Hoàng Giang, sau này sẽ là một cái gì đó của sân khấu Việt Nam”. Lúc bấy giờ tôi đang được coi như “thần đồng sân khấu” khi đóng vai bé An trong vở Lòng dân của Nguyễn Văn Xe, được huy chương Vàng Hội diễn không chuyên Hà Nội. Đúng ngày 10/10/1964, vở kịch công diễn ở Nhà hát Nhân dân Hà Nội, một dấu ấn lớn đối với cậu bé 12 tuổi (Bằng Thái sinh năm 1952 - TT&VH Cuối tuần).  

Từ 1967 đến 1971, tôi theo học Khoa Kịch Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, được nghe các thầy cô kể rất nhiều về Doãn Hoàng Giang, nhất là vở kịch Vỡ đất của ông ở khóa I (chúng tôi là khóa II). Tốt nghiệp, cả khóa được bổ sung tăng cường cho đất Mỏ, trong đoàn lúc đó có Trọng Thịnh, hễ cứ mở miệng nói chuyện là lại nhắc đến Trọng Khôi, Phương Nhi, Doãn Hoàng Giang và một thế hệ “vàng” diễn viên khóa I. Lúc đó Doãn Hoàng Giang đang ở Đoàn Kịch Thanh Niên. Sau thành công của vở Đôi mắt của Nhà hát Kịch Thanh Niên, Kịch Quảng Ninh cũng dựng Đôi mắt và thành công không kém. Thế là vở tiếp theo trở thành áp lực. Bàn đi bàn lại, một cái tên nhận được sự đồng thuận lớn của anh em trong đoàn: Doãn Hoàng Giang, viết kịch và đạo diễn. Đấy là lý do ra đời Người con cô đơn (Doãn Hoàng Giang cùng Ngọc Đĩnh viết kịch bản, Doãn Hoàng Giang đạo diễn), gây chấn động làng sân khấu lúc bấy giờ. Sau Kịch Quảng Ninh, lần lượt Hải Phòng, Hà Tây và nhiều nơi khác dựng, nhưng thành công về nhiều mặt thì khó nơi nào qua được Quảng Ninh. Về doanh thu thì khỏi nói, chỉ tính riêng tại Nhà hát Nhân dân Nam Định diễn 5 tối liền, người ngồi xa nhất thì nhìn thấy diễn viên chỉ bằng nắm tay, thế mà đông cứng, thời đó vào cửa vẫn xé vé, khi khán giả tan về thì giẫm lên xác vé “bồng bềnh” như xác pháo ngày Tết! Thuở đó còn tiêu cả tiền xu, mấy cái hòm đựng tiền xu chật cứng. Phấn khởi đến nỗi, ông Trưởng đoàn Mai Long vốn là người của chèo, của nông thôn (ngày xưa gọi là nhà quê), thật thà, giản dị thế mà cũng “phởn” đi uốn tóc xoăn tít, gần như “phi-dê”. Ai cũng sung sướng, hãnh diện…

Sau khúc mở đầu oanh liệt ấy, với Kịch Quảng Ninh, Doãn Hoàng Giang làm cho một “series kịch” tựa như võ sĩ quyền anh cho ra một series đòn nốc-ao. Đó là các vở: Người năm ấy, Hương gai, Nhân danh công lý, Người mang hai vết thương…, không chỉ gây “sóng gió” ở Quảng Ninh khiến dân phe vé mở cỗ ăn mừng, mà âm vang lan sang Hải Phòng (67 đêm liền tại Nhà hát Tháng Tám), Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Huế, TP.HCM…, nói đến Kịch Quảng Ninh là nói đến Doãn Hoàng Giang. Sau này, bẵng đi một thời gian, khi Lê Hùng xuất hiện, thì Doãn Hoàng Giang “xui” chúng tôi: “Phải “đổi món” các em ạ! Hùng nó cũng gớm đấy”. Quả nhiên, Lê Hùng làm được điều đó. Lại một loạt những vở của Lê Hùng làm cho Kịch Quảng Ninh và cũng “oai” không kém: Lời thề thứ chín, Người không thể chết, Tiếng hát Sơn Ca, Biển không yên tĩnh, Lâu đài tuổi thơ, Lời nguyền biển…

Điều đáng quý ở Doãn Hoàng Giang là một nhân cách, biết mình biết người. Ở anh có sự nhân ái, công bằng, chính trực. Nói đến các thầy, ở Doãn Hoàng Giang luôn thấy sự nể trọng, tôn kính: Trần Hoạt, Chu Ngọc, Tào Mạt, Đình Quang, Đình Nghi, Dương Ngọc Đức,… Với những người cùng thời (Lê Hùng, Xuân Huyền, Phạm Thị Thành, Huỳnh Nga, Đoàn Bá, Dương Viết Bát, Minh Ngọc,…), và cả thế hệ đàn em mà ông góp phần tạo dựng (Trần Ngọc Giàu, Hồng Vân, Đỗ Kỷ, Trần Nhuận, Đào Quang, Quỳnh Mai, Hồng Mai, Trần Vũ, Giang Châu, Lê Khanh, Chí Trung, Lan Hương, Đức Thịnh,…), ông luôn coi như bạn, chân thành. Với những thế hệ đàn em, ông không chỉ dạy về nghề đạo diễn mà còn bỏ công biên tập, chỉnh lý, nâng cao kịch bản cho nhiều tác giả, trong đó có tôi.

Nhiều đạo diễn hãi hùng khi dựng các lớp đông quần chúng, ngược lại Doãn Hoàng Giang thèm khát và ước mơ điều đó

Nói về nghề thì ở Việt Nam hiếm có ai dựng vở nhiều như ông mà chỉ có “hay” nhiều hay “hay” ít, chứ không khi nào bị “đổ”. Đây là một điều kỳ lạ nếu biết rằng Doãn Hoàng Giang chưa được học (chính thống) một ngày nào về đạo diễn. Kiến thức uyên thâm của ông về nghệ thuật và đặc biệt về sân khấu, đều qua con đường tự học, từ sách vở, từ các thầy, bạn đồng nghiệp, học ở diễn viên, ở khán giả, học cả những anh kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, trang trí, âm nhạc. Ông nhiều lần bảo tôi: “Muốn biết vở nào hay, cứ hỏi anh em đấy. Họ mà xem một cách chăm chú, miệt mài, hứng khởi thì thành công”.

Bằng con đường đi của riêng mình, có thể nói, Doãn Hoàng Giang đã “nuôi sống” biết bao nhiêu đoàn nghệ thuật của đất nước này (bằng những vở diễn luôn “cháy vé” khi có tên ông). Và có thể ông còn làm được hơn thế nữa, nếu có những sân khấu lớn. Gần đây có một doanh nhân Quảng Ninh muốn làm một sân khấu ngoài trời giống kiểu Trương Nghệ Mưu làm cho Trung Quốc (Ấn tượng Lệ Giang, Khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh…). Tôi bảo doanh nhân ấy: “Ông không phải mời Trương Nghệ Mưu, không phải mời Mai Soái Nguyên, hãy mời Doãn Hoàng Giang đi”. Chứng kiến Doãn Hoàng Giang làm vở Bài ca Điện Biên, thấy rõ một điều: với Doãn Hoàng Giang, càng đông diễn viên, anh càng thỏa sức sáng tạo. Thông thường, các đạo diễn hãi hùng khi phải làm các lớp đông quần chúng, ngược lại Doãn Hoàng Giang thèm khát và ước mơ điều đó. Tôi tin có một ngày, Doãn Hoàng Giang sẽ thỏa chí của mình.

Doãn Hoàng Giang hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa vẫn hừng hực sức sống. Lão tướng ngoài 70 ấy luôn khiến tôi liên tưởng đến Triệu Vân của Tam Quốc năm nào, dù tóc có bạc phơ, nhưng trên lưng ngựa, võ tướng ấy vẫn khiến thiên hạ phải nể phục.

Bài: NSƯT Bằng Thái
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm