Văn chương một thời… xuống đường

09/01/2012 10:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh tại các đô thị miền Nam trước 1975 nhằm đòi hòa bình, thống nhất đất nước có sự đóng góp không nhỏ của văn chương, thậm chí còn phải đánh đổi bằng cả sinh mạng. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều ý kiến cho rằng “những bản hùng ca của dân tộc” (lời nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng) ấy vẫn chưa được đánh giá đúng tầm…

Nhà thơ Triệu Từ Truyền (sinh năm 1947) từng lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên tại Sài Gòn. Ông bị chính quyền Sài Gòn hai lần đày ra Côn Đảo do những tranh đấu của mình bằng các hành động dấn thân “nhập dòng cách mạng” và bằng cả văn chương. Ngay sau năm 1975, ông trở thành Phó Chủ tịch UBND Q.4 TP.HCM - một trong những lãnh đạo cấp quận trẻ nhất nước lúc bấy giờ. Nhân Ngày Sinh viên- Học sinh (9/1) năm nay, nhà thơ Triệu Từ Truyền chia sẻ với TT&VH về những kỷ niệm một thời.

Lôi cuốn hàng vạn độc giả

* Xuất thân từ phong trào văn nghệ sinh viên - học sinh tranh đấu tại đô thị miền Nam, ông có thể cho biết không khí văn chương của thời kỳ đó như thế nào?

- Nếu tính từ 1960 đến 1975, phong trào văn nghệ sinh viên học sinh tranh đấu vì hòa bình, dân chủ, độc lập và thống nhất tổ quốc trải rộng trên khắp miền Nam. Ở đâu có trường trung học, phân khoa đại học là ở đó có báo tường, báo in roneo, báo in số lượng hàng vạn tờ bằng typo cũng không ít, như bán tuần san Vùng lên của Hội đồng Chỉ đạo Sinh viên Học sinh Sài Gòn (1964), và nhiều tờ báo của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Sinh viên Huế; Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ…

Từ những tờ báo này xuất hiện hàng loạt tên tuổi: Hoài Hương, Ngô Kha, Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Huy Giang, Đông Trình, Triệu Cung Tinh (Triệu Từ Truyền), Chinh Văn, Cao Quảng Văn, Phan Trước Viên, Tần Hoài Dạ Vũ, Hoàng Thoại Châu, Trần Đình Sơn Cước, Đôi Nạng Xứ Dừa, Lê Gành, Trần Vạn Giã, Hà Thạch Hãn, Phan Viên Hoài, Trần Ngọc Hưởng, Nguyễn Như Mây, Nguyễn Kim Ngân, Lê Văn Ngăn, Trần Phá Nhạc…

Gần như những bút danh nổi tiếng nêu trên không chỉ đăng báo “chui” - không thông qua kiểm duyệt - mà còn có mặt thường xuyên trên các tờ báo công khai như: Bách khoa, Văn, Văn học, Nghệ thuật, Văn nghệ Tiền phong… kể cả các nhật báo với số lượng in bảy, tám vạn bản. Không khí văn chương đầy tâm huyết và hào hùng, hấp dẫn và lôi cuốn hàng vạn độc giả.

Nhà thơ Triệu Từ Truyền

* Văn chương tranh đấu tại các đô thị miền Nam có vai trò gì trong tiến trình phát triển của nền văn học VN. Theo ông, những đánh giá hiện nay đã xứng tầm mức đóng góp của thời kỳ này chưa?

- Thơ, văn trong phong trào sinh viên học sinh ở Miền Nam, có tính chiến đấu không kém bất kỳ một tác phẩm nào trong chiến khu. Song, diễn đạt phù hợp với trình độ văn hóa người thành thị hơn về bút pháp, cấu trúc, hình tượng, lời chữ…, uyển chuyển và ẩn dụ nhiều hơn, để có thể tranh thủ, thuyết phục cả đối phương. Xúc động, chân thành, trung thực làm tác phẩm ít câu khẩu hiệu, nhưng nặng tình người. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi đề tựa quyển tuyển thơ văn nhạc họa Tiếng hát những người đi tới (NXB Trẻ 1995) đánh giá rằng đó là những bản hùng ca của dân tộc.

Tôi chưa thấy có hội thảo nào về văn học tranh đấu đô thị ở miền Nam, sách giáo dục cũng chẳng trích một bài văn, thơ nào dù là để tham khảo… Trong khi con người trưởng thành từ phong trào sinh viên học sinh miền Nam, có nhiều người trở thành lãnh đạo cấp cao. Cách đây hơn 15 năm, có lần tôi nghe trong một phát biểu của ông Nguyễn Khoa Điềm có nhắc đến văn nghệ phong trào sinh viên - học sinh, nhưng sau đó cũng chẳng có chuyển biến gì.

Đánh giá chưa đúng tầm

* Với nhận định của người trong cuộc, các tác giả nào cần được nhìn nhận lại công sức của họ trong phong trào văn chương tranh đấu ở đô thị?

- Phải chăng những bút danh nêu trên do Tần Hoài Dạ Vũ và Trần Hữu Lục tổng kết, có thể xứng đáng để một Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước xem xét tuyển chọn. Riêng tôi, xét thiên về tính văn học hơn thì không thể thiếu Hữu Đạo, Ngô Kha, Phan Duy Nhân, Trần Quang Long.

* Cá nhân ông có thấy rằng văn chương trong phong trào đấu tranh ở đô thị bị thiệt thòi hơn thơ văn ở trong chiến khu?

- Do hoàn cảnh lịch sử, cơ quan tổ chức chỉ biết nhà thơ, nhà văn phải là biên chế trong các hội văn nghệ ở chiến khu, hoặc vùng căn cứ cách mạng. Vùng chiến lược đô thị, làm sao sinh hoạt hội văn nghệ, khi người cầm bút ở các đoàn thể phải hoạt động chính trị bí mật. Nên hầu hết các cây bút phong trào thành thị sau 1975 đều làm việc khác như Hữu Đạo - Trưởng phòng Thông tin Văn hóa một quận tại TP.HCM; Phan Duy Nhân trước khi nghỉ hưu là Phó Trưởng Ban Tôn giáo Trung ương; có người lại được phân công trong lãnh vực kinh tế… Vì vậy trong lãnh đạo Hội Nhà văn không có tiếng nói của các cây bút sinh viên - học sinh trong phong trào thành thị. Bây giờ tất cả đã già, tình thế đã khác, không còn thời gian để khắc phục đâu. Tôi nghĩ cấp có thẩm quyền chưa đánh giá đúng về văn chương sinh viên - học sinh ở miền Nam 1960 - 1975. Chỉ còn hy vọng vào thế hệ hôm nay, khi họ tìm hiểu lại một giai đoạn của thời chúng tôi và nhắc nhớ về văn chương được viết bằng chính sinh mạng của tác giả.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm