"Tiếng hát mãi xanh", tình đời mãi thắm!

14/05/2011 11:05 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Cuộc thi Tiếng hát mãi xanh (THMX) chỉ mới khép lại vào đêm 11/5 nhưng nhiều người đã bắt đầu nghĩ về THMX năm sau mà biết đâu họ sẽ là thí sinh (TS). Một khán giả còn chắc chắn: “THMX năm sau sẽ hay hơn nữa vì nhiều người hát hay lắm, nhưng năm nay ngại chưa đăng ký…”

Về phần trình diễn của các TS, chưa bàn đến chuyện hay - dở, mà nói theo NSƯT Măng Thị Hội, thành viên BGK vòng sơ tuyển, thì nghe là đủ biết họ “rút gan rút ruột” ra mà hát. Có lẽ họ cũng chẳng quan tâm mình hát ra sao chỉ cần được hát, được nghe những người cũng “máu văn nghệ đầy mình” hát là đủ vui rồi. Từ những người xa lạ, họ nhanh chóng trở nên thân thiết qua sự đồng cảm trong tình yêu âm nhạc, qua niềm lạc quan vui sống và hồn nhiên cổ vũ lẫn nhau.

“Sống” cùng bài hát

Nhưng THMX cũng không phải là một cuộc thi văn nghệ quần chúng khi những gương mặt xuất sắc nhất đều có chất giọng không thua gì ca sĩ thứ thiệt. Điều quan trọng nhất, họ thực sự “sống” cùng bài hát và truyền vẹn nguyên cảm xúc đến cho người nghe - điều mà không phải “idol” hay ca sĩ thời thượng nào cũng làm được.

Mái tóc bạc trắng, nụ cười móm mém, bà cụ 74 tuổi Lê Thị Nhung đến từ một vùng quê của tỉnh Đồng Nai làm cả khán phòng phải lặng đi khi cất lên những giai điệu da diết của bài Đêm đông. Giọng bà chẳng khỏe, cũng không hát rõ lời nhưng tiếng lòng thổn thức, khắc khoải của một “cô phụ” cứ len chặt lấy từng con tim.

Năm bà 37 tuổi, chồng mất vì chiến tranh, bà bồng bế 8 đứa con (đứa lớn nhất 17 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi) rời quê nhà Tây Ninh vào Long Khánh lập nghiệp. Chín mẹ con làm thuê làm mướn nương tựa vào nhau mà sống. Suốt cuộc đời cơ cực của mình, âm nhạc chính là người bạn lòng bà tin cậy gởi gắm bao tâm sự buồn vui. Bà trải lòng mình vào những bài hát, bà “sống” trong những giai điệu: “Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu. Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng...”. Việc bà là thí sinh được yêu thích nhất trong 3 đêm chung kết không đơn thuần vì thái độ “kính lão đắc thọ” mà bà xứng đáng là sự lựa chọn của con tim.

Cụ Lê Thị Nhung và ông Triệu Văn Hân, 2 thí sinh lớn tuổi nhất
ở vòng chung kết, cùng song ca.

Luôn theo sát bà Lê Thị Nhung trong những lượt bình chọn là ông Triệu Văn Hân (67 tuổi) người đưa khán giả trở lại với thời kỳ hào hùng với giọng ca khỏe khoắn, đầy cảm xúc và rất “lửa” qua những ca khúc cách mạng. Nghe ông hát nhiều người gật gù: “rất có nghề”. Cũng đúng thôi khi ông từng đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Sinh viên toàn miền Bắc năm 1969. Nhìn ông tự tin sánh vai cùng các thí sinh nam hào hứng trong bài Hò kéo pháo ở đêm gala đố ai dám nói ông không... trẻ.

Đã nhiều lần giai điệu ngọt ngào của Paris có gì lạ không em được TS Nguyễn Thục Duyên (sinh năm 1960) cất lên và lần nào cũng dạt dào cảm xúc, lần sau hay hơn lần trước. Ngày trước, người yêu của chị từng du học tại Pháp, cả hai nhờ những cánh thư nối kết con tim. Biết chị thích thơ Nguyên Sa, anh thường chép thơ gởi về cho chị, có bài Paris có gì lạ không em. Sau nhiều trắc trở, đợi chờ anh và chị cũng đã nên đôi. Hiện nay cả hai đã lên chức ông bà nội nhưng kỷ niệm đẹp thuở nào vẫn còn như mới và chị vẫn đầy đắm say, nồng nàn mỗi lần hát Paris có gì lạ không em (Ngô Thụy Miên phổ nhạc).

Có chút tự hào vì mình cũng là “trẻ” nhất ở bảng già (từ 51 tuổi trở lên), quán quân của bảng cao niên (từ 51 tuổi trở lên), Nguyễn Thanh Vân (sinh năm 1960) vẫn giữ được sự sôi nổi, phóng khoáng của một cựu thanh niên xung phong và thể hiện nét lãng tử, dí dỏm của một hướng dẫn viên du lịch lâu năm. Trong đêm “thể hiện mình” với bài Ngọn lửa trái tim anh như sống lại thời trai trẻ “rực lửa” của mình khi cùng đoàn văn công thanh niên xung phong tung hoành khắp các “mặt trận”...

Mỗi người một phong cách, một câu chuyện nhưng trên hết vẫn là khát khao được hát vì đôi khi chỉ có âm nhạc mới giúp mọi người nói lên được trọn vẹn nỗi lòng, tâm sự của mình. THMX hấp dẫn cũng là vì thế.

Chỉ có ở Tiếng hát mãi xanh

Mọi người chắc chắn sẽ rất khó quên khoảnh khắc sân khấu lặng đi rồi vỡ òa trong tràng pháo tay tán thưởng khi MC Hữu Luân với đầy đủ tình, lý đã xin BGK và khán giả cho cụ Lê Thị Nhung được thi lại (do hồi hộp và bất ngờ trước những tràng pháo tay dồn dập của khán giả, bà đã không nghe được nhạc và quên lời) ở đêm chung kết 1; và bà đã không mắc một sai sót nào.

Rút kinh nghiệm, các đêm thi sau, trước khi lên sóng truyền hình, BTV Quỳnh Hương, người đưa ra ý tưởng về THMX, cũng “tư vấn” rất kỹ cho khán giả: “Chúng ta hãy hát theo, hãy vẫy tay, hãy lắc lư theo điệu nhạc để ủng hộ tinh thần cụ Nhung nhưng quý khán giả nhớ đừng vỗ tay khi cụ Nhung đang biểu diễn. Cụ gần như bị lãng một bên tai rồi...”.

Ngọc Tuyết

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm