Câu chuyện thể thao: Đấu giá cả tình yêu

05/08/2012 16:47 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Có một luật lệ bất thành văn trong bóng đá, đó là một khi đội bóng đã chọn màu áo thi đấu thì đừng nên nghĩ đến việc chọn màu sắc khác.

Nhưng trong trường hợp của Ben Dudley, một cổ động viên trung thành của đội bóng Cardiff City xứ Wales, thì khác. Quá thất vọng với CLB mà mình yêu mến, Dudley đã quyết định rao bán lòng trung thành và tình yêu của mình cho ai trả giá cao nhất trên trang mạng mua sắm trực tuyến eBay.

Khi tình yêu nổi giận

Dudley quảng cáo về “món hàng” anh rao bán trên eBay: “Theo cái cách mà đội bóng bán đi lịch sử và truyền thống của mình, tôi cũng làm y như thế”. Ngọn nguồn là bởi vừa qua, tỷ phú người Malaysia, Vincent Tan, ông chủ Cardiff City, đã có một quyết định gây rất nhiều tranh cãi khi thay màu áo xanh truyền thống của đội bóng bằng màu áo đỏ với lời giải thích là để… tăng sức hấp dẫn với khán giả châu Á.

Quyết định này chính là giọt nước tràn ly khiến Dudley sẵn sàng rao bán tình yêu bóng đá với “Chim xanh”, biệt danh của Cardiff, cho bất kỳ ai trả tiền mặt cao nhất trong phiên đấu giá trên mạng, cho dù đó là đội vô địch ngoại hạng Anh Manchester City hay những đội bóng vô danh chơi ở hạng thấp nhất như Ross County ở miền Bắc Scotland xa xôi.


Từ chỗ đã là Chim xanh suốt 100 năm qua…

Dudley giải thích về quyết định của mình: “Dường như CLB đã bỏ rơi những cổ động viên ở quê hương mình. Khi họ chơi trong màu đỏ thay huy hiệu con rồng, tôi đã hoàn lại vé xem cả mùa và cũng sẽ không đi xem bất kỳ trận đấu nào cho đến khi họ quay lại thương hiệu trước đây. Tôi tin rằng ban lãnh đạo đã vứt bỏ lịch sử của CLB vào canh bạc mà không có gì bảo đảm sẽ giành chiến thắng.  Họ không hiểu ý nghĩa đằng sau cái tên Cardiff và biệt danh Bluebirds (Những chú chim xanh). Chúng tôi đã chọn màu áo xanh để thi đấu từ năm 1908”.

Dudley không phải là người duy nhất nổi giận bởi quyết định thay đổi màu áo vào tháng 5 vừa rồi của đội bóng đang chơi ở Championship, giải đấu chỉ thấp hơn Premier League ở Anh. Về phần mình, ông chủ Cardiff giải thích tiếp thị là một phần quan trọng trong quyết định đầu tư của ông. Tan nói quyết định thay đổi góp phần giúp bảo đảm tài chính tương lai cho câu lạc bộ và mang lại hiệu quả doanh thu sau nhiều năm nợ nần, cũng như giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trên thị trường quốc tế.

Tình yêu giá 300 USD?

Giám đốc điều hành CLB, Alan Whiteley, có vẻ muốn tìm một tiếng nói trung gian, thừa nhận đây không phải là một kế hoạch được ủng hộ tuyệt đối. “Tôi luôn mua vé cho cả mùa bóng suốt 9 năm qua và đi xem hầu hết các trận đấu”, Whiteley tỏ vẻ thông cảm với Dudley. “Chỉ cần nghĩ đến việc đội Cardiff trong trang phục màu đỏ khiến tôi không thể chấp nhận được. Khi các cầu thủ bước ra sân bóng hoặc ghi bàn, tất cả chúng tôi đều hô to “Bluebirds”, nhưng giờ huy hiệu lại có hình con rồng. Trông sẽ rất ngớ ngẩn khi các cổ động viên mặc áo màu xanh còn đội bóng của họ lại mặc áo đỏ”.

Nhưng sau đã khi đã theo đội bóng Cardiff khắp đất nước ở mùa bóng năm ngoái và xem tới 51 trận của đội nhà, cả ở sân khách và sân đối phương, liệu Dudley có e ngại sự lạ lẫm và những chặng đường mệt mỏi khi bắt đầu với một đội bóng mới?


Từ mùa tới Cardiff sẽ là rồng đỏ

“Tôi hy vọng bán tình yêu của mình cho nơi xa lắm là Newcastle (cách đó khoảng hơn 500 km), chứ không mong một nhóm cổ động viên Sydney nào đó vào đăng ký mua tình yêu ấy trên trang đấu giá eBay”, Dudley nói. “Cũng tốt nếu đó không phải là một đội chơi ở các hạng chuyên nghiệp, nhưng chỉ trừ những kình địch không đội trời chung như Swansea hay Bristol, mọi đội khác đều mua được”.

Tuy nhiên, không chỉ vì Cardiff đổi thương hiệu khiến Dudley thất vọng mà còn là sự thay đổi của nền bóng đá đã bị thương mại hóa và khác xa với môn thể thao mà anh yêu thích khi còn là thanh thiếu niên. Những khoản tiền lớn qua việc bán bản quyền truyền hình trận đấu cho nhà đài và các hợp đồng tài trợ dẫn đến lương khủng cho các cầu thủ và ngày càng có nhiều chủ đội bóng là người ngoại quốc.

18 Hiện 18 trong số 44 (41%) đội bóng ở hai giải đấu hạng cao nhất nước Anh, Premier League và Championship, nằm trong tay những ông chủ người nước ngoài. Tỉ lệ này ở Premier League là 10/20 đội và ở Championship là 8/24 đội.

“Tuy tôi không được xem bóng đá vào những năm 1970 hoặc 1980 , nhưng những người biết bóng đá tại thời điểm đó sẽ không thể nhận ra nó ở thời điểm hiện tại và không thể tưởng tượng nổi khoản tiền lương trả cho các cầu thủ. Đó không phải là môn thể thao tôi yêu thích khi tôi 14 tuổi đi xem đội bóng Cardiff thi đấu”, Dudley ngậm ngùi. “Các cổ động viên không còn là nhân vật được ưu tiên trong bóng đá nữa. Tất cả bây giờ chỉ là tiền và cố kiếm ra tiền từ các hợp đồng truyền hình. Tôi nghĩ rằng ông chủ Cardiff đang cố gắng kiếm hợp đồng truyền hình tại Malaysia để giới thiệu các trận đấu của đội ở đó. Họ nói rằng màu đỏ được ưa chuộng tại châu Á và những người hâm mộ Malaysia và châu Á không thích Cardiff trong trang phục xanh, nhưng nếu họ chơi trong màu áo đỏ trên sân nhà, thì các cổ động viên lại yêu ngay Cardiff thay vì Real Madrid hay Barcelona. Tôi nghĩ đó là một lập luận ngớ ngẩn”.

Cuộc đấu giá cho tình yêu bóng đá của Dudley hiện đã được đẩy lên mức trên 300 USD, một cái giá làm chính Dudley cũng bất ngờ: “Với mức giá vượt xa những gì tôi mong đợi, giờ với tôi đây sẽ chỉ là một cuộc đấu giá từ thiện.  Tôi sẽ trích ra 50% tiền thu được cho tổ chức từ thiện Help for Heroes và 50% cho Ty Hafan. Số tiền duy nhất mà tôi giữ lại từ cuộc đấu giá này là để thanh toán phí eBay”.

Cardiff: Một lịch sử lâu đời

Thành lập năm 1899, Cardiff là một trong những đội bóng lâu đời nhất nước Anh. Năm 1927, lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử, Cúp FA được đưa ra khỏi Anh khi Cardiff đánh bại Arsenal trong trận chung kết, nhưng những năm 1920 cũng là thời kỳ huy hoàng nhất của họ. Ngày 25/4/2009, Cardiff chơi trận cuối cùng ở sân bóng có tuổi đời hơn một thế kỷ của mình, Ninian Park. Sau đó, đội bóng chuyển tới sân Cardiff City 22.000 chỗ, với giá xây 75 triệu USD và do hãng kiến trúc Arup nổi tiếng thiết kế. Mùa giải 2009-2010, Cardiff thua trận play-off thăng hạng Premier League thứ ba liên tiếp trong ba mùa giải. Ngày 27/5/2010, doanh nhân người Malaysia Chan Tien Ghee trở thành chủ tịch Cardiff. Với tài sản 1,3 tỉ USD, ban đầu Ghee được chào đón nồng nhiệt, nhưng ông gây ra tranh cãi lớn khi cùng đối tác Vincent Tan vạch ra kế hoạch thay đổi thương hiệu đội bóng với áo đấu và huy hiệu hoàn toàn mới. ảnh


THU PHƯƠNG






Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm