Chelsea - Arsenal: Cát bụi thời gian

03/10/2010 06:56 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Cuối tuần) - Với Stamford Bridge, vinh quang là hiện tại và tương lai cũng đầy tự tin. Với Emirates, vinh quang là quá khứ đã đủ xa để người ta nuối tiếc. Giữa họ, khoảng cách chỉ chưa đầy 10 cây số nhưng dường như, sự chênh lệch giữa hai đại gia London đang ngày càng mênh mông. Lúc này, trên bảng xếp hạng, Chelsea = Arsenal + 4. Song, sau Super Sunday cuối tuần, nó sẽ thay đổi thế nào?


Didier Drogba (phải), tay săn bàn của Chelsea, sẽ lại ghi bàn trong trận đấu cuối tuần này? - Ảnh: AP
Thời gian đang phủ những lớp bụi ngày một dày lên phòng truyền thống ở Emirates. Từ ngày dọn sang ngôi nhà mới khang trang hồi tháng 7/2006, Arsenal chưa bổ sung được danh hiệu nào vào bộ sưu tập của mình. Lần gần nhất, các pháo thủ nếm trải hương vị vinh quang là FA Cup năm 2005. Còn ở Premier League, sau khi đăng quang mùa 2003-2004 đến nay, thành tích tốt nhất của họ chỉ là ngôi á quân ở mùa kế tiếp đó mà thôi.

Đó là nỗi đau không nhỏ với Arsenal khi suốt gần hai thập niên sau khi Premier League ra đời năm 1992, họ cùng M.U hình thành nên cuộc đua song mã quen thuộc mỗi mùa. Cục diện đó chỉ khép lại khi Chelsea xuất hiện. Chính xác hơn là khi Roman Abramovich xuất hiện năm 2003 ở thành London. Và cán cân quyền lực trên sân cỏ thủ đô cũng như Premier League đã đổi thay từ đó…

Sau vinh quang cuối của Arsenal tại giải Ngoại hạng là sự thống trị liên tiếp của Chelsea các mùa 2004-2005, 2005-2006 và rồi năm ngoái, Stamford Bridge lại rộn rã niềm vui. Ở phía bên kia thành phố, Emirates cay đắng gặm nhấm nỗi đau một năm nữa hy vọng rồi lại thất vọng. Mùa giải 2009-2010 qua chứng kiến đã có không ít thời điểm, Arsenal thắp lại giấc mơ và chen chân mạnh mẽ vào câu chuyện tưởng chừng “tay bo” giữa Chelsea và M.U.

Nhưng, hồi kết vẫn là sự ảm đạm quen thuộc cho các pháo thủ.

Sáu năm trắng tay khiến sự thất vọng ở Emirates dần biến thành cảm giác cam chịu. Tất nhiên, luôn tồn tại một hy vọng, thứ tất yếu cần có trong cuộc sống. Song, những người hâm mộ tỉnh táo nhận thấy rõ một thực tế: Nếu cứ tiếp tục theo đuổi con đường đang đi hiện nay, họ sẽ khó trở lại được đỉnh cao. Đó không phải là con đường sai lầm. Chỉ có điều, đối thủ của họ đang đi trên những con đường bằng phẳng hơn, thuận lợi hơn.

Khôn đâu đến trẻ

Việc dốc sức xây dựng một Emirates khang trang thay cho Highbury chật chội đã khiến Arsenal phải theo đuổi chính sách “thắt lưng buộc bụng” trên thị trường chuyển nhượng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả 15 năm qua của Arsene Wenger, có thể thấy rõ huấn luyện viên này cũng không thuộc mẫu thích dùng nền tảng là tài chính để xây dựng sức mạnh đội bóng.

Wenger nổi tiếng hơn với tài biến những cái tên vô danh, trẻ thành sao đẳng cấp thế giới, như ví dụ điển hình Cesc Fabregas hiện nay. Dù cũng có vài vụ chuyển nhượng hoành tráng, nhìn chung chi tiêu của “Giáo sư” tằn tiện hơn rất nhiều các đồng nghiệp. Một khảo sát năm 2007 cho thấy Wenger là huấn luyện viên duy nhất làm ăn có lãi trên thị trường chuyển nhượng. Cũng như chính sự xuất hiện của mình ở Arsenal (từng bị một tờ báo Anh giật tít: Arsene: Ai thế nhỉ?), ông thầy này thích đưa về các học trò ít tên tuổi và mài giũa các viên ngọc thô này trở nên long lanh.

Một chính sách trẻ, rẻ như vậy đương nhiên là lành mạnh không chỉ cho ngân sách câu lạc bộ mà còn cho hình ảnh của bóng đá ở thời buổi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Cộng thêm đó là lối chơi luôn theo xu hướng tấn công mượt mà của Arsenal cũng làm đẹp lòng các cổ động viên. Nhưng đó chưa phải là một câu chuyện cổ tích có hậu. “Chẳng thể vô địch được với những đứa trẻ”. M.U mùa giải 1995-1996 đã biến Alan Hensen thành trò cười khi lật nhào nhận định đó. Nhưng thời thế đã thay đổi. Sân cỏ giờ đây bị chi phối nhiều hơn bởi tài chính và sức mạnh của đội hình được quyết định bằng các tấm séc.

Sẽ là chuyện khác nếu Wenger cũng xây dựng được một đội hình trẻ nhuần nhuyễn, đầy triển vọng như M.U mùa 1995-1996 tung lứa Paul Scholes, David Beckham, Nicky Butt, Gary Neville vào đội một. Nhưng thời nay, mối quan tâm lớn chẳng kém chuyện bồi dưỡng tài năng là giữ chân họ trước sự lôi kéo của các đội khác. Nỗi lo thường trực ở Emirates về tương lai Fabregas là một minh họa điển hình.

Trong khi đó, Chelsea lại dùng tiền bạc tìm kiếm thành công nhanh chóng. Khác với kiểu gieo trồng thế hệ ở Emirates, Stamford Bridge chọn cách… ăn xổi! Cũng chẳng có gì xấu trong việc lựa chọn hướng phát triển này bởi như cuộc sống thôi, người giàu có phong cách của người giàu. Thực tế, ngay từ đầu, Chelsea của Roman Abramovich cũng đã đặt ra cho mình chiến lược phát triển lâu dài mà điển hình là đến giờ, bộ khung cơ bản từ thời Jose Mourinho vẫn đang vận hành tốt. Trong sáu năm Emirates trắng tay, Stamford Bridge đã sưu tập được ba chức vô địch Premier League, bằng với thành tích của Wenger ở Arsenal suốt 15 năm qua.

Khỏe đâu đến già?

Trong khi câu hỏi thời gian với Arsenal là độ chín của lứa trẻ thì ngược lại, vấn đề thời gian ở Chelsea lại là khả năng duy trì phong độ của một lực lượng bị coi là già. Màn “đề-pa” đầu mùa giải, họ đã chứng minh nghi ngờ trên là không có cơ sở bằng năm chiến thắng giòn ngã. Nhưng, khi chuỗi ấn tượng đó đã dừng lại trước Man.City ở vòng sáu. Vấn đề lại được đào xới.

Khi không có Frank Lampard, khi các phương án dự phòng có độ chênh lớn với vị trí chính thức, Chelsea đã thua xứng đáng khi gặp một đối thủ nặng ký hơn nhiều những cái tên “hạng ruồi” trước đó. Họ không kiểm soát được thế trận và việc không ghi được bàn lần đầu tiên ở một trận Premier League kể từ tận Boxing Day năm 2009 đến nay cho thấy cỗ máy “màu xanh” của Carlo Ancelotti cũng chỉ là những con người, không hoàn hảo và vẫn tồn tại những mong manh.

Trong vòng đấu “sát đại gia” cuối tuần trước, Arsenal còn thua thảm hơn ngay tại Emirates trước tân binh West Brom (thậm chí bị dẫn trước 0-3 và đối phương còn thực hiện không thành công một quả phạt đền). Không có gì bào chữa cho thất bại này và riêng chuyện ấy cũng đủ để nhận ra “nho vẫn còn xanh”. Khả năng Fabregas kịp bình phục cho chuyến đi tới Stamford Bridge là tin mừng cho Wenger, nhưng bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác như vị trí thủ môn và quan trọng nhất, là tinh thần lẫn khát vọng.

Chelsea lẫn Arsenal kịp xóa đi nỗi đau ở Premier League bằng những chiến thắng quan trọng tại vòng bảng Champions League giữa tuần này. Đó là khởi động thuận lợi hướng tới trận derby nảy lửa. Ở đó, kinh nghiệm của già sẽ ganh đua với sức trẻ. Ở đó, quyền lực hiện tại của London, của Premier League sẽ đối đầu với giấc mơ tìm lại quá khứ vàng son. Gánh nặng đang dồn lên Arsenal với kịch bản bị bỏ xa bảy điểm sau bảy vòng sẽ chẳng khác gì gáo nước lạnh dội sớm vào hy vọng. Họ chìm trong cát bụi của thời gian đã đủ lâu rồi. Đứng dậy hay một lần nữa lại ngã xuống đây?


Trung Sơn


Kể từ sau lần gần nhất đăng quang ở mùa giải 2003-2004, những trận derby London với Chelsea mà “các pháo thủ” đóng vai chủ nhà đa số đều là nỗi thất vọng cho Highbury và Emirates.

Mùa 2004-2005, họ hòa nhau 2-2 trong thế rượt đuổi khi Arsenal liên tục dẫn trước. Mùa 2005-2006, cam chịu thất bại 0-2. 2006-2007 lại là một trận hòa nữa (1-1) vẫn theo kịch bản dẫn trước. 2007-2008 là lần duy nhất, hạ được Chelsea với tỉ số 1-0. Nhưng năm kế tiếp, Emirates muối mặt thảm bại 1-4. Năm ngoái, Chelsea cũng ca khúc khải hoàn với thắng lợi đậm đà 3-0 mà trong đó, Didier Drogba lập cú đúp.

* Vòng 7

+ Thứ Bảy, ngày 2/10, 18h45: Wigan - Wolves. 21h00: Birmingham - Everton, Stoke - Blackburn, Sunderland-M.U, Tottenham - Aston Villa, West Brom - Bolton, West Ham - Fulham.

+ Chủ nhật, ngày 3/10, 19h30: Man City - Newcastle, 21h00: Liverpool - Blackpool, 22h00: Chelsea - Arsenal.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm