Chào tuần mới: 'Đánh thức' tháp Hàng Đậu

13/11/2023 07:11 GMT+7 | Văn hoá

Chỉ là một cuộc trưng bày, vậy nhưng thông tin về sự kiện do một nhóm kiến trúc sư và họa sĩ tổ chức tại tháp nước Hàng Đậu vào ngày 17/11 tới đây lại khiến dư luận đặc biệt quan tâm và chờ đợi.

Đơn giản, cuộc trưng bày này gắn với một di sản kiến trúc cũ đã tồn tại hơn 130 năm tại Hà Nội. Rất nhiều năm qua, nó luôn chờ đợi được "đánh thức" để trở thành một không gian văn hóa đặc biệt ở vị trí trung tâm thành phố, thay vì cảnh đóng cửa im lìm như lâu nay.

Được người Pháp xây dựng năm 1894, nghĩa là trước cả thời điểm xây cầu Long Biêm, tháp nước Hàng Đậu là công trình tham gia cung cấp nước sạch cho Hà Nội. Kiến trúc bằng đá tảng này cao 3 tầng, có hình trụ tròn với đường kính 19 mét, cộng thêm hệ thống 54 ô cửa và các trang trí hình vòng cung.

Chào tuần mới: 'Đánh thức' tháp Hàng Đậu - Ảnh 1.

Trưng bày lần này nhằm sắp đặt “đánh thức” một di sản đô thị đã bị “ngủ quên” nhiều thập kỷ. Nguồn: KTSVN

Theo chia sẻ từ Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội (đơn vị trực tiếp quản lý kiến trúc này), vào những năm 1960, tháp nước ngừng hoạt động khi công nghệ và hệ thống cung cấp nước cho thành phố được nâng cấp. Nhưng cũng rất may mắn, tháp Hàng Đậu không bị phá bỏ, dù đã từng có những đề xuất về việc này. Thậm chí trong giai đoạn chiến tranh, tháp cũng không bị hủy hoại vì bom đạn như nhiều công trình cao tầng khác.

Sau này, vì lý do giữ trật tự và an ninh, phần cửa chính ra vào tháp nước thường xuyên được đóng kín, trong khi 17 cửa sổ ở tầng 1 cũng được bịt lại. Vào năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháp Hàng Đậu cũng được tôn tạo phần nào, khi phía chức năng giải tỏa các ki-ốt bán hàng lấn chiếm xung quanh, cũng như trát lại vữa, lợp lại mái tôn và thay thế phần gạch hỏng trên vỉa hè. Nhưng mọi chuyện chỉ dừng ở đó.

***

Như vừa đề cập, cuộc triển lãm diễn ra trong tuần tới sẽ có nhiều sắp đặt đặc biệt - cả về thị giác và âm thanh - để truyền tải những thông điệp gắn với việc bảo vệ tự nhiên, hoặc mối quan hệ giữa con người với môi trường. Nhưng xa hơn, đây cũng là lần đầu tiên tháp Hàng Đậu chính thức "mở cửa" đón du khách.

Và trong sự hào hứng chung của cộng đồng quanh cuộc trưng bày sắp tổ chức, dịch giả Trịnh Lữ vừa chia sẻ trên Facebook cá nhân lá thư ông từng chủ động gửi tới lãnh đạo Hà Nội 3 năm trước.

Lá thư ấy xoay quanh những đề xuất tâm về tháp Hàng Đậu, với lời khẳng định: "Nếu giữ được vỏ kiến trúc có giá trị lịch sử đặc biệt của nó, cải tạo phần ruột và mái, biến nó thành một nhà trưng bày nghệ thuật đặc biệt của Hà Nội, thì tháp nước tròn này sẽ trở thành một viên ngọc long lanh đón chào du khách vào trục đường di sản phía Bắc của nội đô".

Đề xuất Trịnh Lữ gắn với một thực tế: Trong những năm qua, đã có rất nhiều ý kiến về việc Hà Nội nên cải tạo và chuyển đổi tháp Hàng Đậu để tạo dựng một kiến trúc gắn với văn hóa nghệ thuật. Nằm cạnh khu phố cổ, mang những nét độc đáo của kiến trúc Pháp và là chứng nhân lịch sử của thành phố trong 130 năm qua, không khó hiểu khi công trình này luôn nhận về sự mong mỏi được "đánh thức" từ cộng đồng.

Cuộc trưng bày lần này chỉ kéo dài tới giữa tháng 12. Nhưng đó là bước đi đầu tiên để đặt ra những hy vọng mới cho tương lai của tháp nước Hàng Đậu.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm