Chuyện vỉa hè: Này thì chữ!

06/02/2012 07:29 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Tết, Hà Nội xanh sạch đẹp được chừng 2 ngày, nhờ vắng… Đến tối mùng 2 là khối nơi rác tự phát ngập tràn ra trên vỉa hè. Đi bộ trên hè phố rốt cuộc vẫn là điều không dễ dàng gì. Những khoảng không gian chật chội và bị cắt xẻ làm muôn mảnh ở phố khó cho người ta thu xếp với bản thân một cuộc dạo chơi thanh thản. Và những chuyện nghe được từ những quán trà chén năm xu, theo cách gọi từ mấy thập niên trước đây, giờ người ta gọi là quán cóc, đúng nghĩa là chuyện vặt, cũng khó cho người ta thu xếp với bên ngoài một cái nhìn thanh thản.

Vỉa hè nhiều chuyện lắm!

Dân ngồi vỉa hè chủ yếu đọc báo an ninh. Mà an ninh ngày Tết thì cũng như ngày thường, chủ yếu chuyện giật gân hãi hùng, đầy rẫy bi kịch ngày Tết: tai nạn giao thông, hiếp dâm, giết người, cướp của, đốt nhau, xe tự cháy… Tết, thì có thêm chuyện Táo quân trong Gặp gỡ cuối năm trên truyền hình, ai cũng xem, thậm chí còn xem trước khi đài phát sóng, bản full (được giới thiệu thế) bày công khai hè phố trước ngày 30 Tết đến cả tuần, nhưng dù ai cũng xem, người người vẫn cứ kể cho nhau như mới, và cười nắc nẻ…Vỉa hè bao giờ cũng hồn nhiên.

Vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Trần Việt Đức

Văn hóa nhất, tạm coi thế, trên vỉa hè ngày Tết chính là chuyện chữ. Nếu căn cứ vào việc xin chữ ngày Tết của dân mình để đánh giá mức độ quý giá của chữ nghĩa thời buổi này thì có khi hoang mang chẳng biết kết luận thế nào. Là vì, xin thì nô nức lắm. Cả một phố mực tàu giấy đỏ bên ngoài Quốc Tử Giám chật những người lăm lăm nghiên bút. Cũng đến chừng ấy số lượng thầy đồ bên trong. Chưa kể những nơi khác, chùa, chợ, hội xuân…, lực lượng viết thư pháp nước ta đúng là ngày càng đông đảo. Thế, mới đủ đáp ứng nhu cầu ngày một cao về chữ (để treo) của nhân dân. Nhưng ghé thử quán nước vỉa hè cạnh phố ông đồ, mà nhìn vào sự cho, sự xin, nói hẳn là sự bán, sự mua chữ, diễn ra quanh đấy, cũng như ở những nơi công cộng khác, lòng cứ tự nhiên thấy… ái ngại thế nào.

Cái ngại ấy, đầu tiên từ chính sự nô nức của người mong có chữ. Ai cũng gửi gắm ước nguyện vào một từ vỏn vẹn nào đấy: Phúc, Lộc, Tài, Thành, An, Vượng…Thế tất nhiên là tốt rồi. Đời người ai chẳng mong những điều phổ thông giản dị vô cùng tốt đẹp như vậy. Nhưng người xin chữ tin vào may mắn mà chữ mang lại đến đâu? Qua cuộc chơi xuân, chữ về treo đâu đó cho đẹp, cho tao nhã một góc trong nhà. Chứ để thực tâm cầu tài, cầu lộc, cầu may, cầu duyên…, người ta còn nhiều chỗ khác để cầu. Chữ mà thay được ấn đền Trần, chẳng hạn thế, thì phố Quốc Tử Giám mở thẳng đến Mỹ Đình cũng sẽ chẳng còn chỗ mà len chân.

“Nỗ lực” thành “Lỗ lực”: Vốn tiếng Việt hay kiểu chơi chữ mới của ông đồ thời hiện đại?
Ảnh chụp tại “chợ chữ” Xuân Nhâm Thìn của Nguyễn Phương Mai

Dân quán nước vỉa hè kể hôm trước, một ông đồ già viết mỏi tay các chữ Lộc, chữ Tài rồi, tự dưng buột miệng hỏi khách đứng chờ cho chữ ráo mực rằng tại sao còn nhiều chữ hay ho khác, ông viết sẵn rất kỳ công treo ở đấy mà không mua? Ai biết được chữ gì vào chữ gì? Khách bảo thế, ông bảo mấy chữ này hay nhưng nghĩa gốc viết bé thế ai đọc được mà mua. Chữ Liêm, chữ Trực, chữ Đức… ông đồ đầy tự hào trả lời. Khách bĩu môi! Mấy chữ ấy hay thì hay đấy, nhưng không thực tế. Liêm với Trực, tồn tại thế quái nào được… Em là em cứ xin chữ Tài, chữ Lộc… Có hai chữ ấy là có tất. Ông cũng thế, tài lộc mà nhiều, rét mướt ra đây ngồi mấy ngày tết viết mỗi chữ dăm ba chục nghìn đồng bạc làm gì? Khách vừa cười vừa nói khơi khơi.

Chẳng biết ông đồ nói gì. Có thể sang năm chính ông tự viết chữ Tài chữ Lộc treo trong nhà mình để không ra phố ngồi trong mưa bụi mà giữ cái hồn của người muôn năm cũ nữa. Vắng ông, bớt một người trên phố mực tàu giấy đỏ, có thể chẳng ai biết. Thầy đồ hiện đại bây giờ nhiều lắm. Chữ gì họ cũng viết được, cũng treo lên được, treo ngay trong Văn Miếu, sợ gì! Uốn éo thư pháp chữ Nỗ lực viết thành Lỗ lực! Này thì chữ, cứ cố gắng đi!

Quán Cóc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm