Mỹ Linh - Thời thế tạo anh hùng

22/02/2011 15:10 GMT+7 | Âm nhạc

22 tuổi, gần như chỉ bằng hai ca khúc ("Đường cong" và "Take me to the river"), từ một giọng hát bị loại ở Vietnam Idol 2 năm trước, Uyên Linh trở thành "hiện tượng" của làng nhạc Việt năm 2010 đang khô khát một làn gió mới. "Hiện tượng" mang tên Uyên Linh khiến người ta nhớ lại 13 năm trước, một Linh khác, cũng ở tuổi 22, đã bừng sáng một vẻ đẹp "khác thường" (từ dùng của giới báo chí lúc bấy giờ) trên sân khấu Duyên dáng Việt Nam (DDVN).

Một nhạc sĩ danh tiếng từng sống qua hai chế độ đánh giá rằng sau Khánh Ly, đây là giọng ca "ma quái" bẩm sinh thứ hai của Việt Nam (báo Thể thao& Văn hóa số 33, ngày 22/4/1977). Từ bệ phóng DDVN, Mỹ Linh lập tức trở thành ngôi sao số một, không chỉ trong mắt các nhà chuyên môn mà trên cả thị trường ca nhạc. Mỹ Linh có thể xem là "hiện tượng đầu tiên" của nhạc Việt trong chu kỳ 15 năm trở lại đây.

Mỹ Linh: Tiếng hát Việt Nam


Cần phải trở lại một chút với thời điểm nhạc Việt trong khoảng thời gian ba năm: 1995 -1996-1997. Nếu hình dung sự phát triển của thị trường ca nhạc Việt Nam như một biểu đồ hình sin, thì đó chính là quãng thời gian vô cùng quan trọng chuẩn bị cho sự thăng hoa trong ba năm kế tiếp: 1997-1998-1999, đi ngang trong năm 2000, bắt đầu rơi trong những năm tiếp theo và 2010 được xem là gần chạm đáy.

Sau thời kỳ sôi nổi của các ca khúc chính trị “em ở nông trường, em ra biên giới”, nhạc Việt bước vào giai đoạn khủng hoảng, hàng loạt các ngôi sao ca nhạc thời này như Họa Mi, Thanh Lan, Ngọc Bích ở Sài Gòn, Ái Vân, Lệ Quyên ở miền Bắc… ra đi; các ca khúc “hit” im thin thít và lặn mất tăm. Đó là vào những năm trước 1995. Thị trường ca nhạc trong nước tràn ngập nhạc ngoại lời Việt và nhạc xưa, nhạc vàng từ hải ngoại đưa về, và đặc biệt là “Mưa bụi”, một series nhạc sến đời mới của các ngôi sao cải lương quay qua tân nhạc!

Chuẩn bị

Chính khoảng thời gian khủng hoảng nói trên của đời sống nhạc Việt cũng là lúc những nỗ lực tìm kiếm sự thay đổi trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Năm 1994, Hội Nhạc sĩ tổ chức 4 đêm trình diễn Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, một sự kiện trình diễn ca khúc Việt Nam lớn nhất trong lịch sử của Hội, những bài hát hay của các thời kỳ được tôn vinh, khán giả đu cả đường ống nước Nhà hát lớn Hà Nội để tìm một chỗ đứng trong nhà hát!

Cũng năm 1994, báo Thanh Niên tổ chức chương trình DDVN lần đầu tiên, từ đây, DDVN bắt đầu trở thành một thương  hiệu của sân khấu nhạc Việt, một bệ phóng mạnh mẽ cho những ca khúc và ngôi sao trong nước. Các chương trình DDVN được đầu tư 400-500 triệu đồng, với giá vé trên dưới 100.000 đồng- các con số “khủng” tại thời điểm đó – mà khán phòng Nhà hát Hòa Bình và Nhà hát Bến Thành luôn không còn chỗ trống. Song hành cùng DDVN, từ năm 1995, kỷ niệm 20 năm giải phóng thành phố, Nhà hát Hòa Bình bắt tay sản xuất những show ca nhạc lớn hàng năm, mở đầu bằng chương trình Tuổi 20 (1995).
 


Mỹ Linh tại Duyên dáng Việt Nam 2010


Ở chương trình ra mắt này, Hồng Nhung đã buộc khán giả vỗ tay theo trong từng câu hát khi thể hiện lần đầu tiên ca khúc “Cho em một ngày” (Dương Thụ) với phần đệm guitar của Vĩnh Tâm – một không khí chưa từng có tại các nhà hát lúc bấy giờ! Từ nơi “ở ẩn” (Từ Sơn, Bắc Ninh), sau nhiều năm lăn lộn với thị trường ca nhạc Sài Gòn và cảm thấy bế tắc, nhạc sĩ Dương Thu nhìn thấy một dấu hiệu mới khiến ông tức tốc quay trở lại Sài Gòn, trung tâm, cái rốn của thị trường ca nhạc cả nước… Mọi sự đã chuẩn bị sẵn sàng cho một làn gió mới. Và Mỹ Linh đã đến, chính vào lúc đó.

Thật sự thì giọng hát Mỹ Linh đã được phát hiện trước đó, một cách không ngẫu nhiên nhưng cũng rất tình cờ. Và “thời thế” luôn đặt Mỹ Linh vào những vị trí “đầu tiên”. Năm 1993, Mỹ Linh (lúc đó mới có trong tay giải nhất cuộc thi Giọng hát hay học sinh phổ thông trung học toàn quốc), theo bạn trai lúc bấy giờ - ca sĩ Bằng Kiều, thành viên ban nhạc Chìa Khóa Vàng – tham dự Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc tổ chức lần đầu tiên, vào Đà Nẵng với tư cách… đi chơi. Tuy nhiên, vào giờ chót, do ca sĩ của ban nhạc Hoa Sữa không thể có mặt, Mỹ Linh được nhờ thế vai.

Và giọng hát trong trẻo ở độ tuổi 17 ấy đã cùng ban nhạc Hoa Sữa giành giải Nhì Liên  hoan còn bản thân được ban giám khảo đặc cách một giải thưởng không hề có trong cơ cấu giải thưởng trước đó: Giải ca sĩ trẻ gây ấn tượng nhất, với bài hát “Thì thầm mùa xuân” của Ngọc Châu. Ngay sau đó, vẫn tiếp tục là vai thế, Mỹ Linh đã thế chỗ xuất sắc cho Hồng Nhung cũng lại vào giờ chót không thể tham gia chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam năm 1994. Năm 1996, trong số những bộ phim truyền hình Việt Nam dài tập lần đầu tiên lên sóng, để lại nhiều cảm tình nhất trong khán giả cả nước có “Người Hà Nội”. Ca khúc trong phim, “Chị tôi” nhạc Trọng Đài, thơ Đoàn Thị Tảo) với tiếng hát Mỹ Linh lập tức trở thành một trong những ca khúc được khán giả yêu thích nhất trong năm. Cũng năm này, SV96, chương trình ấn tượng nhất của loạt SV trên VTV 3 phát sóng trong giới trẻ cả nước với những “Thì thầm mùa xuân”, “Chị tôi”, “Hà Nội đêm trở gió”. Một làn sóng “bài hát Hà Nội” bắt đầu nổi lên… Nhưng phải đợi đến tháng 4/1997 mọi sự chuẩn bị ấy mới thật sự bùng nổ.

Trên đỉnh

Sau 4 lần tổ chức thành công với đạo diễn Tất My Loan, chương trình DDVN 5 diễn ra từ ngày 17/4 đến 20/4/1997 tại Nhà hát Bến Thành, với phần đạo diễn sân khấu được giao vào tay Đoàn Khoa, một đạo diễn trẻ nhiều ý tưởng sáng tạo; phần biên tập âm nhạc do Nguyên Hà, khi đó là thủ lĩnh ban nhạc Hải Âu, đảm trách. Chương trình năm đó qui tụ nhiều tên tuổi của cả ba miền lúc bấy giờ. Sài Gòn có: Bạch Tuyết, Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Như Hảo, Kim Khánh, Y Phụng. Miền Trung có: Vân Khánh (Huế), Mỹ Hạnh (Nha Trang), Siu Black (Tây Nguyên). Hà Nội chỉ có hai đại diện là Tam ca 3A và Mỹ Linh, nhưng một mình Mỹ Linh đã làm nên ấn tượng của DDVN năm ấy. Nhà báo Nguyễn Viện trên báo Thanh Niên cho hay: “Có lẽ không một ai đến với DDVN 5, khi nghe và nhìn Mỹ Linh trình diễn ca khúc “Trên đỉnh phù vân” (Phó Đức Phương) lại không gai người cảm xúc… Mỹ Linh đã làm bàng hoàng khán giả.



Ngay cả không ít người trong nghề đã phải trở lại Nhà hát Bến Thành lần thứ hai, thứ ba… để nghe và xem Mỹ Linh”. Còn trên báo Thể thao& Văn hóa, nhà báo Mai Nam tường thuật: “Đọng lại cho khán giả (và được bàn tán khi kết thúc chương trình, được vỗ tay nhiều lần nhất trong một tiết mục) là ca khúc “Trên đỉnh phù vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương  do Mỹ Linh hát”. Từ đây, thời kỳ “trên đỉnh” thị trường ca nhạc của Mỹ Linh cũng chính thức bắt đầu. Cần phải nói thêm rằng, lúc bấy giờ, và cả nhiều năm sau này, thị trường ca nhạc Việt vẫn được quyết định bởi “nhiệt độ” của thị trường phía Nam mà Tp. HCM chính là ngòi nổ.

Trẻ trung, mới mẻ, kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện (khi đó Mỹ Linh đang học năm cuối khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội) vốn là thế mạnh hơn hẳn các ca sĩ Sài Gòn thiên về hát bản năng, cộng với những bài hát đậm “chất Hà Nội” vốn đang “thời thượng” tại thời điểm này đã đưa Mỹ Linh lên “đỉnh”. Một nhà sản xuất băng đĩa nhạc lớn của Sài Gòn những năm 1997 – 1998 nhớ lại: Đĩa nhạc nào lúc ấy chỉ cần “dính tí” hình Mỹ Linh trên bài là bán chạy, bất cứ là nhạc gì! Hãng phim Trẻ & TTBN Trẻ có Mỹ Linh trong album “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” tiêu thụ số lượng kỷ lục khoảng 150 ngàn bản. Hãng đĩa Vafaco có Mỹ Linh trong album “Mùa thu lá bay”, “Lemon tree” bán hơn 30.000 đĩa CD, hơn 100.000 băng cassette.

Hãng phim Phương Nam đầu tư ngay một album video “Tiếng hát Mỹ Linh” – hát nhạc Trịnh Công Sơn, do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đạo diễn – một trong những album video ấn tượng nhất thời kỳ này. Và liveshow xuyên Việt đầu tiên của Mỹ Linh được tổ chức khá vội vã đầu năm 1998 mang tên “Tiếng hát Mỹ Linh”, đặc biệt thành công về khán giả. Cho tới nay, nghĩa là 13 năm sau, cũng chưa có liveshow của ngôi sao nào có sức hấp dẫn công chúng được như vậy: cả 4 đêm trình diễn, khán phòng Nhà hát Hòa Bình hơn 2.000 chỗ đều không còn ghế trống và người ta đến chỉ để nhìn thấy Mỹ Linh và nghe Mỹ Linh hát.

Và tới đỉnh?

Trái ngược với hầu hết các  ngôi sao khi lên tới đỉnh thì cố bằng mọi cách ở trên đỉnh ấy càng lâu càng tốt (đi kèm với điều ấy dĩ nhiên là hào quang, danh vọng, tiền bạc), không bao lâu khi ở trên đỉnh phù vân, Mỹ Linh đã rời bỏ cái đỉnh này để bắt đầu leo lên một đỉnh khác. Một quyết định phải nói là vô cùng dũng cảm và mạo hiểm vào thời điểm đó. Ở lần lên đỉnh thứ nhất, Linh hầu như không phải làm gì nhiều: cô hát những gì có sẵn, chủ yếu bằng bản năng trời cho một tiếng hát rất Việt Nam, rất đẹp, rất trữ tình trong các giai điệu với thế mạnh là sự mẫn cảm chảy sẵn trong huyết quản, và cả thị trường lúc ấy chờ đợi Mỹ Linh ở đó, khi ấy số đông khán giả Việt Nam không biết R&B là gì. Không có bài hát Việt Nam nào đợi sẵn cô ở chân núi ấy với hy vọng “muốn nổi tiếng, hãy đưa bài hát cho Mỹ Linh”.

Và bản thân Mỹ Linh, với lối hát “đãi giọng” từng làm nên điều “ma mị” cho khán giả, lại phải học lại từ đầu với kỹ thuật hát mới, đề cao sự chuẩn xác, và đặc biệt là sự nhạy cảm với tiết tấu. Không ít lần thủ khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, ngôi sao ca nhạc hàng đầu của Việt Nam đã phải khóc tức tưởi trong phòng thu vì bị chê, bị mắng như tát nước vì “hát chưa ra” chất của dòng nhạc mới. Và thách thức lớn hơn gấp bội: nếu ở ngọn núi đầu tiên, người ta có thể nhìn thấy đỉnh, thì ở ngọn núi thứ hai, gần như không thể, thế giới R&B mênh mông như biển với biết bao tên tuổi sáng chói từ Anh, Mỹ - những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghiệp âm nhạc, hàng đầu cả về sự chuyên nghiệp, không khoảng cách diệu vợi so với thị trường ca nhạc Việt lúc ấy.



Để có đủ sức mạnh và nghị lực leo lên ngọn núi cao vời vợi này, ngoài sự tin yêu với người bạn đời, nhạc sĩ Anh Quân, bản thân Mỹ Linh cũng đã nhìn thấy và tự tin vào con đường đi phía trước. Muốn ra được đại lộ, không thể mặc áo dài đạp xe dù biết đó là một hình ảnh rất đẹp, rất Việt Nam, mà phải học cách lái ô tô! Nếu giờ đây, hầu hết ca sĩ Việt đều đã sắm được ô tô, R&B đã là thời thượng, thì 13 năm trước, đó còn là chuyện hoang đường.

Lúc bấy giờ, năm 1998, khi nghe bản demo album “Tóc ngắn 1” với những tiết tấu mới lạ, một khác biệt hoàn toàn với Mỹ Linh trước đó, một nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu ở Tp.HCM đã từ chối khéo việc đầu tư sản xuất vì không tin vào thành công. Vợ chồng Mỹ Linh – Anh Quân buộc phải bỏ tiền túi để “khai sinh” cho “đứa con đầu lòng” của mình (thời điểm này, việc ca sĩ bỏ tiền tự sản xuất album là điều chưa từng xảy ra), một “đứa con” mà sự ra đời của nó khiến số đông tò mò và nghi kỵ nhiều hơn là đón đợi, chào mừng.

Bất ngờ là, dù còn gây nhiều tranh luận sau đó, nhưng “Tóc ngắn 1” đã thành công khi xây dựng nên một thương hiệu mới – Mỹ Linh “Tóc ngắn” thay cho Mỹ Linh “Chị tôi”, để tiếp tục có “Tóc ngắn 2”, rồi sau đó là “Made in Vietnam”, “Chat với Mozart”, “Để tình yêu hát” (album), “Mỹ Linh & Anh Em”, “Mỹ Linh Tour’06 (liveshow).

Thay vì lên đỉnh vinh quang chỉ có hai, ba ca khúc, trên ngọn núi này, Mỹ Linh đã có cả một sự nghiệp âm nhạc dày dặn. Không chỉ tiên phong với dòng nhạc R&B Việt Nam, Mỹ Linh cũng tiên phong trong việc xây dựng một phong cách làm việc chuyên nghiệp ở Việt Nam khi có riêng một ê-kíp âm nhạc, mỗi album đều được thực hiện thống nhất từ ý tưởng đến hòa âm, phối khí. Giai đoạn này Mỹ Linh không “hot” theo kiểu “hiện tượng của đám đông” như thời kỳ “Trên đỉnh phù vân” nhưng quan trọng hơn, trong sự nghiệp ca hát của một ngôi sao, cô đã bước lên một bậc thang mới: Từ vị trí một ngôi sao lên vị trí một diva theo nghĩa người tiên phong, dẫn đường và có tầm ảnh hưởng đến những thế hệ ca sĩ khác.


Mỹ Linh và chồng - nhạc sỹ Anh Quân trên sân khấu

“Mỹ Linh Tour "06” đánh dấu sự hợp tác của một ngôi sao Việt với các chuyên gia âm nhạc Nhật Bản, nó đồng thời không che giấu tham vọng đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra tầm khu vực và quốc tế. Nếu làm được điều kỳ diệu này, Mỹ Linh một lần nữa sẽ ghi tên mình vào lịch sử nhạc nhẹ Việt Nam. Ba năm sau liveshow này, các hoạt động của Mỹ Linh được dành gần như trọn vẹn cho mục tiêu lớn này. Những chuyến lưu diễn nhỏ tại Nhật, và sau cùng là 3 album được đưa vào hệ thống phát hành chính thức tại nước này.

Nhưng có lẽ những nỗ lực đơn độc này chỉ còn là con thuyền nan với khát vọng đi ra biển lớn. Hội nhập âm nhạc, ở đây là nhạc nhẹ, nhạc pop, là cả một câu chuyện dài, mà ở đây chỉ xin được nhắc đến hai giấc mơ cùng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á: Tata Young trước khi được biết đến trong khu vực đã có số lượng phát hành đĩa tại Thái Lan lên tới cả triệu bản; còn ngôi sao K-pop Bi Rain dù có sự hậu thuẫn của một tập đoàn giải trí Hàn Quốc hùng mạnh, mang theo khát vọng của cả nền K-pop, nhưng hai lần sang chinh phục thị trường Mỹ đều phải ngậm ngùi quay về…
 
Đưa R&B, đưa pop-rock về với nơi xuất phát đỉnh cao của nó, thật chẳng khác chở củi khô về rừng. Sự không thành công, hay nói thẳng là thất bại, của những “Made in Vietnam”, “Chat với Mozart” hay Để tình yêu hát” trên con đường “xuất khẩu nhạc Việt” là chuyện dễ hiểu, nếu không nói là đương nhiên. Song châu Á vẫn có một Anggun, tên tuổi được nể trọng ở châu Âu, có ca khúc từng lọt vào bảng xếp hạng Billboard ở Pháp và album phát hành tại thị trường này lên tới 45.000 bản. Anggun cũng là một câu chuyện dài, nhưng ngắn gọn sự thành công của giọng hát người Indonesia này là sự cộng hưởng xuất sắc của âm nhạc phương Tây với vẻ đẹp độc đáo của bản sắc âm nhạc Indo. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể thấy ưu thế lại cũng chính là điểm yếu của Mỹ Linh khi ra “đại lộ R&B” chính là giọng hát rất Việt Nam, rất mềm, kể cả trong xử lý những chuẩn mực rất cứng của nhạc phương Tây. Giọng hát ấy dường như vẫn chỉ thực sự lay động đến “ma mị” lòng người khi cất lên những giai điệu thật sự Việt Nam, thay vì chỉ là những bản nhạc “chuẩn hóa”.


Mỹ Linh song ca cùng Uyên Linh

Tiếp tục leo dốc trên ngọn núi R&B vời vợi với khát vọng của 10-13 năm trước, lúc này đây với Mỹ Linh chắc chắn sẽ là một thách đố. Thật sự là album mới nhất, “Để tình yêu hát” đã được thực hiện cách đây 4 năm (2006) và cũng không phải là một thành công mới sau “Chat với Mozart”. Dự án Mỹ Linh Accoustic “kéo lê” trong nhiều năm, tới nay vẫn chưa thể ra mắt. Lý do bận bịu gia đình, nhà cửa, chồng con… vẻ như là một lối thoát nhẹ nhàng, thay cho sự thừa nhận đau đớn rằng con đường “âm nhạc” phía trước đang mờ sương, sự tập trung cho giấc mơ âm nhạc đang phân tán và khát vọng âm nhạc không còn mạnh mẽ như 10 – 13 năm trước?

Không ít người cho rằng tài năng này đã “tới ngưỡng” của mình, ngưỡng của một thế hệ. Nhưng người viết bài này vẫn hi vọng rằng, tất cả những điều ấy – sự mờ sương, sự thiếu tập trung, thiếu mạnh mẽ trong khát vọng - ở Mỹ Linh chỉ là tạm thời. Trong vẻ đẹp dịu dàng, mộc mạc và thơ ngây này luôn tiền ẩn một sức mạnh lạ lùng và khả năng thăng hoa bất ngờ…

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm