Các nghệ sĩ nói về cảnh “liếm rượu” trong "Hoa nắng": Chấp nhận được

11/03/2012 09:16 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Phản cảm, dung tục là những gì mà dư luận đang nói về cảnh nhân vật Phúc “liếm rượu” trong phim Hoa nắng (phát sóng trên kênh VTV3). Tuy nhiên, khác với những phản ứng dữ dội của khán giả, các nghệ sĩ cho rằng, trong trường hợp này, động cơ của đạo diễn là chấp nhận được.

Diễn viên Đồng Thanh Bình: Nếu là đạo diễn, tôi dám làm táo bạo hơn

Vì mục đích đẩy tình huống lên cao trào mà phải có cảnh nhân vật “liếm rượu” trên ngực bạn gái thì tôi ủng hộ ý đồ của đạo diễn. Giả sử, ở nút thắt này mà chỉ là cảnh hai diễn viên hôn nhau thì chắc chắn sẽ không tạo hiệu quả ở những tập sau. Thậm chí, có khi lúc đó khán giả lại phản ứng vì sao phim giả quá. Nếu tôi ở vị trí của đạo diễn, tôi sẽ dám làm cảnh đó táo bạo hơn. Không phải là để giật gân, câu khách mà đơn giản là phải làm tới cùng.

Nhưng chỉ có điều, khán giả nên hiểu, đó là phim. Nó là một lát cắt của đời sống. Những cảnh như vậy có thể từng xảy ra hàng ngày, hay xuất hiện trên internet. Vậy thì khán giả cũng nên chấp nhận sự tồn tại của nó. Nhất là nếu ở những tập sau, phim mang thông điệp hướng giới trẻ tới những điều tích cực hơn.

Hơn nữa, theo quan điểm của tôi, nó không phản cảm mà mang ý nghĩa cảnh tỉnh đối với công chúng để các bậc phụ huynh biết cách giáo dục con cái tránh những điều đó. Phim mới chỉ phát sóng tới tập thứ 3, mọi người phản ứng dữ dội như vậy là chưa hợp lẽ lắm. Có lẽ, nên bình tĩnh chờ những tập phim tiếp theo. Phim điện ảnh có nhiều cảnh nóng hơn, nhưng sao chưa thấy ai phản ứng gay gắt? Như vậy liệu có thiệt thòi cho phim truyền hình không?

Tôi đi đóng phim nhiều, kể cả đóng cảnh nóng, thực sự khi đó diễn viên rất mệt mỏi. Nhưng vì nghệ thuật, vì để đạt hiệu quả diễn xuất, các diễn viên chấp nhận hy sinh rất nhiều.

Điện ảnh mang thông điệp cuộc sống, không phải thông điệp của quá khứ, hay tương lai mà nó mang thông điệp của hiện tại. Theo tôi, khán giả nên tập chấp nhận những thực tế cuộc sống như vậy.

NSƯT Hà Xuyên: Không nên dùng cảnh “nóng” để câu khách

Tôi có theo dõi những thông tin xung quanh phim Hoa nắng qua báo chí. Theo giải thích của đạo diễn, đó là ý đồ. Nhưng khán giả chưa xem tới nên họ phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên, khi đóng cảnh đó, diễn viên chả thích gì đâu. Chẳng qua vì để cho nội dung tốt hơn, hiệu quả hơn, diễn viên họ phải chấp nhận thôi.

Phim là sản phẩm làm ra phục vụ rất nhiều người, giống như đi làm dâu trăm họ. Vì thế mà mỗi người một ý, ai thích thì khen, không thích thì chê. Đừng nên chỉ vì phản ứng mà không dám làm. Tuy nhiên, việc đưa những cảnh “nóng” vào để câu khách hoàn toàn là điều không nên.

Thực sự, cảnh nóng trong phim nước ngoài được làm rất ngọt. Còn trong phim Việt, những cảnh này nhiều khi… phô. Tôi là khán giả mà có khi còn sởn gai ốc vì những cảnh nóng kiểu như vậy. Việc xử lý những cảnh nóng trên màn ảnh không hoàn toàn đơn giản bởi nóng đến mức khán giả chấp nhận được là cả vấn đề. Phim Mỹ nhiều cảnh nóng mà rất nghệ thuật, trong khi phim Việt nhiều cảnh trần trụi. Vậy thì có thể phải xem lại cách làm phim của đạo diễn Việt Nam chăng?

Đạo diễn Phi Tiến Sơn: Động cơ của đạo diễn nên được ủng hộ

Theo tôi vấn đề ở đây là đạo diễn muốn nói với khán giả điều gì? Nếu phim mang thông điệp giáo dục, mà khán giả lại hiểu đó phản cảm thì tức là điều anh nói chưa chắc đã đúng, chưa tới.

Tuy nhiên, thực tế, chúng ta rất hay nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích, không chỉ trong lĩnh vực phim ảnh mà trong nghệ thuật hay cả kinh tế, chúng ta vẫn mắc sai lầm tương tự. Nếu như đạo diễn muốn dùng cảnh đó để chuyển tải đến cùng thông điệp của bộ phim thì đó là điều rất tốt.

Trước kia, có một đạo diễn ở ta làm phim, trong đó có cảnh lâm tặc để trả thù người kiểm lâm đã thiêu sống con nai mà người kiểm lâm này tặng con gái để dọa dẫm. Hình ảnh ấy bị hội đồng duyệt phê phán kịch liệt. Họ cho rằng điều đó xúc phạm tình cảm thiêng liêng của con người với động vật. Thậm chí họ còn cho rằng, cảnh đó nếu khán giả nước ngoài xem được sẽ gây hiểu nhầm lớn về bản chất con người Việt Nam. Trong khi đó, phim God Father - Bố già có cảnh còn ghê gớm hơn. Bọn mafia, để dằn mặt đối thủ, dám cắt đầu con ngựa cưng của người đó đặt lên giường. Bản chất của hai cảnh này như nhau. Nhưng tôi đã tự hỏi, chắc hẳn, nếu sinh ra ở VN, Francis Ford Coppola sẽ không có được Bố già lừng danh.

Điều tôi muốn nói là, mỗi hành động có hoàn cảnh cụ thể. Trong trường hợp này, động cơ của đạo diễn nên được ủng hộ.

Hà Chi (lược ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm