Văn chương thời cơm áo gạo tiền

18/11/2012 13:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Đọc tập truyện ngắn Điểm nhìn của tác giả Lãng Hiển Xuân (Nhà xuất bản Văn học, 2012), nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang giới thiệu…

“Sống giữa thời mà văn chương chữ nghĩa cứ phải lao đao theo cơm áo, gạo tiền, vất vả với chính cả từng con chữ một… Những câu chuyện trong tập sách này chưa hẳn đã nói ra điều đó, nhưng để ra được một tập sách cũng là nỗ lực khác của người yêu văn, như tôi”

Nhà báo Lãng Hiển Xuân (Phó trưởng ban đại diện báo Đất Việt), sinh ở Quảng Bình và sống ở Huế đã viết giản đơn như thế, ở Lời thưa, mở đầu tập truyện ngắn của anh.

1. Tám truyện ngắn trong Điểm nhìn, làm nên cuốn sách vừa đủ mỏng số trang vừa đủ dày trong nhiều điểm nhìn, mà không có điểm nào hướng về phía hạnh phúc: Lời thưa, Chuyện ở nhà một nhà điêu khắc, Gàn sĩ, Hắn và Julia, Nó và 9m2, Điểm nhìn, Thư cho một người bạn, Tôi, em và lão.

Cách kể chuyện đơn thuần, giản dị từ một người ưa quan sát để trong đầu luôn tích lũy hàng mớ chữ, chỉ chờ có dịp là tuôn ra, tưởng khó khăn nhưng lại khá dễ dàng. Câu văn thường dài, diễn đạt hồn nhiên mà không quá cẩn trọng, Lãng Hiển Xuân chọn là người kể chuyện, chứ không phải là người làm văn.

Câu chuyện mà Lãng Hiển Xuân muốn kể, rất bình thường, như lẽ đời vẫn trôi chảy vòng quanh đời sống của anh. Đọc văn (lắm khi giống ký sự báo chí), để thấy người trong đó, mộc mạc như người sống đã lâu trên đất Huế, xứ buồn mưa trưa vắng nắng cũng ướt nhòe.

2. Không đi vào chiều sâu tâm cảm, tác giả chọn điểm nhìn bắt đầu từ phía bên ngoài, luôn là những dòng kể cụ thể về xuất thân, lý lịch, tính cách đến công việc “bác làm đủ loại tượng, từ tượng Phật, tượng Chúa, tượng các thánh thần, tượng Vệ nữ, thiếu nữ khỏa thân, đàn ông cởi truồng, tượng thổ công thổ địa, heo đất, trẻ con… nghĩ lại cũng buồn cười thật…” (Chuyện ở một nhà điêu khắc, T10). Và dĩ nhiên, thể nào cũng có phong cảnh xứ Huế cùng những tích tâm linh cổ hay huyền bí hiện đại: Nếu đôi lứa nào lỡ cầm tay (nặng là hôn nhau) ở chùa Linh Mụ, bà Mụ sẽ phạt mà chia rẽ đôi đường, và giả dụ muốn sửa sai, thì rửa tay trên hồ Thủy Tiên ở Thiên An là hết (Hắn và Julia).

Cách hành văn từ Lãng Hiển Xuân, cũng là kiểu hầu hết thấy ở người trung tuổi, luôn trăn trở suy tư, với vốn kinh nghiệm từ chợ đời đã qua, mà không thể yên ổn nếu chẳng viết ra thành chữ. Không rõ, đó có phải là biểu hiện của những gì chất chứa trong tâm cảm của Lãng Hiển Xuân hay của loài người nói chung, và có thể quy vào sự sợ hãi hay không? “… chỉ biết duy một nỗi đau đang hành hạ mình. Nếu như có chăng chỉ là sự sợ hãi, mà cũng chưa hẳn đã là sợ hãi cái chết, chẳng qua đó là sợ hãi những vấn để mình không thể kiểm soát được mà thôi.” (Sđd)

Đọc xong Điểm nhìn của Lãng Hiển Xuân, dứt khoát thấy anh lao đao vì chữ nghĩa, khó thể quy bởi cơm áo gạo tiền.

Nguyễn Quỳnh Trang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm