Tìm kiếm bức tranh dở dang của Da Vinci

08/12/2011 13:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một số nhà khoa học đang nỗ lực tìm lại bức bích họa The Battle Of Anghiari của danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci đã biến mất từ cách đây 450 năm. Tuy nhiên, phương pháp tìm kiếm bức tranh đang gây nên cuộc tranh cãi gay gắt giữa các sử gia nghệ thuật và những người thực hiện dự án tìm kiếm.

1. Hơn 300 học giả đã ký vào đơn thỉnh cầu lên Thị trưởng thành phố Florence và các nhà chức trách nghệ thuật hàng đầu của thành phố này nhằm ngăn chặn dự án tìm kiếm kiệt tác của Leonardo da Vinci bên dưới bức bích họa Battle of Marciano In Val Di Chiana của Giorgio Vasari trong Palazzo Vecchio, hiện là tòa thị chính thành phố.

Dự án do Hội Địa lý Quốc gia và Trung tâm Khoa học liên ngành thuộc trường ĐHTH California, San Diego (Mỹ) thực hiện. Họ đã tiến hành khoan nhiều lỗ vào bức bích họa của Vasari để có thể đưa máy dò vào đó khảo sát nhằm tìm kiếm dấu tích bức họa của da Vinci.

Năm 1503, Da Vinci được chính quyền Florence đặt vẽ bức bích họa mô tả một cuộc chiến giữa các đội quân của thành Milan và Florence xảy ra ở Anghiari khoảng 60 năm trước đó. Bức tranh này được da Vinci vẽ thử nghiệm bằng kỹ thuật sơn dầu, nhưng không thành công và ông đã bỏ dở tác phẩm. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ đã chép lại họa phẩm này, trong đó có bức vẽ của họa sĩ Peter Paul Rubens (1577-1640) hiện đang được treo trong bảo tàng Louvre (Pháp).

Năm 1543, Giorgio Vasari vẽ bức Battle Of Marciano In Val Di Chiana đè lên bức tranh dang dở của Da Vinci. Nhiều sử gia cho rằng bức bích họa của da Vinci vẫn còn nguyên vì Vasari, một trong những người rất ngưỡng mộ da Vinci, đã rất cố gắng “cứu” họa phẩm The Battle Of Anghiari chứ không làm mất nó khi vẽ chồng lên.

Bức tranh The Battle Of Anghiari do họa sĩ Rubens vẽ, đang được treo trong bảo tàng Lourve, Paris (Pháp).

2. Ông Tomaso Montanari, giáo sư trường ĐHTH Naples, cùng nhiều sử gia nghệ thuật khác đã kêu gọi Bộ Văn hóa thiết lập một hội đồng gồm các chuyên gia nghệ thuật Phục hưng nhằm nghiên cứu thêm về thính phòng ở Palazzo Vecchio trước khi tiến hành các thử nghiệm mới. “Các nhà bảo tồn được trả lương để gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải để phá hoại chúng” - giáo sư Montanari nói.

Nhưng Alexander Moen, thuộc Hội Đại lý Quốc gia, khẳng định rằng người phụ trách dự án là ông Maurizio Seracini, giám đốc Trung tâm liên ngành ở San Diego, đã nhận được sự ủng hộ của thành phố Florence và các nhà chức trách nghệ thuật. Ông Seracini đang làm việc với các nhà phục chế của Opificio delle Pietre Dure, một trong những cơ quan phục chế danh tiếng nhất Italia.

“Chúng tôi không khoan lỗ một cách bừa bãi vào các bức bích họa của Vasari. Chúng tôi tự tin với phương pháp đang thực hiện sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng” – ông Moen tuyên bố.

Cách đây 4 năm, dự án này đã được Hội Địa lý Quốc gia đã ủng hộ và được thành phố Florence đầu tư 250.000 USD.    

3. Sáu lỗ khoan đầu tiên to vừa đủ để đưa một máy dò đường kính 4 mm vào đó. Lỗ khoan đầu tiên được tiến hành vào ngày 27/11 và lỗ gần đây nhất được khoan cuối tuần trước. “Chúng tôi tiến hành các lỗ khoan ở những chỗ đã bị hư hại của bức bích họa. Đương nhiên Bộ Văn hóa sẽ không bao giờ ủng hộ bất cứ phương pháp nào nếu gây hại đến bức tranh” - Marco Ciatti,  một nhà phục chế cho biết.

5 tuần tới, các chuyên gia tiếp tục tiến hành thẩm định các chất liệu thu thập được từ các lỗ khoan nhằm tìm ra dấu tích bức tranh tường của da Vinci.

Tuy nhiên, nhiều nhà phục chế đã từ chối tham gia dự án bởi họ cho rằng nó thiếu dữ liệu khoa học.

Các nhà nghiên cứu còn đặt vấn đề, ông Seracini sẽ làm gì nếu như tìm thấy dấu tích của bức tranh khác bên dưới bức bích họa của Vasari. “Phá bức tranh tường của Vasari ư? Nếu như vậy thì các nhà lãnh đạo của thành phố Florence chứng tỏ rằng họ không hề bảo vệ tác phẩm nghệ thuật” - Chiara Silla, người từng là giám đốc của Palazzo Vecchio trong 9 năm, bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Matteo Renzi, Thị trưởng thành phố Florence, vẫn ủng hộ mạnh mẽ dự án này. “Tôi chưa thể tiết lộ chúng tôi đã phát hiện được những gì, nhưng chúng tôi thấy rất mãn nguyện. Giới khoa học hãy nên kiên nhẫn chờ đợi kết quả trước khi đưa ra ý kiến phàn nàn” - ông Renzi nói và khẳng định. “Nếu tìm thấy bức tranh của da Vinci, nó sẽ cách mạng hóa nghệ thuật Phục hưng. Chỉ có người điên mới dừng dự án vào lúc này. Tôi nghĩ Florence có quyền giải mã những bí ẩn lớn nhất của lịch sử nghệ thuật”.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm