Học về chủ quyền biển đảo

04/06/2011 11:02 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chiều ngày 3/6, hơn 500 sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã có buổi học ngoại khóa bổ ích và rất thời sự do nhà trường tổ chức về đề tài “Chủ quyền biển đảo trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”.

Ngày 26/5/2011, tàu hải giám của Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Các hành vi này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam. Thạc sĩ Ngô Hữu Phước, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đã có một bài tham luận để các sinh viên nắm rõ cách xác định và chế độ pháp lý của các vùng biển theo Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982.

Cần thiết phải tuyên truyền

Ông Ngô Hữu Phước khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 đã quy định tổng thể các vấn đề pháp lý về: chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; các quy định về hàng hải, hàng không; an ninh trên biển và hợp tác quốc tế về biển... Điều 55, 57 của Công ước Luật biển 1982 quy định, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm bên ngoài lãnh hải, đặt dưới chế độ pháp lý riêng và trong tuyên bố của nước ta vào ngày 12/5/1977, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tiếp liền với lãnh hải Việt Nam và hợp với lãnh hải tạo thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Với tuyên bố này, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia tiên phong trong việc đưa khái niệm vùng đặc quyền kinh tế trở thành khái niệm có giá trị tập quán trước khi Công ước Luật biển 1982 được ký kết và có hiệu lực”.

Sinh viên chăm chú lắng nghe các thuyết trình về chủ quyền biển đảo


Từ cơ sở pháp lý nêu trên, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng khoa Luật Quốc tế, ĐH Luật TP.HCM cho biết: “Vụ tàu hải giám Trung Quốc có hành động ngang ngược và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là một hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước Luật biển 1982 mà Trung Quốc cũng là một quốc gia thành viên”.

Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, phổ biến pháp luật về chủ quyền biển đảo là một hoạt động cần thiết và mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền các vùng biển của Việt Nam. Ông Lâm nêu quan điểm: “Việc phổ biến kiến thức về chủ quyền biển đảo trong các nhà trường cần được đẩy mạnh và cụ thể hơn nữa, không chỉ đối với sinh viên mà phải từ các em học sinh phổ thông”.

Bảo vệ ngư trường, ngư dân

Trong khuôn khổ của buổi nói chuyện chuyên đề, một vấn đề nổi cộm hiện nay là việc bảo vệ công dân khai thác hải sản trên các vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam, theo nhận định của thạc sĩ Nguyễn Thị Yên, Phó trưởng khoa Luật quốc tế, ĐH Luật TP.HCM là một hình thức bảo vệ quyền con người.

Nhà giàn DK1 sừng sững trên biển Đông


Bà Nguyễn Thị Yên cho rằng: “Bảo vệ ngư dân, ngư trường Việt Nam trước hành vi xâm hại của Trung Quốc, đồng thời thực hiện việc khai thác bền vững là việc cần phải làm ngay lúc này. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá trên mọi vùng biển của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo vì chính ngư dân là lực lượng quan trọng nhất để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển. Cụ thể ngay lúc này, tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ ranh giới các vùng biển, hiểu rõ khu vực các vùng biển đang tranh chấp, khuyến cáo ngư dân chủ động tránh các va chạm trên biển... xử lý nghiêm các tàu cá nước ngoài vi phạm các vùng biển thuộc quyền tài phán Việt Nam và thành lập lực lượng kiểm ngư. Về lâu dài là tăng cường nội lực cho lĩnh vực luật quốc tế, tăng cường sức mạnh quân sự và cảnh sát biển”.

Em Nguyễn Tấn Phát, sinh viên khoa Luật thương mại, ĐH Luật TP.HCM cho biết: “Đây là một buổi nói chuyện rất quý giá, em mong muốn những kiến thức về chủ quyền biển đảo này được tuyên truyền đến tất cả mọi người dân, đặc biệt là sinh viên, học sinh tất cả các trường trong cả nước để có nhận thức, hành động góp phần bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia”.

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm