Tóm tắt Giải thưởng

"Giải thưởng được thành lập theo sáng kiến của gia đình Bùi Xuân Phái và báo Thể thao & Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. Giải thưởng được trao hàng năm cho những Tác giả , Tác phẩm , Ý tưởng , Việc làm có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội "

Xem tiếp

Nhiếp ảnh gia Lê Vượng: Vẹn nguyên ký ức Hà Nội

06:34:00 10/09/2016

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Tuân, Văn Cao, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng,... những người bạn ông đều đã đi xa. Đôi chân ông giờ cũng đã mỏi. Ông không thể chụp ảnh về những đổi thay của Hà Nội sau gần 7 thập kỷ cầm máy. Nhưng với ông, Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong ký ức, trong các tác phẩm của những người bạn mà ông treo quanh nhà.

>> Chuyên trang Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

Và hơn hết thảy, tình yêu Hà Nội của ông vẫn trung hậu và hồn nhiên, trong hàng ngàn bức ảnh do ông chụp suốt từ năm 1936 tới năm 2013.

Tôi gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng, Giải thưởng Lớn Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2016 trong căn gác nhỏ của ông trên phố Trần Quốc Toản (Hà Nội).

Chụp chơi, "mang nghiệp"

Ở tuổi 98, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Vượng không còn đủ sức để trò chuyện lâu. Trí nhớ ông cũng giảm nhiều. Song, khi được hỏi về ngày đầu cầm máy, ông hứng thú lạ: "Lần đầu tôi cầm máy năm 1936, năm tôi 18 tuổi. Lúc đó, chiếc máy ảnh trị giá bằng cả mảnh đất ở Hà Nội. Tôi mua để chụp trong chuyến đi chơi xuyên Đông Dương".

Sau chuyến đi dài, về đến Hà Nội, Lê Vượng vội vàng đi tráng phim. 3 cuộn phim đầu tiên trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia không được như ý. Nhưng, đó là bước ngoặt của cuộc đời ông. Ông bắt đầu say mê với nghệ thuật "vẽ" bằng ánh sáng. Và, từ những tấm phim tráng đầu tiên tại Hà Nội đó, Lê Vượng "mang nghiệp chụp ảnh cả đời" (chữ dùng của Lê Vượng).


NSNA Lê Vượng trao đổi với Thể thao & Văn hóa

Những năm 30 của thế kỷ 20, với chiếc máy ảnh, Lê Vượng lang thang khắp Hà Nội để ghi lại nhịp sống, kiến trúc của Thủ đô. Sau những thăng trầm lịch sử, năm 1962, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập. Lê Vượng là một trong những cán bộ đầu tiên của bảo tàng. Nhiệm vụ của ông là đi chụp ảnh, ghi tư liệu về mỹ thuật, kiến trúc cổ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong suốt những năm công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Lê Vượng đã lao động miệt mài và tạo ra khối lượng tác phẩm đồ sộ. Cụ thể, ông đã lưu được hàng vạn cuộn phim tư liệu. Những khuôn hình tư liệu này được lưu vĩnh viễn tại Bảo tàng là di sản ký ức vô giá của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với những cống hiến không biết mệt mỏi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã được Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) trao tước hiệu A.FIAP.

Bên cạnh đó, trong suốt sự nghiệp sáng tác, ông cũng được tôn vinh ở nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Bifota (Đức) trao cho tác phẩm Đôi bàn tay khéo năm 1967; giải nhì triển lãm ảnh tại Liên Xô năm 1972 với tác phẩm Nghệ nhân Song hỉ thêu tranh năm 1972; Giải ACCU (Nhật) năm 1984 trao cho tác phẩm Hội Đền Hùng; huy chương bạc FIAP 1996 với tác phẩm Lòng đất...



Một góc phố Hà Nội. Ảnh: Lê Vượng

Trong ảnh có họa

Để đạt được những thành tựu trên, sự thầm lặng và mẫn cán là chưa đủ. Theo các chuyên gia, ảnh Lê Vượng luôn có chất riêng, không trộn lẫn với bất cứ tác giả đương thời nào. Ảnh Lê Vượng không chỉ ghi lại khoảnh khắc mà trong ảnh chất chứa rất nhiều yếu tố hội họa.

Ví như những tác phẩm chụp Hà Nội thời bao cấp, Lê Vượng thường hướng góc máy vào những mái nhà phố cổ, một cành cây, một đường tàu điện cắt ngang phố... Những cảnh vật không sinh động nếu chỉ nhìn qua lớp váng hình thức. Song, nếu quan sát kỹ, ngoài những giá trị tư liệu quý về kiến trúc, những bức ảnh này còn khơi gợi những đường nét hài hòa của hình khối, của cảm xúc phức cảm của con người trong "đêm trước Đổi Mới".


Một góc Hồ Gươm. Ảnh: Lê Vượng

Theo chia sẻ của ông Lê Cường, con trai NSNA Lê Vượng, từ nhỏ, ông đã quen với hình ảnh đầu giờ chiều, bố khoác chiếc máy ảnh, xách xe đạp, lầm lũi đi khắp các tuyến phố Hà Nội bất kể nắng mưa gió bão. Nhiều người cho rằng, Hà Nội đẹp nhất vào mùa Thu, lúc nắng hửng trên những tán cây xanh mượt.

Lê Vượng không nghĩ vậy. Với ông, người chụp ảnh Hà Nội là người "thư ký" cần mẫn ghi lại tức khoảnh khắc đổi thay của Thủ đô. Trời nắng có vẻ đẹp riêng, trời mưa có những nỗi niềm khác. Ban ngày có sự náo nhiệt, ồn ào. Ban đêm, một hạt sương Thu trên hè phố cũng là đề tài của người nghệ sĩ.

Hơn thế, Lê Vượng còn gắng khắc họa Hà Nội xa hơn chiều kích của những định kiến. Hà Nội không chỉ là những con phố cổ kính với mái ngói thâm nâu, dăm gánh hàng nước... Hà Nội còn là những làng ven đô, những di tích lịch sử ghi dấu những thăng trầm của lịch sử kinh kỳ.

Bức ảnh Cội nguồn Lê Vượng chụp tại Cổ Loa là minh chứng. Bức ảnh ghi lại hình ảnh một cụ già râu tóc bạc phơ ngồi ngẫm ngợi dưới vòm rễ khổng lồ của cây đa ngàn năm tại Cổ Loa. Bức ảnh tương đối tĩnh, bố cục, đường nét, màu sắc được đánh giá là mẫu mực, phản ánh cội nguồn vững vàng của lịch sử kinh kỳ. 


Bức ảnh Cội nguồn. Ảnh: Lê Vượng

Bút pháp này không phải ngẫu nhiên. Từ nhỏ, Lê Vượng đã thường xuyên vào phòng làm việc của chú ruột- danh họa Lê Phổ. Tại đây, hai chú cháu thường xuyên trao đổi những quan điểm khác nhau về màu sắc, đường nét. Năng khiếu về nghệ thuật thị giác của Lê Vượng bộc lộ khá sớm trong thời điểm này. Và tinh anh càng được phát tiết dưới sự dìu dắt của người chú Lê Phổ.

Những ràng rịt với hội họa của Lê Vượng còn được hun đúc thêm trong thời gian ông làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. "Cháu danh họa Lê Phổ" là một "thương hiệu" để ông đại diện bảo tàng đi làm việc với các nghệ sĩ đương thời.

Đầu tiên là "bộ tứ" thế hệ vàng: Nghiêm- Liên- Sáng- Phái. Ông lần lượt bắt chuyện và quen cả bốn danh họa: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái.

Hiện tại, trong những ngày cuộc sống của Lê Vượng bị bó buộc trong 4 bức tường, trên căn gác nhỏ. Ngoài người giúp việc, những "người bạn" thân thuộc của ông là... tranh của các danh họa. Ông trang trọng treo bức tranh của "người thầy đầu tiên" - danh họa Lê Phổ bên mình.

Dưới đó, lần lượt là ba bức tranh vẽ bà Vượng (vợ của NSNA Lê Vượng) của Nguyễn Sáng, kế bên là tranh của Nguyễn Tư Nghiêm; sát bên mé giường là bức ký họa Lê Vượng của Bùi Xuân Phái... "Lúc này đây, nhìn thấy tranh của các ông ý là một trong những nguồn vui của tôi"- Lê Vượng nói.

Còn theo ông Lê Cường, con trai NSNA Lê Vượng, trong các danh họa, NSNA Lê Vượng thân nhất với họa sĩ Nguyễn Sáng. Hai ông coi nhau như anh em. "Cụ Nguyễn Sáng thường xuyên lui tới nhà tôi để đàm đạo với cụ Vượng. Gia đình tôi cũng coi họa sĩ Nguyễn Sáng như người nhà. Và, mẹ tôi là người phụ nữ duy nhất danh họa Nguyễn Sáng vẽ liền 3 bức chân dung"- Ông Lê Cường kể.

Qua những lần gặp với họa sĩ, dần dần, Lê Vượng cũng gặp thêm nhiều nghệ sĩ lớn của Hà Nội thời bấy giờ như nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân. Các cuộc gặp lúc này không còn là công việc. Đó là những sự sẻ chia về nghệ thuật, về cuộc sống, và về những điều đau đáu với Hà Nội.


Trạm tàu điện Bờ Hô (Khu vực Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục). Ảnh: Lê Vượng

"Nhìn các cậu làm việc, tôi thèm quá!"

Khi chúng tôi tới ghi hình tại nhà riêng của NSNA Lê Vượng, ông đã chuẩn bị khá kỹ để tiếp chúng tôi. Đôi chân mỏi không cho phép ông lang thang khắp phố phường để ghi nhận sự đổi thay. Đôi mắt mỏi cũng khiến ánh nhìn nhòe đi trước những ánh sáng mới của thời cuộc. Song tuyệt nhiên, Lê Vượng không than vãn.

Ông say sưa kể về Hà Nội xưa, về chuyện họa sĩ Nguyễn Sáng tới nhà... xin cơm; về chuyện ông tự lái xe xuống Hải Phòng mua súng giúp Việt Minh trong những ngày trước Cách Mạng Tháng 8; về chuyện được Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng khen ông khi đã lập công trong "tuần lễ vàng"; về cuộc gặp của Hồ Chủ tịch với danh họa Lê Phổ tại Pháp năm 1946...

Những mẩu ký ức được NSNA Lê Vượng cố chắp ghép lại để chia sẻ. Những câu chuyện không nhiều chi tiết song người nghe vẫn thấy háo hức cùng người kể bởi tinh thần phơi phới của lão nghệ sĩ 98 tuổi. Những câu chuyện cuộc sống thuần nhất như những bức ảnh về Hà Nội của ông: không quá cầu kỳ nhưng gợi bao rung cảm.

Tiễn chúng tôi ở cầu thang, Lê Vượng bỗng nhiên bật khóc: "Nhìn các cậu làm việc, tôi thèm quá!".

Đó có lẽ là lời than duy nhất của Lê Vượng, lời than trong nước mắt. Giọt nước mắt gợi bao khát khao dữ dội của cả cuộc đời cống hiến vì tình yêu Hà Nội!

Lê Vượng sinh năm 1918, bắt đầu chụp ảnh năm 1936. Từ năm 1945 tới 1954, ông đi kháng chiến, làm việc tại Thanh Hóa. Năm 1954 tới 1962, Lê Vượng làm biên tập ảnh và sáng tác ảnh tại Nhà xuất Bản Mỹ thuật Âm nhạc. 

Năm 1962 tới 1984, NSNA Lê Vượng làm công tác nhiếp ảnh tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1985, ông nghỉ hưu, tiếp tục công việc sáng tác ảnh và tham gia các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Về nhiếp ảnh, Lê Vượng đạt nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia nhiều triển lãm ở nước ngoài như: Triển lãm tại Rumani các năm 1967, 1971, 1973, 1975, 1977...; tại Pháp năm 1971, 1972; tại Ba Lan năm 1975; tại Malaysia năm 1979; tại Liên Xô (cũ) năm 1980; tại Nhật Bản năm 1984; tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1993; tại Mỹ năm 1994; tại Hong Kong (Trung Quốc), Pakistan, Canada năm 1997, tại Pháp năm 1998...

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Ý kiến bạn đọc

Gửi bình luận của bạn

gửi ý kiến(Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)

  • (*)
  • (*)
  • (*)