Đằng sau những cuộc trở về

04/10/2012 15:55 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH Cuối tuần) - Quyết định của Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho phép hai ca sĩ Khánh Ly và Bằng Kiều về nước biểu diễn, đặc biệt với trường hợp Khánh Ly, đang gây ồn ào dư luận, trong đó phần nhiều ủng hộ quan điểm cởi mở của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước đó, Khánh Ly vẫn được xem là một ca sĩ “bên kia” có nhiều phát ngôn và hành động đi ngược lại với tinh thần hòa hợp dân tộc, thậm chí là phản động (Khánh Ly, kẻ cơ hội điển hình- báo Pháp luật ngày 30/9/2008). “Bằng quyết định này, chúng tôi muốn thể hiện chính sách cởi mở của Nhà nước, tạo điều kiện cho những nghệ sĩ nay muốn hướng về Tổ quốc, có thể trở về biểu diễn cho đồng bào mình, ngay trên quê hương mình”- ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL nói về quyết định này. Tinh thần cởi mở và hòa giải thể hiện trong phát biểu của ông Thứ trưởng cũng như trong quyết định của Bộ VH, TT & DL không chỉ khiến nhiều nghệ sĩ trong giới nhạc vui mừng mà cả giới xuất bản cũng tràn đầy hy vọng, khi mà thực tế cho thấy, có một số tác giả và rất nhiều tác phẩm văn học trước 1975 đang được đông đảo độc giả chờ mong tái bản.

Trả lại những giá trị thực

Không gây ồn ào như trường hợp Khánh Ly, tập Quê hương tôi (NXB Thời Đại, 2012) của Tràng Thiên mới đây đã được tái bản. Tập sách gồm 48 bài tùy bút về văn hóa, con người và vùng miền Việt Nam, đặc sắc không thua Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam hay Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng (*). Tràng Thiên là bút danh dùng trên tạp chí Bách khoa trước 1975 của Võ Phiến , một trong những nhà văn hàng đầu của văn học miền Nam trước 1975, nhiều năm trước bị xếp vào nhóm “nhà văn chống Cộng” mặc dù các tác phẩm sáng giá của ông không thể hiện điều này.

Bìa tập sách vừa được in lại của Võ Phiến, dưới bút danh Tràng Thiên

Nhưng thực sự, đây không phải là lần đầu tên tuổi của Võ Phiến được giới thiệu lại. Không kể những luận văn và chuyên khảo ở các trường đại học, đã có những đánh giá khách quan về Võ Phiến. Trong cuốn Tản văn Việt Nam hiện đại (TS Lê Trà My tuyển chọn, NXB Hải Phòng, 2011) đã có đến 6 bài của Võ Phiến, 4 bài Mai Thảo, 3 bài Tạ Tỵ, 3 bài Thanh Tâm Tuyền, 1 bài Nguyễn Xuân Hoàng..., tập sách mà, theo đánh giá của GS-TS Trần Đình Sử (ĐH Sư phạm Hà Nội) “cho ta thấy diện mạo tản văn Việt Nam của hơn một thế kỉ”. GS-TS cũng nêu ý kiến : “Đất nước đã thống nhất ba mươi lăm năm rồi. Chúng tôi muốn có một diện mạo tương đối đầy đủ nên đã tuyển cả tản văn của một số tác giả trong vùng đô thị miền Nam trước giải phóng năm 1975. Hầu hết các tác giả ấy đã được giới thiệu trong cuốn từ điển Các tác giả văn chương Việt Nam gồm hai tập do Trần Mạnh Thường biên soạn, xuất bản tại nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, năm 2008”.

"Thì tổ quốc chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu
Chúng ta không chung một đoạn đường nhưng chung một tương lai"

                                     Thơ Chế Lan Viên

Ông Nguyễn Minh Nhựt (giám đốc NXB Trẻ) cho hay việc tái bản các sách xưa, sách cũ là hoạt động khá bình thường của lĩnh vực này. “Mọi tác phẩm đã xuất bản trước đây đều có thể được tái bản hoặc in lại, nếu chúng có giá trị thực sự. Vấn đề là chúng ta cần làm đúng quy trình biên tập và đúng quy định pháp luật”. Theo nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương, từ 1975 đến nay đã có khoảng 150 nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình, dịch giả hoạt động ở các đô thị miền Nam thời chiến tranh, chủ yếu là Sài Gòn, có sách được tái bản trong nước, trong đó có những tác giả còn sống, có người đã mất và một số ít hiện định cư ở nước ngoài. “Như vậy là, mặc dù hoàn cảnh ra đời rất phức tạp của nó, lại phải chịu nhiều nghi kỵ và ngộ nhận, một phần di sản văn hóa giai đoạn đó vẫn tiếp tục tham dự và đóng góp vào đời sống tinh thần hiện nay của đất nước”, ông Phương viết trên báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần số tháng 4/2012.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn (giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM) cho biết: “Tôi có một niềm tin giản dị: vàng thật thì không sợ lửa. Những giá trị nghệ thuật đích thực thì luôn tích hợp đủ nội lực để chống lại sự quên lãng, trụ vững với gió mưa năm tháng, bất chấp cả những bão táp ghẻ lạnh, định kiến, đố kị, vùi dập... Trong lĩnh vực xuất bản, tôi thấy nhiều tác phẩm văn học trước 1975 ở miền Nam từ lâu đã có cơ hội tái ngộ bạn đọc. Rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhất là viết cho tuổi mới lớn của những cây bút tiêu biểu trước đây như Minh Quân, Võ Hồng, Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện, Nguyễn Thái Hải, Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường... đã và vẫn được các NXB in lại. Không có sự cấm kị nào. Vấn đề là người làm sách phải biết cách gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng trên tinh thần tôn trọng quyền lựa chọn của độc giả. Ai cũng biết, không phải mọi cái cũ đều hay ho...”.

Khánh Ly được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam trong năm 2012

Nỗi sợ mơ hồ?

Nói thì tương đối dễ, thuận như vậy, song thực ra vẫn tồn tại một “nỗi sợ mơ hồ” từ phía những người làm xuất bản khi đụng tới các tác phẩm của những tác giả mà do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có những khoảng “không rõ ràng”. Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho biết lâu nay vẫn có một quy chế theo đó các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác và công bố ở Việt Nam trước 1945 và ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1954-1975, nếu muốn tái bản (và dàn dựng, biểu diễn…), cần thông qua sự xem xét của một hội đồng. Có lẽ theo quy chế này mà đã có danh mục những bài hát được phép dàn dựng, biểu diễn của Trịnh Công Sơn, của Phạm Duy… Đối với tác phẩm văn học, quy chế này đang ngày càng trở nên một rào cản khó vượt qua, là vì doanh thu từ sách vốn ít ỏi, lại bị các hoạt động trộm cắp (in nhái, in nối bản…) chi phối mà không bị ngăn chặn, nên việc lập hội đồng để tái bản một cuốn sách trở thành một việc nhiêu khê, quá tốn kém mà các bên liên kết và nhà xuất bản thường thấy không trang trải nổi.

“Thời gian lịch sử từ sau 1975 đến nay đã là ngót 40 năm. Không chỉ các tác phẩm văn học nghệ thuật trước tháng 9/1945 mà ngay cả các tác phẩm văn học nghệ thuật trước tháng 4/1975 trên thực tế đã trở thành những di sản. Theo tôi, giới quản lý văn hóa nghệ thuật cần có sự thay đổi cách nhìn và cách ứng xử đối với những nguồn di sản này. Do vậy, cần coi việc tiếp cận nguồn di sản này - bằng khảo sát nghiên cứu, bằng sưu tầm xuất bản… - là những việc cần được khuyến khích thay vì cấm đoán, khoanh vùng. Nên thấy trước rằng những cấm đoán, gây khó khăn cho việc tiếp cận… sẽ là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta mất đi mãi mãi những tác phẩm đã thiếu vắng trong đời sống của con người hiện tại gần nửa thế kỷ nay”, Lại Nguyên Ân khẳng định.

Do sơ suất kỹ thuật, bài "Đằng sau những cuộc trở về" đăng trên Thể thao & Văn hóa Cuối tuần số 40 đã in không chính xác tên tác phẩm của Thạch Lam và Vũ Bằng. Xin chân thành cáo lỗi cùng tác giả và bạn đọc.

Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội văn học Hà Nội, thì  thì nhận xét: “Tác phẩm của Võ Phiến được in lại là một tin vui cho tác giả, cho độc giả, là một ích lợi cho văn hóa, văn học nước nhà. Rồi đây những cái có ích như vậy, những cái thực sự là giá trị văn chương, học thuật của cả một đội ngũ những người cầm bút, rộng ra là những người sáng tạo văn học nghệ thuật, của một nửa nước phía Nam thời 1954-1975 chắc sẽ được xuất hiện trở lại nhiều hơn. Văn học còn dè dặt, nhưng âm nhạc thì đã tưng bừng hơn, với sự trở về nước của những giọng ca từng nổi tiếng, quen thuộc, như Chế Linh mới đây, và có thể cả Khánh Ly tới đây. Như Chế Lan Viên từng viết: “Thì tổ quốc chật hẹp gì cho trăm con cùng nương náu/ Chúng ta không chung một đoạn đường nhưng chung một tương lai”.

Hiền Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm