Làm bóng đá có đẻ ra tiền?

28/09/2011 13:41 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Câu trả lời nằm ở cách làm của các ông chủ, muốn kiếm tiền từ bóng đá, hay trông đợi dăm chục tỷ đầu tư cho CLB chỉ đơn giản là cách để thu lại lợi nhuận lớn hơn nhiều lần từ các hoạt động khác, dựa trên ưu đãi của địa phương

Trung tuần tháng 5/2010, dự án xây dựng nhà máy chế biến sữa lớn nhất Đông Nam Á do Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH làm chủ đầu tư, chính thức được khởi công tại xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn, Nghệ An) trên diện tích hơn 22 ha. Chỉ cách đấy không lâu, SLNA có nhà tài trợ mới, ngân hàng Bắc Á, đơn vị tư vấn và trực tiếp rót tiền đầu tư cho dự án nhà máy sữa kể trên, với tổng mức đầu tư được công bố là 1,2 tỷ USD, riêng giai đoạn một là 350 triệu USD.

Câu hỏi dễ nảy ra nhất, là liệu ngân hàng Bắc Á có dễ dàng triển khai được dự án trên đến thế, nếu không có quyết định nhảy vào đầu tư cho SLNA? Dĩ nhiên, mảnh đất vài chục ha ở Nghĩa Đàn chỉ là một ví dụ cụ thể và dễ nhìn thấy nhất về những gì Nghệ An đáp lại cho nhà tài trợ. Nếu chỉ đơn thuần là bóng đá, ngân hàng Bắc Á hẳn sẽ rất khó để thuyết phục được số đông người hâm mộ, rằng quyết định của mình xuất phát từ tình yêu với đội bóng quê hương, như lãnh đạo đơn vị này phát biểu trong ngày công bố thông tin. Bà Thái Thị Hương, Giám đốc ngân hàng Bắc Á, được biết đến là chưa từng bỏ thời gian theo dõi trận đấu nào của SLNA, kể cả ở trận “chung kết” với HN.T&T trên sân Vinh.


Bầu Đức là người hiếm hoi thừa nhận làm bóng đá mang lại cho ông rất nhiều lợi ích

HN.T&T là một ví dụ khác để thấy, bóng đá giúp các ông chủ kiếm tiền theo cách nào. Chỉ sau 2 năm thăng hạng V-League, T&T vừa qua đang rậm rịch triển khai xây dựng trung tâm đào tạo ở Hà Nội, chưa kể các dự án bất động sản khác ở Thủ đô. Nói như bầu Hiển, thì đấy là hiệu ứng mà bóng đá đem lại cho hoạt động kinh doanh.

Hôm rồi nói chuyện với GĐĐH CLB HA.GL Huỳnh Mau, ông Mau cho biết mỗi năm HA.GL thu được chừng 10 tỷ đồng từ tiền đặt biển quảng cáo trên sân. Chi phí để đặt biển quảng cáo ở sân Pleiku khoảng 70 triệu đồng/năm (dưới sân) và 40 triệu đồng/năm (trên tầng 2). Đội bóng phố núi cũng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, khi chỉ thu tiền vào cuối mùa giải. HA.GL cũng là một trong ít đội bán áo đấu, đồ lưu niệm… có tên CLB. Cửa hàng bán đồ lưu niệm của HA.GL mở ở sân Pleiku, theo nhân viên bán hàng tại đây, mỗi tháng cũng thu được trên dưới 10 triệu đồng.

Trưởng đoàn bóng đá HA.GL Nguyễn Tấn Anh mới đây tiết lộ, HA.GL đã được một công ty cá cược ở Anh liên hệ, đề nghị gắn tên trên áo đấu của đội bóng. Nếu trót lọt, khoản tiền đội bóng phố núi thu về sẽ không nhỏ. Riêng tiền bán vé, HA.GL gần đây có phần giảm sút so với trước, một phần vì thành tích của đội bóng không được tốt. Thực tế, nói về tiền vé thì ngoại trừ V.Hải Phòng, Thanh Hóa (ở một vài mùa giải) hay Bình Dương…, đa số các CLB còn lại đều trong cảnh eo hẹp. HN.T&T, HN.ACB hay cả HP.HN là ví dụ điển hình, khi khán đài trận nào cũng chỉ lèo tèo vài trăm, cao nhất chỉ tới một, hai nghìn CĐV đúng nghĩa.

Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa HA.GL với HN.T&T, SLNA hay nhiều đội khác (V.Ninh Bình, V.Hải Phòng…) chỉ có thể là ở cách thức và mục đích đầu tư ở thời điểm hiện tại, thể hiện ở việc xây dựng một học viện bóng đá quy mô, đào tạo căn bản, thay vì kiểu làm “bẻ ngọn”. Dĩ nhiên, như ông Nguyễn Tấn Anh cho biết, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của HA.GL, và cái đích xa hơn là đội bóng phải tách ra được “bóng” của tập đoàn mẹ.

Làm bóng đá ở VN chắc chắn là vẫn có thể tạo ra tiền.

Quốc Công

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm