Chuột Mickey chuyển màu da?

24/08/2010 07:04 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Phim hoạt hình không phải là thứ hàng dành riêng cho con nít nữa, kể từ khi hãng phim Walt Disney làm ra những phim dài như phim truyện bình thường. Mới ngày nào hồi 1937 hãng này liều thử nghiệm Bạch Tuyết bảy chú lùn dài 83 phút, thấm thoắt đã hàng trăm phim dài ra đời, giúp cho thế giới Disney trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống tinh thần của trẻ em toàn cầu. Ít ai biết rằng đằng sau thành công ấy là áp lực cải cách liên tục trong hậu trường và một động lực không nhỏ là phản ứng từ cộng đồng da màu - cả trước khi Obama lên ngôi.

Sáng lập viên đáng ngờ


Nàng hầu Maddy đã có tên mới: Tiana, tất cả chỉ để làm vừa lòng công chúng Mỹ

“Thật ra ông ấy không biết cầm bút vẽ ra sao, lại còn mù nhạc, chưa kể là chẳng hiểu chút gì về văn học hay các nghệ thuật khác”, Arthur Babbit, một trong những họa sĩ ruột của xưởng phim Disney hồi những năm 1920-1930 có vẻ như không phục ông chủ của mình lắm nhưng may vẫn còn vớt vát được một chút, “tuy nhiên, ông ấy có năng khiếu điều hành tuyệt vời“. Còn đồng nghiệp Ub Iwerks thì cho đến lúc chết cũng không nguôi hận rằng sếp Walt Disney nhờ một phát minh của nhân viên Ub Iwerks mà đã kiếm được cả núi tiền: hình ảnh chuột Mickey.


Cứ để cho họ hậm hực. Với năng khiếu điều hành của mình, với tài tập hợp các nhân viên năng lực nhất và thúc đẩy họ đưa lại các thành tích đỉnh cao, cộng với nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp giải trí “sạch sẽ đến vô trùng“ mà Walter Elias Disney đã kiến tạo ra doanh nghiệp giải trí lớn nhất mọi thời. Ông đẻ ra một loạt nhân vật kỳ dị mà hấp dẫn như Goofy và Donald, Tick, Trick Trac, xây dựng hình tượng Chó sói, Ba chú lợn... Với Nàng Bạch Tuyết, Vua sư tử, Peter Pan hay Fantasia ông đã cùng viết lịch sử nghệ thuật thứ bảy. Khi qua đời năm 1966 Disney để lại một gia tài không ít hơn 31 giải Oscar.

Tờ Newsweek gọi ông là “nhà sản xuất và cung cấp thần thoại lớn nhất mọi thời đại“. Ai tặng thế gian nhiều niềm vui như vậy, ắt là một con người tuyệt vời. Thật chứ? Khi sinh ra và lớn lên trong thế giới màu hồng của Disney, người ta sẽ ít để ý rằng nhân vật kỳ vĩ ấy thật ra là một tên tư bản độc tài đặc thù, kẻ bóc lột nhân viên đến tận xương tủy, vu vạ công nhân của mình tham gia đình công là “cộng sản“ và trong xưởng ông ta chỉ có một người da đen duy nhất: người đánh giày.

Phải chăng đó là lý do để nếu ai nhỏ nhặt (hoặc tinh ý?) sẽ tìm thấy trong phim của Disney luôn có vết nhọ?

Liên tục sự cố


Poster phim hoạt hình The Princess and the Frog (Công chúa và Cóc)

2005, ông chủ lớn Michael Eisner rơi lệ từ biệt đại hội cổ đông và không đoán được rằng chỉ vài hôm sau đã có sự thay đổi lớn dưới trướng người kế nhiệm Dick Cook: kể từ nay Disney sẽ không tham gia làm bất cứ phim nào có cảnh hút thuốc, và hãng sẽ lại quay về với các đề tài kinh điển nhằm lôi người xem vào rạp. Bất ngờ thứ ba không phải đợi lâu: nhân vật chính Maddy của phim hoạt hình thứ 49, Công chúa Cóc, sẽ là nhân vật hoạt hình da đen đầu tiên trong lịch sử ngành giải trí của Disney.


Các quyết định táo bạo này thoắt gây ra một cơn địa chấn không nhỏ trong cộng đồng mạng của người da màu Mỹ. Không ai ưa cái kiểu nỗ lực “bình đẳng sắc tộc” của Disney, khi một câu chuyện về người da đen lại do người da trắng viết kịch bản. Đã thế, nhân vật Maddy chỉ là một nàng hầu, phục vụ một đứa trẻ da trắng hư hỗn! Nào đã hết, Maddy là một tên đặc trưng cho giới nô lệ ngày xưa, và cuối phim cô được một kỵ sĩ (da trắng!) cứu khỏi tay tên thầy mo độc ác (da đen). Người ta có thể cười vỡ bụng về một đống lỗi lầm nối nhau trong vài trang kịch bản, nhưng với cặp đạo diễn (da trắng!) Ron Clements và John Musker thì cú sảy chân tưởng như đùa ấy gần giống lá đơn xin thôi việc.

Disney choáng váng và lẳng lặng đổi một loạt chi tiết trong phim. Đúng ra thì trong lịch sử công ty, các vấp váp như vậy không phải là của hiếm. Trong Song of the South người ta nghe một loạt lời thoại có tính kỳ thị chủng tộc. Diễn viên da đen James Baskett sắm vai nô lệ Remus ngốc nghếch như một nhân vật đả kích, đến nỗi Disney quyết định không in phim này ra đĩa DVD nữa, cho dù nhiều fan viết thư đòi.

Đụng đâu bỏng tay đấy

Mấy thập kỷ liền, dù vô tình hay cố ý, Disney không dựng lên nhân vật da màu nào cả. Thậm chí cậu bé Mowgli và bạn gái trong Sách rừng xanh (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên nổi tiếng của Rudyard Kipling) cũng có màu da “hơi bị chuẩn”, nghĩa là khá trắng, khác hẳn trong sách. Mãi đến thập kỷ 1990 hãng phim mới lò dò tiến vào địa hạt đa văn hóa. Song lập tức có vấn đề ngay: Jasmin, bạn gái Aladdin tuy là một công chúa Ả Rập song vẫn không làm thế giới Hồi giáo vừa lòng. Họ phản đối rầm rầm khi phe Ả Rập được vẽ ra trong phim như những xứ sở mọi rợ, nơi bạo lực xảy ra như cơm bữa. Ngay bài hát mở đầu phim đã có câu: “Ta đến từ một đất nước mà mi có thể bị cắt tai nếu người ta không ưa bộ mặt mi. Nghe có vẻ man rợ, nhưng, biết làm sao, đó là quê hương ta!”, trước khi ra rạp khoảng hai tuần, Disney tức tốc thay đổi ca từ.

Một ngày đẹp trời, bộ phim diễm tình về cô con gái xinh đẹp Pocahontas của một tù trưởng da đỏ ra đời. Bộ máy quảng cáo hùng hậu của Disney tung tin là khuôn mặt Pocahontas được họa sĩ lấy cảm hứng từ thổ dân xa xưa của châu Mỹ, từ ngày Colombus chưa tình cờ lạc lối tới xứ này. Nhưng người da đỏ lại ngán ngẩm khi chỉ thấy các nét của siêu mẫu Naomi Campbell, cho dù cô người đẹp này cũng da đen! Atlantis: The Lost Empire cũng kém may mắn khi đưa một người gốc Phi vào, vì người này đóng một vai phụ mờ nhạt, chẳng được mấy ai để ý. Phim Mulan (Hoa Mộc Lan) về một cô gái gốc châu Á cùng tên thì có vẻ suôn sẻ hơn.

Quay về với chàng Cóc

Chẳng ai hiểu tại sao cái tên ngắn gọn ban đầu The Frog Princess (Công chúa Cóc) lại bị đổi thành The Princess and the Frog (Công chúa và Cóc). Cũng không quan trọng. Nhưng sau khi một loạt blogger Mỹ vận động tẩy chay phim thì ít nhất nàng ô-sin Maddy cũng được nhận cái tên dễ thương hơn: Tiana. Và từ người hầu trở thành công chúa! Trong cuộc họp báo ra mắt, bà Heidi Trotta, phát ngôn viên của trường quay khổng lồ, trách báo chí đã đưa những suy luận tiêu cực không đáng có trước thềm sự kiện, từ khi “truyện cổ tích Mỹ“ vĩ đại ấy chưa xong kịch bản. “Walt Disney Company đã cố gắng xây dựng các nhân vật và tính cách trong tác phẩm này với sự tôn trọng và tế nhị nhất như có thể“.

Đạo diễn hoạt hình Don Bluth (The Land Before Time, Anastasia) không tin vào định hướng mới mẻ này của “nhà sản xuất thần thoại”. Theo ông, “Disney quan tâm nhất là làm ra tiền. Nói đúng hơn là lòng tham của họ lớn hơn tình yêu nghệ thuật. Tôi e rằng Công chúa Cóc cũng không phải ngoại lệ”.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm