Đồng tính - và xu hướng tự truyện

02/08/2008 01:43 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Thời gian trở lại đây đề tài đồng tính đã được nhìn nhận một cách công bằng và nhân văn hơn. Đây là một nguyên nhân quan trọng, kích thích chính những người đồng tính tự lên tiếng.
 
Đề tài đồng tính ngày càng “hot”

Một thế giới không đàn bà của tác giả Bùi Anh Tấn có lẽ là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong văn học Việt Nam viết về hiện tượng đồng tính luyến ái. Cuốn sách đã giành giải A cuộc vận động viết tiểu thuyết và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống" ( năm 1999 - 2002) do Bộ Công An và Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức .
 
 Bìa cuốn Bóng tự truyện của một người đồng tính

Bằng việc khai thác thế giới của những người đồng tính - bấy lâu vẫn là một thế giới bí ẩn, gây hiếu kì - cuốn sách ngay lập tức tạo được sức hút đối với độc giả.
 
Sau khi ra mắt Một thế giới không đàn bà, có thể nói, đề tài đồng tính đã có người “nổ phát súng đầu tiên” . Một mảng đề tài mới được mở ra, cần tiếp tục được khai phá. Tuy nhiên năm sáu năm sau đó - cuốn sách văn học thứ hai về đề tài đồng tính ra mắt ở Việt Nam, vẫn lại là của tác giả Bùi Anh Tấn. Đó là tiểu thuyết Les- vòng tay không đàn ông , viết về đồng tính nữ. Tháng 5/2008, tác giả Bùi Anh Tấn tiếp tục công bố các tiểu thuyết khác, cũng về đề tài đồng tính: Không và Sắc, Phương pháp của A.C Kinsey.
 
Chưa dừng ở đó, đề tài đồng tính tiếp tục được Bùi Anh Tấn khai thác trong mảng truyện ngắn của mình. đơn - tập truyện ngắn vừa ra mắt của anh cũng viết về đề tài này. Với các truyện như Cô đơn, Tình trai, Bướm đêm, Bụi đường, Biển cạn, Trái tim tội lỗi, Như một tiếng thở dài, Ánh đèn đêm, Bên đời hiu quạnh, Tình nhớ... cuộc sống của những người thuộc “thế giới thứ ba” tiếp tục được phơi mở với những khao khát đời thường nhưng cũng rất đỗi éo le, trắc trở.

Bằng việc trình làng một loạt các tác phẩm viết về đề tài đồng tính, Bùi Anh Tấn được coi như đã bước đầu “khai thông” đề tài khá nhạy cảm này, tuy nhiên giới sáng tác vẫn có thái độ khá dè dặt khi “dấn bước”. Lác đác trong những truyện ngắn và một số tiểu thuyết, thế giới của những người đồng tính được hé lộ: Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử (Trang Hạ), Song song (Vũ Đình Giang), 1981 (Nguyễn Quỳnh Trang)… Mới đây nhất là tiểu thuyết Lạc giới (Thuỷ Anna) - nhan đề ban đầu của cuốn tiểu thuyết là Điếm trai, tuy nhiên do yêu cầu của nhà xuất bản, tác giả đã phải đổi lại tên sách. …

Tuy nhiên có thể nhận thấy phần lớn những tác phẩm này mới chỉ chạm ở lớp vỏ bề ngoài của thế giới những người đồng tính, chưa kể có tác phẩm chỉ là những chắp nhặt rời rạc, thiếu tính thuyết phục.

Và xu hướng tự truyện…

Thời gian trở lại đây đề tài đồng tính đã được nhìn nhận một cách công bằng và nhân văn hơn. Đây là một nguyên nhân quan trọng, kích thích chính những người đồng tính tự lên tiếng. Điều này giúp lý giải xu hướng xuất hiện các cuốn tự truyện của những người đồng tính. Người đầu tiên dám bước ra “ánh sáng của văn chương” - có lẽ là Phạm Thành Trung. Do không có thời gian tự viết về cuộc đời mình - cuộc đời nhiều trắc trở mà từ khi mới 13 tuổi Trung đã bị lạm dụng tình dục - anh quyết định tìm đến một nhà văn để nhờ chấp bút.

Thời điểm ra mắt cuốn tự truyện của Thành Trung vẫn còn là ẩn số thì một cuốn tự truyện khác đã ra mắt bạn đọc một cách khá bất ngờ. Bất ngờ bởi lẽ việc cuốn sách được viết ra như thế nào chỉ được tiết lộ khi ấn phẩm đã chính thức trình làng. Các thông tin về cuốn sách hầu như chưa được công khai trên báo chí. Đó là tiểu thuyết Bóng do NXBVăn học vừa ấn hành - tự truyện của Nguyễn Văn Dũng (sáng lập viên Thông xanh - nhóm tự lực của người đồng tính) do Hoàng Nguyên và Đoan Trang chắp bút. Như vậy tính về thời điểm xuất bản thì tiểu thuyết Bóng là cuốn tự truyện đầu tiên của một người đồng tính nam. Cuốn sách dày hơn 350 trang này - có thể nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều người hoặc cũng có khi chỉ là sự khinh sợ, phản cảm - nhưng thật sự Bóng đã mở ra một thế giới khác, tồn tại rất thực trong đời sống xung quanh chúng ta.

Những cuốn tiểu thuyết tự truyện này - mang đến cho người độc một đời sống thực của những người đồng tính - chứ không phải thế giới của sự hư cấu. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ văn chương, những cuốn tự truyện thường dễ sa đà vào sự kể lể, thiếu chọn lọc trong chi tiết chuyện, dễ gây cảm giác “bội thực” cho độc giả. Đây là điều mà bản thân các tác giả truyện cũng như những người chắp bút rất cần phải lưu tâm.

 
Hồ Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm