Đội tuyển Anh: Walcott không thể là chủ công

11/10/2015 06:31 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Bàn mở tỷ số trong trận gặp Estonia là điểm sáng lớn nhất của Theo Walcott trong ngày anh đá trung phong ở tuyển Anh. Nhưng liệu chừng ấy có đủ chứng minh rằng cầu thủ này đủ sức dẫn dắt hàng công tuyển Anh chưa?

Thật ra câu hỏi về khả năng Walcott đá trung phong không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Cách đây 6 năm, trong chiến thắng 4-1 của đội tuyển Anh trước Croatia ở vòng loại World Cup 2010, Walcott để lại dấu ấn với một cú hat-trick và nhiều người tin rằng anh xứng đáng được xem xét khả năng đá trung phong.

Những yếu tố chủ quan và khách quan

Đến mùa này, vấn đề ấy mới thật sự được nhắc đến nhiều, một phần bởi Walcott đang có phong độ tốt, mặt khác anh được hưởng lợi từ những vấn đề nơi hàng công của Arsenal lẫn đội tuyển Anh. Ở Arsenal, HLV Arsene Wenger không có trong tay nhiều giải pháp để tin dùng cho vị trí trung phong, khi Olivier Giroud bộc lộ dấu hiệu sa sút phong độ cũng như việc anh mãi chưa thể vươn lên trở thành trung phong đẳng cấp, còn Joel Campbell không nhận được sự tin tưởng từ chiến lược gia người Pháp. Cùng với đó, Walcott thể hiện sự tiến bộ của mình trong vai trò người chơi cao nhất hàng công Arsenal, nhất là ở khả năng hỗ trợ phòng ngự, như lời nhận xét của HLV Wenger sau trận gặp Man United: “Walcott đã thực sự chiến đấu và cậu ta cho thấy sẵn sàng tham gia vào những tình huống phòng ngự”.

Còn ở cấp độ đội tuyển, sự tỏa sáng của Walcott đến đúng thời điểm HLV Roy Hodgson vò đầu bứt tai với hàng công. Những chấn thương đã lấy đi các lựa chọn tốt nhất của ông bao gồm Wayne Rooney và Danny Welbeck. Daniel Sturridge, dù đã trở lại sau chấn thương, nhưng vẫn cần thêm thời gian để lấy lại phong độ ở Liverpool.

Walcott không ổn định bằng Rooney

Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao Walcott phải chờ đến tận bây giờ mới khẳng định được mình ở vị trí trung phong? Nhiều năm qua, tuyển thủ 26 tuổi này luôn rơi vào một vòng luẩn quẩn: Mỗi khi đá hay là anh dính chấn thương, đến lúc trở lại thì cầu thủ này phải chấp nhận ngồi ghế dự bị và nỗ lực phấn đấu chờ thời cơ đá chính.

Cái vòng luẩn quẩn ấy từng khiến Walcott hơn một lần lỡ hẹn với các giải đấu lớn của đội tuyển Anh. Mùa 2009-10, hàng loạt chấn thương từ vai, lưng, đầu gối cho đến gân khoeo khiến cho Walcott chỉ đá chính đúng 15 lần cho Arsenal. Điều này phần nào đó tác động đến quyết định loại Walcott ra khỏi danh sách đội tuyển Anh tham dự World Cup 2010 của HLV Fabio Capello, bất chấp việc cầu thủ này được trao cơ hội trong những trận đấu giao hữu cuối cùng của Tam sư trước thềm giải đấu trên đất Nam Phi. Hay như mùa 2013-14, vấn đề ở bụng và đặc biệt là chấn thương dây chằng chéo trong trận gặp Tottenham tại Cúp FA hồi tháng Một năm 2014 khiến anh phải nói lời chia tay với World Cup trên đất Brazil.

Một khía cạnh khác cần nhắc tới là Walcott không duy trì được sự ổn định khi đá ở vị trí trung phong. Trong 11 lần đá chính ở Premier League trong vai trò trung phong, Walcott ghi được 9 bàn. Dù hiệu suất ghi bàn trung bình của anh chỉ dưới con số 1 bàn/trận một chút, nhưng cầu thủ này không lập công ở 6 trong 11 trận.

Hơn thế, khả năng hỗ trợ phòng ngự của Walcott khi đá tiền đạo là khá tệ, với chỉ 3 lần giành lại bóng ở một phần ba cuối sân trong 11 lần thi đấu, cùng với con số 3 lần thành công trong 13 pha tranh chấp tay đôi.

Điều này rất khác so với Rooney, chân sút số một của đội tuyển Anh ở thời điểm hiện tại. Dù tiền đạo của Man United có lúc gặp chấn thương hay xuống phong độ, anh vẫn là lựa chọn số 1 ở ĐTQG tại các giải đấu lớn.

3 Bàn thắng vào lưới Estonia là pha lập công thứ ba của Walcott ở đội tuyển Anh trong năm 2015.

1 Trong 5 năm qua, Walcott chỉ được dự đúng một giải đấu lớn duy nhất của đội tuyển Anh, đó là EURO 2012.

9 Trong 11 lần đá chính ở vị trí trung phong trong đội hình Arsenal, Walcott mang về 9 bàn thắng.


Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm