"Chị Đẹp" Lê Phương Thảo: Đàn ông và đàn bà như sóng và nước

08/12/2012 14:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - 9h ngày 8/12, tại Nhà sách Phương Nam (tòa nhà Vincom Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) diễn ra buổi giao lưu Chat không màn hình với Chị Đẹp và ra mắt tác phẩm Sóng đưa nước của tác giả Chị Đẹp.

Sóng đưa nước (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book ấn hành) được cùng lúc ba nhà văn, nhà thơ Lê Minh Quốc, Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân tham gia chăm sóc bản thảo. Người có bút danh Chị Đẹp ấy ngoài đời có tên rất nữ tính: Lê Phương Thảo - một blogger nổi tiếng lâu nay. Nhiều nguời thắc mắc: tại sao Lê Phương Thảo ký tên Chị Đẹp và cuộc giao lưu lại là Chat không màn hình…?

Không muốn nhập nhằng tác phẩm và tác giả

* Nick name trên blog của một số nguời khi in sách cũng dùng lại, như: Keng, Gào… Chị lấy bút danh Chị Đẹp khi in cuốn "Sóng đưa nước", xin hỏi chị đẹp đến mức nào mà tự tin ký tên như vậy? Nếu được xin chị so sánh nhan sắc của mình với một vài chân dài nổi tiếng hiện nay để bạn đọc dễ hình dung diện mạo?

- Thật ra nick blog của tôi không phải là Chị Đẹp mà là một cái tên khác. Chị Đẹp có thể xem như một tên “lóng” bạn bè trên blog thường thân mật gọi tôi. Họ gọi tôi là Chị Đẹp và tôi rất thích cái tên này, nó ám chỉ một người đàn bà có nhan sắc và cũng là một tên gọi nghe khá là bình dân sên sến. Vừa thân thiện vừa có tí hương phấn son phù phiếm.

Và tôi nghĩ, về nhan sắc, đàn bà mỗi người một vẻ, không có đôi chân này dài bằng y như đôi chân nọ, nên so sánh cũng bằng thừa, và vì thế chắc chắn là không có một Chị Đẹp nào như Chị Đẹp này.


"Chị Đẹp" Lê Phương Thảo

* Ngay cả trong cuốn sách, chỉ có một tấm hình chân dung bé xíu của chị, ngoài ra không có thêm thông tin cá nhân nào khác. Có phải chị muốn “bí ẩn” mình giống như T.T.Kh “Hai sắc hoa Ti-gôn” hay không?

- Rất thú vị khi nhìn mọi người đọc và bình phẩm về bài viết của mình ngay trước mặt mình khi họ không biết tác giả đấy chính là mình.

Phần lớn những gì tôi viết đều dựa trên những câu chuyện có thật của nhiều người, nhiều mảnh đời khác nhau. Tuy thế, nhân vật trong sách của tôi không bao giờ có một cái tên thật, có những nhân vật thậm chí không có tên. Khi không cần thiết để đặt tên cho nhân vật chính trong sách của mình, điều đấy tương tự như sự xuất hiện thật của tác giả cuốn sách cũng không quan trọng.

Cũng có thể tôi muốn độc giả chỉ “đọc” chữ của tôi mà thôi, không nhập nhằng với người. Cũng có thể tôi không đủ tự  tin để bước ra đường và bị thiên hạ chỉ chỏ “đấy là Chị Đẹp”.

* Không gian trên mạng khác với không gian đời thực, chị có thể rất nổi tiếng trong cộng đồng mạng nhưng chưa chắc được nhiều người đọc sách báo thông thường biết đến. Có phải vì vậy nên chị tổ chức cuộc giao lưu với bạn đọc để giới thiệu sách và nhan sắc của mình?

- Điều đó có thể  đúng trong những năm blog mới ra đời. Đến ngày nay đã khác. Blog đã là một phần của đời sống thông tin, trong đó có văn học nghệ thuật và không thể thiếu đối với nhiều người - nhất là các bạn trẻ. Họ có nhu cầu chính đáng là được viết, được thể hiện suy nghĩ của mình trên blog.

Trong danh sách bạn bè của tôi trên mạng có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo - dù luôn nắm tình hình văn học nghệ thuật “chính quy”, nhưng họ cũng rất qua tâm đến một kênh thông tin khác từ blog. Và chính họ thường xuyên đọc, theo dõi và khuyến khích tôi trong chuyện viết lách nhiều nhất.

Tôi nghĩ rằng ranh giới giữa văn học mạng với văn học viết ngày càng gần gũi nhau hơn. Nổi tiếng có nhà văn Nguyễn Quang Lập đã mang rất nhiều notes trên blog của ông ra để in thành sách. Amateur có chị Phan Ngọc Diễm Hân cũng vừa gom một số bài viết trên blog để in thành sách… Sự tác động qua lại này cũng “bình thường thôi”.

Lợi thế của blogger nổi tiếng

* Tại sao cuộc giao lưu có tên "Chat không màn hình với Chị Đẹp"?

- Chị  Phan Mộng Thúy - Phó TGĐ Công ty VH Phương Nam cho biết, các blogger nổi tiếng khi ra sách có lợi thế là sách thường bán chạy. Tôi hiểu là do họ đã có một số fan nhất định đã đọc, đã chia sẻ với những gì họ đã công bố trên blog. Điều này, đôi khi có thể không tương đồng với chất lượng nội dung sách, thế nhưng, một khi “sách bán chạy” cũng đồng nghĩa với việc được “nhiều người biết đến”.

Khi đã dùng một nick ảo, một cái ảnh mù mờ và không có thông tin cá nhân, cũng đồng nghĩa với việc tôi cảm thấy không nhất thiết Chị Đẹp phải xuất hiện trước công chúng. Nhưng rồi, khi một cuốn sách đã ra đời, tác giả không thể đứng ngoài mà cũng phải góp phần trong việc hỗ trợ cho sách của mình đến tay độc giả, vì thế Chat không màn hình với Chị Đẹp được thực hiện. Từ trước đến nay, tôi thường giao lưu với bạn bè qua mạng, chỉ có một số ít ỏi bạn bè có gặp nhau offline. Nên dịp này, cũng là một cơ hội cho bạn bè có thể nhìn thấy nhau “không qua màn hình” (cười).

* Theo chị, ba gã đàn ông và cũng là ba nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc cùng chung tay chăm sóc bản thảo cuốn sách "Sóng đưa nước" của chị là vì họ mê Chị Đẹp hay là mê văn của Chị Đẹp?

- Theo như tôi biết thì các anh ấy cũng đã từng làm công việc này với khá nhiều người “mới vào nghề” mà họ tin cậy, kỳ vọng vào chuyện văn chương chữ nghĩa ở người đó. Cũng là một cách khuyến khích và khám phá tay bút mới, chính điều này khiến tôi cảm động.

* "Sóng đưa nước", tên cuốn sách là vậy nhưng trông vào… không phải vậy. Vì sao từ “Đưa” lại được nhấn mạnh bằng cách viết hoa?

- Vâng, ngay cả hình bìa không là “sóng” lẫn không có “nước”. Điều này bạn đọc sẽ rõ sau khi đã đọc sách. Từ “Đưa” được viết hoa vì nó gói gọn hết những gì muốn chuyển tải trong toàn bộ cuốn sách: đưa, tiễn, và bước qua. Đồng thời đây cũng là cách tôi thể hiện cá tính riêng cho những bìa sách (sau này nữa) của mình. Bao giờ cũng chỉ là một từ (chính) được viết hoa ngay từ tựa sách.

* Nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng: “Đã khá lâu tôi mới được đọc một tác giả viết về tâm lý phụ nữ - và cả tâm lý “bọn đàn ông” nữa - hay như thế”. Cuộc giao lưu của chị cũng nói về phạm trù tâm lý phức tạp này. Xin chị cho biết trong vài dòng ngắn gọn: đàn ông và đàn bà, giống và khác nhau ở điểm cơ bản nào?

- Đàn ông và đàn bà cũng như sóng và nước. Sóng không phải là nước, đấy là điểm khác biệt, nhưng sóng không rời nước, đấy là điểm tương đồng.

* Xin cảm ơn.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm