Viết tiếp về câu chuyện “Một ông chủ, 2 đội bóng”: Có thật là không xử lý được?

24/02/2011 11:22 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Câu trả lời là chưa hẳn, nếu như VFF làm hết trách nhiệm của một tổ chức điều hành nền bóng đá quốc gia, chứ không phải như sự im lặng gần như tuyệt đối trong thời gian qua.

Điều đáng ngại là câu chuyện của SHB.ĐN và HN.T&T không phải là một trường hợp duy nhất. Nó chỉ là một ví dụ điển hình. Bảo hiểm Thái Sơn (BHTS) Quảng Nam và Sài Gòn.Xuân Thành ở giải hạng Nhất là một ví dụ khác. Và nếu đúng như những gì trưởng đoàn bóng đá HA.GL Nguyễn Tấn Anh phát biểu, “tôi biết có những người đang manh nha ý đồ sở hữu cùng lúc hơn một đội bóng ở cùng một giải đấu”, thì có vẻ như đây đã thành một trào lưu.

Những trận đấu giữa HN.T&T và SHB.ĐN sẽ còn là tâm điểm chú ý

của dư luận trong một thời gian không ngắn nữa. Ảnh: VSI

Thật ngạc nhiên khi trước những gì đang diễn ra, VFF lại tỏ ra khá thờ ơ (hay không muốn đụng tới?). Có thật sự là VFF thiếu các cơ sở pháp lý để đảm bảo cho tính công bằng của giải đấu do chính mình đứng ra tổ chức? Ở đây tạm không đưa ra kết luận, mà chỉ nêu một số thông tin để bạn đọc có thêm “dữ liệu” nhìn nhận vấn đề trên.

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VFF, khoản 2, Điều 13 (Tham gia thi đấu) ghi rõ: “Những người có liên quan là tổ chức hoặc cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp (theo điều 4 của Luật doanh nghiệp năm 2005) với nhiều doanh nghiệp thì không được quản lý 2 CLB (ĐB) trở lên thi đấu trong cùng 1 giải”.

Mục 3, điều 12 (Tài chính): Thành viên CLB không được mua cổ phần, không được tham gia quản lý, điều hành đội bóng của CLB khác tham gia trong 1 giải.

Điều 67(Nhà tài trợ): “Nhà tài trợ không được tài trợ cho nhiều CLB, đội bóng trong cùng 1 giải có lên xuống hạng” và, “các nhà tài trợ không được dùng ảnh hưởng của mình can thiệp vào các hoạt động chuyên môn hoặc làm thay đổi, sai lệch kết quả trận đấu. Nếu bị phát hiện, các nhà tài trợ sẽ bị mất quyền tài trợ và bị xử lý theo các quy định có liên quan”.

Với trường hợp của SHB.ĐN và HN.T&T, bầu Hiển đã khẳng định đóng vai trò tài trợ cho cả 2 đội bóng. Ông Hiển thậm chí tuyên bố, “có thể tài trợ cho bất kỳ CLB, nếu thích”, khi trả lời phỏng vấn báo chí. Tiện nhắc lại, khi trả lời TT&VH năm 2008, bầu Hiển từng nói, “coi SHB.ĐN là máu, HN.T&T là thịt của mình”. Cách ông Hiển ra các quyết định ở HN.T&T, hay giải quyết công việc của SHB.ĐN như thế nào, dư luận đều có thể thấy rõ.

Để biết mức độ “liên quan” của ông Hiển đối với SHB và T&T như thế nào thì xin trích thông tin từ chính website của T&T Group:

“Năm 2006, Tập đoàn (tức T&T Group-PV) tham gia góp vốn vào ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Số vốn góp chiếm 22% vốn điều lệ của SHB. Tập đoàn T&T hiện là cổ đông chiến lược của SHB.

Giữa năm 2007, Tập đoàn T&T tham gia góp vốn thành lập và là cổ đông chiến lược của công ty cổ phần chứng khoán SHS, chiếm 20% vốn điều lệ của Công ty cổ phần chứng khoán SHS.

Cũng trong năm 2007, với tư cách là cổ đông sáng lập, Tập đoàn T&T thành lập Công ty cổ phần quản lý đầu tư Sài gòn-Hà Nội (SHF). Số vốn góp chiếm 12,2% vốn điều lệ của SHF.

Chủ tịch tập đoàn T&T-Đỗ Quang Hiển hiện là: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán SHS và chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần quản lý đầu tư Sài Gòn-Hà Nội”.

Tương tự như thế, trên website của Tập đoàn Xuân Thành, rất dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của cái tên Bảo hiểm Thái Sơn trong mục lĩnh vực kinh doanh của đơn vị kinh tế này. Cũng trên website của Tập đoàn Xuân Thành, không khó để tìm thấy bài viết và hình ảnh về lễ ký kết hợp đồng chuyển giao đội bóng Quảng Nam cho Công ty CP Bảo hiểm Thái Sơn hồi cuối tháng 11 năm ngoái dưới sự chứng kiến của chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành Nguyễn Đức Thụy, tức bầu Thụy, và thậm chí người ta còn cẩn thận mở ngoặc chú thích dòng chữ “thành viên Tập đoàn Xuân Thành” bên cạnh cái tên Công ty CP Bảo hiểm Thái Sơn.Chừng đấy liệu có đủ để VFF, nếu không phải là có biện pháp xử lý thì chí ít cũng cần xem xét lại câu chuyện, chứ không phải là im lặng như những gì đang thể hiện?

Quốc Công

Luật doanh nghiệp năm 2005 (trích)

17. Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con;

b) Công ty con đối với công ty mẹ;

c) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp;

d) Người quản lý doanh nghiệp;

đ) Vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

e) Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này;

g) Doanh nghiệp trong đó những người quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó;

h) Nhóm người thoả thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm