“Đêm lộng lẫy” từ những ngón tay

01/11/2012 07:02 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Nhạc sĩ lừng danh người Đức R.Schumann sẽ “xuất hiện” ở Việt Nam vào hai đêm nhạc Gorgeous Night (Đêm lộng lẫy, 1-2/11 tại Nhà hát Lớn). Người đưa ông tới Hà Nội qua một concerto đặc biệt, là nghệ sĩ cello danh tiếng Ngô Hoàng Quân.

Đêm nhạc trình diễn các tác phẩm của G.Rosini, L.Berntein G.Gershwin, nhưng concerto của Schumann được chờ đợi nhất. Vượt lên bối cảnh và nhiều sức ép nghịch lý, giao hưởng Việt Nam vẫn có đội ngũ trình diễn tên tuổi đạt chuẩn quốc tế. Một trong số đó là nghệ sĩ cello - thạc sĩ Ngô Hoàng Quân.

1. Phong độ của Ngô Hoàng Quân bền vững trong 30 năm qua, càng ngày càng toát lộ cao nghề và rung cảm sâu sắc, không chỉ đạt đỉnh cao về kỹ năng, mà là hồn của tiếng đàn.

Chỉ đến lúc này, sau 30 năm là nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng VN (VNSO) ông mới dám lựa chọn concerto cung La thứ của Schumann đưa vào chương trình biểu diễn cùng VNSO. “Dám”, vì nó quả khó về kỹ thuật và âm nhạc và dù từng theo học Nhạc viện Tchaikovsky, là sinh viên xuất sắc của giáo sư Stephane Timopheyevic Kalianov, Ngô Hoàng Quân cũng chỉ đọc bản nhạc và mơ...

Và đây, đêm 1-2/11 này, ước mơ thành hiện thực. Người làm nên điều tuyệt diệu này, sẽ lên sân khấu với những ngón tay thương tích. Hiếm ai vừa là nhà quản lý cừ vừa là nghệ sĩ giỏi, với nhiều đêm diễn được tán thưởng, chờ đón như Ngô Hoàng Quân. Cả VNSO yêu mến và trân trọng ông, bởi suốt 10 năm làm giám đốc, ông cật lực nâng cấp toàn bộ nhạc cụ, kêu gọi nhiều tài trợ để gia tăng các buổi diễn, tạo nếp định kỳ các buổi hòa nhạc đặt vé trước mà vẫn luôn say mê đàn, vẫn là thủ lĩnh về chuyên môn để anh em phục nể. Với hàng trăm cuộc trình tấu solo trong nước và quốc tế, cái tên Ngô Hoàng Quân là sức hút bảo tín.



NSƯT Ngô Hoàng Quân tập trong đêm nhạc Hoàng Dương (2/10/2012). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Ở Việt Nam bây giờ, có lẽ chỉ Ngô Hoàng Quân mới lao vào khó, biểu đạt được concerto cho cello duy nhất và cuối cùng của thiên tài Schumann, một tác phẩm thuộc loại khó nhất trong kho tàng concerto viết cho cello của nhân loại. Thật đáng nể khi Ngô Hoàng Quân ở cương vị giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn từ tháng 11/2011, vẫn trình diễn. Làm thế nào được ở độ tuổi 56, trải một lao động nặng như vậy, ngoài khát khao dâng hiến, tình yêu nghề vô biên.

May mắn được ông cho phép chứng kiến một số buổi tập đàn tại cơ quan ông, tầng 6, toà nhà 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, tôi càng thêm kính trọng và trân quý ông. Tôi đã khóc khi những giai âm đẹp bật ra từ mỗi đường vĩ (archet). Làm việc với tài liệu câm - bản nhạc, một nghệ sĩ biểu diễn đẳng cấp khác xa nhạc công chỉ đọc đúng nốt và yêu cầu tác giả, mà phải thấu cảm ý tưởng của nhạc sĩ. “Đây là concert Schumann viết trong đau đớn khi Clara, vợ ông đem lòng yêu đồng nghiệp của ông... Một ký ức nồng nàn tươi trẻ, những dằn vặt bộn bề, day dứt đớn đau, khắc khoải, rạn vỡ. Một khao khát như bắt đầu. Sau tác phẩm này một thời gian ông bị điên và qua đời”.

Ngô Hoàng Quân hiểu Schumann từng câu nhạc. Thành thạo tiếng Nga, Anh, Ngô Hoàng Quân tích hợp được nhiều tri thức để có một văn hóa âm nhạc vạm vỡ. “Độ khó của concerto này không chỉ ở sự khúc khuỷu các chương, đoạn, mà ở sự phức cảm đòi hỏi nghệ sĩ từ cảm nhận tâm trí, chuyển tới những ngón tay, phải tập quá nặng”.

Đàn cello 4 dây không phím. Để chơi điêu luyện, nghệ sĩ phải mẫn cảm bấm nốt bằng ước lượng chuẩn. Chỉ chệch một tí là sai với cả dàn nhạc trong những đoạn phối hợp. Cả tháng ròng trước đêm diễn, ông tự tập. “5 ngón tay nhức đau lên tận óc” - ông nói trong khi bàn tay trái quấn băng mỗi ngón, chúng đã bị thương trước khi ông lên sân khấu bảy ngày.

2. Hình ảnh Ngô Hoàng Quân ôm cây đàn Đức 7kg trong lòng, say sưa kéo vĩ, day nốt bằng những ngón tay trái rớm máu, làm tôi ứa nước mắt. Những ngày tháng 10/2012, hầu như ngày nào 22h ông mới rời nhiệm sở. Ông đã phá y lệnh dù bị gút, tiểu đường, miệt mài tập, đòi hỏi khắc nghiệt ở mình đến mức dồn hết cho âm nhạc, ăn uống, dùng thuốc sai giờ liên tục. Đêm về lại lên tầng 5 phòng tập của Dàn nhạc Giao hưởng, tập đến 2h sáng hôm sau.

Kỹ năng, kinh nghiệm, văn hóa âm nhạc tích luỹ từ lúc 4 tuổi, bắt đầu đến với âm nhạc bởi cha, thầy đầu tiên - nhạc sĩ Hoàng Dương (người thành lập khoa Dây, Nhạc viện Hà Nội) để đến tuổi 56, Ngô Hoàng Quân mới chinh phục được một đỉnh núi âm thanh. Tập cật lực cả tháng để diễn 25 phút, lao động âm nhạc không chỉ cần đam mê... Ngô Hoàng Quân đã dành tâm huyết cho màn diễn “cực khó và tuyệt hay’’ này mang tới cho công chúng sành nhạc.

Dân nghề vẫn đánh giá Ngô Hoàng Quân - Trần Thị Mơ là cặp cello số 1 VN hiện nay. Tôi cho rằng, đẳng cấp Ngô Hoàng Quân không cần xếp số theo thời kỳ. Tên ông là một giá trị không nằm trong tính toán cơ học. Một tài năng cống hiến 30 năm vẫn ở đỉnh cao, thì đã đạt tầm ngoại hạng rồi. Tiếng đàn tuyệt vời ấy đã tham gia vào âm nhạc nhiều phim truyện nhựa của điện ảnh Việt Nam. Nhạc sĩ Phú Quang, một trong số các nhạc sĩ viết nhạc phim nhiều và hay nhất, luôn dành những đoạn solo cho Ngô Hoàng Quân, như trong bộ phim kinh điển Bao giờ cho đến tháng 10.

Tiếng đàn ấy, đã trình tấu ở Nga, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, chinh phục bạn bè quốc tế.

Tiếng đàn ấy, từ những ngón tay nửa thế kỷ sẽ kết nhấn tình dây, cho đến mùa Thu 2012, những vết chai nứt ra, tứa máu cho Đêm lộng lẫy.

Tiếng đàn ấy, từ một người có dòng máu nhà nòi, ông nội là nhà văn, dịch giả Trúc Khê (1901 - 1947) am tường Hán học, Pháp văn, tên ông được đặt cho con phố gần phố Láng Hạ, quận Đống Đa vuông góc với đường Nguyễn Chí Thanh (số 103 rẽ vào), phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Tiếng đàn của một tài năng được hưởng di truyền văn hóa và làm sáng rạng cho dòng họ, dòng nhạc của mình. Tiếng đàn ấy không chỉ là biểu thanh mỹ cảm, mà người chơi đàn Ngô Hoàng Quân là hiện thân vẻ đẹp âm nhạc tinh tế và thăng hoa. Sau đêm diễn ông sẽ tập trung biên tập, làm giám đốc âm nhạc đêm nghệ thuật Bay cùng ViLi sẽ diễn tối 1/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Lần đầu tiên, NSƯT Ngô Hoàng Quân sẽ đệm cho một nhà thơ trình diễn tác phẩm văn xuôi.

Khánh Vi


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm