Classical crossover - Khi cổ điển thành thời thượng

20/11/2012 06:27 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 13 năm (23/11/1999), khi nhóm rock Metallica quyết định tung ra album chơi cùng với Dàn nhạc Giao hưởng San Francisco với cái tên S&M (còn là gì nếu không phải là Symphony & Metallica?) thì nhiều người rất ngạc nhiên khi một nhóm đang rock toàn tòng như vậy, đang sung mãn như vậy bỗng dưng lấn sân sang cổ điển. Nhưng Metallica không phải là duy nhất, chuyện này đã xảy ra từ lâu lắm và còn lâu lắm nữa mới kết thúc.

Giao thoa

Cũng cần phải nói cho rõ, có hai xu hướng: xu hướng một là “bỏ của chạy lấy người”, từ pop, rock, country… chuyển sang classical crossover (bán cổ điển) như thể tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình, như thể từ đó đến giờ chỉ toàn là hát nháp; hai là nhảy sang classical crossover cho có “hương hoa”, như thể thử nghiệm thích thì theo tiếp, không thì thôi. Và ở cả hai dạng này, có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi theo đuổi.

S&M là một album được phối theo kiểu cổ điển, gồm cả dàn nhạc thính phòng cùng nhạc trưởng Michael Kamen cầm đũa chỉ huy. Nhưng đó không phải là dự án dài hơi của nhóm metal huyền thoại này mà chỉ là cơn hứng bất thường của tay bass Cliff Burton, người vốn mê Johann Sebastian Bach như điếu đổ (những tay chơi nhạc sừng sỏ luôn ghi nhận Bach là cha đẻ của… jazz và rock tuy nhiên điều này chưa được kiểm chứng rõ ràng). Nhưng cơn hứng bất thường của Burton lại là một điều rất thường của rock. Chỉ tính trong vòng 40 năm đã có hàng trăm nhóm metal ra album mang tinh thần giao hưởng, đó chỉ mới tính ở địa hạt metal và còn chưa tính trong mỗi nhóm ấy trung bình có khoảng 2 album metal giao hưởng (ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất nhóm UnlimiteD).

Cổ điển là niềm cảm hứng cho rock, nhóm nhạc huyền thoại Deep Purple từng cho ra một đĩa nhạc có tên Concerto for Group and Orchestra chơi cùng Dàn nhạc Giao hưởng Hoàng gia Anh (nhạc trưởng Malcolm Arnold chỉ huy) vào năm 1969 và đĩa nhạc đó đến giờ vẫn là của hiếm đối với dân sưu tầm.

Sự trộn lẫn giữa rock và cổ điển tạo nên một cảm giác rất khác khi được chen ngang bằng những câu riff của guitar điện, đẩy phách cùng trống đạp liên ba trong tiếng kéo vĩ cầm điên đảo. Yngwie Malmsteen, tay guitar cự phách của rock, cũng từng làm điên đảo biết bao người khi năm 1998 tung ra album Concerto Suite for Electric Guitar and Orchestra, một bản concerto vừa nghiêm ngặt vừa tràn đầy ngẫu hứng. Nghe xong người ta không phân định được trái tim nên dành cho Malmsteen hay nhạc trưởng Yoel Levi hay là phần trình bày quá đỗi điêu luyện của Dàn nhạc Giao hưởng Czech. Malmsteen bảo rằng điều cốt lõi ông muốn nhấn mạnh là rock, mà biểu tượng là cây guitar điện, hoàn toàn có thể trở thành một nhạc cụ của giao hưởng.

Chính từ nền cổ điển rộng lớn và bao la mới tạo nên những cánh đồng âm nhạc hiện đại màu mỡ và đa dạng. Ngoài rock, có thể tìm thấy ở pop nhiều giọng ca đi lên từ pop và thành danh cuối cùng ở classical crossover (bán cổ điển), thậm chí có người được xếp vào cổ điển (classical).

Người ta có thể nghĩ ngay đến Sting. Thành danh từ nhóm rock (The Police) sau đó ra riêng và trở thành nghệ sĩ jazz và giờ Sting lại hướng đến bán cổ điển mà rõ nét nhất là 2 album được đánh giá rất cao là If on a Winter’s Night (2009) và Symphonicities (2010). Điểm mấu chốt của vấn đề này mà Sting thừa nhận là càng già đi ông càng cảm thấy chất nhạc cổ điển, hoặc không khí của giao hưởng, tác động rất rõ quan niệm âm nhạc của ông. Chất cổ điển Sting chơi rất dày và sâu, nó được cuốn trong phong vị của jazz và một rock trộn lẫn nhưng không gian lại rất rộng.

Năm 2011 cũng chứng kiến một nữ ca sĩ Tori Amos vốn dịu dàng, đắm thắm, đôi lúc cũng rock cá tính ồn ào bỗng một ngày đẹp trời cho ra mắt album Night of Hunters đầy hương vị cổ điển và album này được đúng hãng đĩa chuyên sản xuất nhạc cổ điển danh tiếng bậc nhất của Đức, Deutsche Grammophon, phát hành. Amos nói rằng album này được lấy từ tinh thần cổ điển trải dài 400 năm và các ca khúc là phần biến thể từ âm nhạc của Bach, Chopin, Debussy, Granados, Satie và Schubert, vừa mang tính ngẫu hứng lại vừa tri ân. Tất cả các tạp chí âm nhạc uy tín đều bình chọn đây là album đáng nghe nhất trong sự nghiệp của Tori Amos, hoặc ít nhất nó cũng là album đáng nghe nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Nhưng năm 2011 Tori không phải là người duy nhất lấn sân cổ điển, mà có cả Paul McCartney, tay bass huyền thoại của nhóm The Beatles. Tháng 10/2011 ông ra mắt album Ocean’s Kingdom, một tác phẩm cổ điển dựa trên vở ballet cùng tên của Nhà hát Ballet New York (Mỹ). Đáng chú ý đây là tác phẩm cổ điển thứ 6 của Paul trong sự nghiệp và tác phẩm nào của ông cũng được đánh giá rất cao.

Xu hướng

Có nên gọi là xu hướng hay không khi thật ra những mầm mống cổ điển, những ngọn gió mới xuất hiện, những cuộc đào tẩu vẫn thường xảy ra nhưng không đều. Tuy nhiên, xu hướng chuyển sang bán cổ điển của những nghệ sĩ pop, rock hay country đang ngày một nhiều lên.

Sự nhiều lên ấy bắt nguồn từ thành công vang dội của những nghệ sĩ bán cổ điển đích thực (semi-classical). Đại diện rõ nhất cho dòng này là Sarah Brightman, Andrea Bocelli (ca sĩ có đĩa bán chạy nhất trong lịch sử của âm nhạc cổ điển, đôi khi ông được xem là vua của crossover), Sissel, Josh Groban, Katherine Jenkins, Hayley Westenra, Russell Watson hay Charlotte Church (riêng Church sau này lại tẩu sang pop pha dance và cũng có chút ít thành công nhưng bây giờ thì cô đã biến mất). Bán cổ điển là một cuộc chơi nhiều mất mát, không phải ai cũng “lấn” được và không thể nói cứ một ca khúc mà đi với dàn dây với tiếng dương cầm là sẽ trở thành bán cổ điển. Bởi ở đó còn liên quan đến cả giọng hát và cả các ca khúc trình bày.

Cổ điển đến với pop từ rất lâu, từ các vở nhạc kịch của Broadway, khái niệm “giao thoa” đã từng được ba cây đại thụ Pavarotti, Carreras và Domingo chứng minh rõ trong vở opera Neapolitan folksong khi vở này được chiếu trên truyền hình và lượng người xem phổ thông đông đảo, đó là một trong những nên móng để cổ điển được thương mại hóa và dễ nghe hơn đối với phần đông công chúng.

Chính các nghệ sĩ pop, rock đã đặt nền móng cho bán cổ điển phát triển. Có thể kể ra vài cái tên như album Days of Future Passed của nhóm The Moody Blues (phát hành 1967), Rick Wakeman với Journey To The Centre of the Earth (1974) và The Myths And Legends of King Arthur and the Knights of the Round Table (1975), Sting kết hợp cùng Edin Karamazovtrong Songs From The Labyrinth hay sự kết hợp tuyệt vời giữa huyền thoại Freddie Mercury cùng giọng opera trứ danh Montserrat Caballé trong bài hit toàn cầu, Barcelona.

Nền cổ điển rộng lớn và bao la mới tạo nên những cánh đồng âm nhạc hiện đại màu mỡ và đa dạng

Những sự thành công đó đã kéo theo nhiều người muốn ngả sang cổ điển. Rhydian nổi lên từ chương trình X Factor năm 2007 với vai trò là ca sĩ pop đầy tiềm năng nhưng giờ đây anh lại rất nổi với dòng bán cổ điển. Vanessa Mae trước khi trở thành tay vĩ cầm chơi bán cổ điển danh tiếng, vẫn kéo những bản pop ngọt ngào. Chính mẹ cô, nghệ sĩ dương cầm cổ điển Pamela Nicholson (người từng sang biểu diễn tại chương trình Toyota Classic 2011 ở TP.HCM), đã hướng cô sang cổ điển và thành công rực rỡ.

Tarja Turunen, một trong những giọng ca bão tố của nhóm Nightwish thành công nhờ biết kết hợp thêm cổ điển vào âm nhạc của mình. Romina Arena được coi là một trong các ca sĩ pop có triển vọng nhưng giờ đây cô được xem là giọng ca bán cổ điển tài năng nhất thế giới, nhiều người gọi cô là Nữ hoàng popera. Arena thể hiện một chiều sâu cảm xúc mang màu pop nhưng được dệt trong tấm thảm cổ điển và đặc biệt cô có thể hát 10 thứ tiếng.

Có thể kể thêm những Susan Boyle, Jackie Evancho bắt đầu le lói trong những chương trình tìm kiếm tài năng Got Talent của Mỹ và Anh. Đó đang là những xu hướng mới mà các nhà sản xuất âm nhạc rất quan tâm. Và bởi một khi công chúng đã thích thì bán cổ điển sẽ lại càng phát triển và ngự trị lâu dài.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm