David Beckham: Good bye L.A Galaxy, tiễn biệt kỷ nguyên vàng

09/12/2012 13:38 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - 5 năm sau khi đặt chân tới Los Angeles cùng tuyên bố : “Tôi đến để thay đổi quan niệm của dân Mỹ về bóng đá !”, huyền thoại đương thời của bóng đá Anh, người từng khiến trục quay bóng đá thế giới chao đảo với những quả tạt bóng hình cầu vồng, đã quyết định chấm dứt mối tình với LA Galaxy ngay trước khi cùng đồng đội giành chiến thắng 3-1 trước đội Houston Dynamo tại sân nhà Home Depot Center .




Tiệc chia tay đáng nhớ

Trên sân Home Depot Center, thành phố Los Angeles hôm đó, cùng với ba con trai : Brooklyn (13 tuổi), Romeo (10 tuổi) và Cruz (7 tuổi), anh gửi lời chào tạm biệt tới người hâm mộ ở các góc khán đài trước khi trận đấu bắt đầu. Cô vợ Victoria Beckham cũng có mặt trên khu VIP cùng con gái Harper 1 tuổi.

Dù tất cả đã được thông báo trước về ngày ra đi của Becks nhưng ở trận đấu cuối cùng này, anh vẫn phải ngồi dự bị ngay từ đầu trận đến phút thứ… 89. Houston là đội bóng đã giành được lợi thế khi trước khi dẫn 1-0 ở hiệp một trước khi Omar Gonzalez, Landon Donovan và Robbie Keane ghi bàn giúp đội nhà lội ngược dòng ngoạn mục và đăng quang luôn chức vô địch nhà nghề Mỹ.

Beckham cũng đã bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc từ một cú sút xa đẹp mắt. Bóng đi chệch hướng đến chân Keane trước khi cầu thủ này đưa bóng vào lưới trong một tình huống bị bắt việt vị. Không như hình ảnh của năm trước với chấn thương gân kheo dai dẳng đeo bám, Becks năm nay dù đã 37 tuổi nhưng vẫn cho thấy sự nhiệt huyết, căng tràn với đầy đủ kỹ thuật, tố chất của một cầu thủ ngôi sao mỗi khi có bóng.

Tôi đến Los Angeles là để thay đổi quan điểm và nhận thức của dân Mỹ về bóng đá- David Beckham tuyên bố khi đặt chân tới L.A Galaxy năm 2007

Chiến thắng này vừa giúp cho LA Galaxy có cơ hội ăn mừng ngôi vô địch ngay trên sân nhà, vừa là lời cảm tạ cuối cùng của Beckham dành cho đội bóng và người hâm mộ trong 5 năm gắn bó với đất Mỹ. Trước khi lễ ăn mừng diễn ra, Becks nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi rất buồn khi phải chia tay các bạn. Hôm nay là một ngày đặc biệt với tất cả chúng ta khi được giương cao cúp ngay tại sân nhà trước hàng vạn khán giả thân yêu. Đây thực sự là ngôi nhà thân yêu của tôi và sẽ mãi như vậy. Tôi chưa biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Chỉ biết rằng tôi hạnh phúc vì là một phần của câu lạc bộ này những năm qua và đã có được thành công. Có thể tôi sẽ không chơi bóng ở Mỹ nữa nhưng tôi vẫn sẽ giúp cho bóng đá Mỹ và giải đấu này phát triển hơn”.

Ở Los Angeles, Beckham được đối xử chẳng khác gì một ngôi sao Hollywood. Trước khi trận đấu diễn ra, rất nhiều cổ động viên đã giăng những biểu ngữ về anh ở ngoài cổng sân vận động. “Becks, đội trưởng tuyệt vời của chúng tôi”, “Cảm ơn vì những kỷ niệm, Becks”… Những chiếc áo đấu in tên Beckham cùng dòng chữ: “Hãy mang tôi đi cùng anh” trở thành món hàng nóng ở các cửa hàng đồ thể thao mấy ngày qua. Những trùm hoa giấy và sâm-panh nổ vang ở Home Depot Center.

Becks đã  thay đổi bóng đá Mỹ




Khi Beckham đặt chân đến Los Angeles năm 2007, nhiều người cho rằng anh đến đây chỉ vì tiền và hòng vớt vát lại chút danh tiếng đã hao mòn trong những ngày tháng bị bỏ rơi tại Real Madrid. Becks phản ứng lại bằng tuyên bố: “Tôi đến LA là để thay đổi quan điểm và nhận thức của dân Mỹ về bóng đá, môn thể thao vua nhưng không được yêu mến tại đây”. 5 năm sau, ở thời điểm này, khi giải đấu đã tăng số lượng câu lạc bộ tham gia từ 12 lên đến 19 đội cùng doanh thu bán hàng tăng chóng mặt đến 231%, những người không ủng hộ Becks buộc phải chuyển sang dạng câu nghi vấn: Becks đã thực sự thay đổi bóng đá Mỹ?

Beckham thậm chí còn làm được nhiều hơn cả vậy. Từ những tràng la ó, miệt thị của cổ động viên Galaxy trong khoảng thời gian anh mới đến đây cùng chấn thương kinh khủng và sau khi trở lại từ bản hợp đồng cho mượn tại AC Milan, Becks đã biến chúng trở thành những nụ cười, những giọt nước mắt, những cái ôm thân thiện ngày anh ra đi. Thực sự trong kỷ nguyên Beckham, giải đấu đã phát triển rất nhịp nhàng và đều đặn. Phó chủ tịch truyền thông của giải MLS, ông Dan Courtemanche, thừa nhận: “David đã làm được điều phi thường hơn bất kỳ cầu thủ nào tôi từng được biết ở Bắc Mỹ. Với tầm ảnh hưởng mang tính toàn cầu, anh ấy đã khiến cả thế giới biết đến Galaxy và MLS”.

Số lượng khán giả đến sân theo dõi trực tiếp các trận đấu trong khuôn khổ giải tăng dần dần theo từng năm. Trong khi vào năm 2006, chỉ có trung bình 15.504 khán giả Mỹ đến sân xem bóng đá thì đến năm 2011, đã có tới 17.872 người. Và mùa giải 2012, MLS đạt mức kỷ lục với 18.807 khán giả trung bình. Không chỉ có thêm bảy đội bóng mới là San Jose (2008), Seattle (2009), Philadelphia (2010), Vancouver, Portland (2011) và Montreal (2012) tham dự giải, mà các sân vận động trên khắp nước Mỹ cũng được đưa vào hoạt động. Đó là các sân ở Houston, Kansas, Philadenphia, New Jersey, vốn bị “bỏ rơi” nhiều năm, cũng được tu sửa và hoàn thành. Và cũng nhờ có Becks, khán giả Mỹ mới lại được chiêm ngưỡng những pha bóng của các ngôi sao sân cỏ khác như Thierry Henry, Rafa Marquez, Robbie Keane và Tim Cahill.


Don Garber, giám đốc giải đấu, cho rằng Becks đã làm tất cả mọi thứ mà MLS cần ở anh để khiến bóng đá Mỹ trong gần sáu năm qua đạt đến một tầm cao mới, đặc biệt là đội Galaxy với hai chức vô địch. “Tôi có thể tin chắc rằng không một cổ động viên bóng đá nào trên hành tinh này không biết đến sự tồn tại của Galaxy và MLS. David đã đóng một vai trò quá quan trọng trong sự phát triển của bóng đá Mỹ nói chung và giải đấu này nói riêng. Cậu ấy thực sự là một đại sứ tuyệt vời của tất cả chúng tôi”.

Mặc dù đã chính thức nói lời tạm biệt LA Galaxy song những động thái và phát biểu của Becks thời gian gần đây cho thấy anh vẫn muốn tiếp tục gắn bó với bóng đá Mỹ. Bản thân cựu đội trưởng đội tuyển Anh này cũng đã đánh tiếng với báo chí rằng anh đang gần đạt đến mục tiêu mua lại cả một câu lạc bộ tại MLS. “Như tôi vẫn luôn nói, tôi đến nước Mỹ là để thay đổi nền bóng đá ở đây. Chính vì thế tôi sẽ tiếp tục ở lại. Mục tiêu của tôi sắp được hoàn thành. Bây giờ tôi không thể tiết lộ rõ ràng hơn cho các vị. Nhưng tôi đang đến rất gần với nó rồi”, Becks bộc bạch.

Vậy là thêm một lần nữa, Becks lại dứt áo ra đi khỏi một câu lạc bộ mà anh gắn bó. Ở nơi đâu anh cũng khiến cho người ta phải nhớ về mình bằng một chức vô địch (Becks chia tay Manchester United và Real Madrid cũng cùng với một danh hiệu). Có thể Becks sẽ không đá bóng nữa và lui về hậu trường trong vai trò một ông chủ, một nhà quản lý, hoặc bất kể một cương vị nào đó. Song những cảm xúc mãnh liệt nhất mà anh dành cho người hâm mộ vẫn là chàng David Beckham trong nghiệp quần đùi áo số, hình ảnh đã trở thành huyền thoại bất tử trong lòng thế giới bóng đá và vượt xa khỏi tính chuyên môn trong thi đấu.

Yến Nhi

Thể thao &Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm