Beckham chia tay với bóng đá Mỹ: Học Beckham và học người Mỹ

06/12/2012 19:14 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng vạn fan hâm mộ bóng đá ở Mỹ đã cất vang những tiếng Cảm ơn Beckham khi anh rời sân trong trận đấu cuối cùng của mình trong màu áo của L.A Galaxy và có thể là với cả bóng đá Mỹ.

David Beckham (trái) và đồng đội Robbie Keane nâng cao chiếc Cúp vô địch MLS 2012

Người Mỹ học Beckham

Mà chỉ cảm ơn thôi là không đủ. Người hâm mộ Mỹ còn nói lời biết ơn – một cung bậc cao hơn hẳn và không có chút nào của sự khách sáo, giống như cách họ thể hiện trong nét văn hóa cuộc sống hàng ngày của họ.

Nhiều người viết lên những dòng chữ thật cảm động giương cao trên khán đài để dành tặng cho riêng Beckham.

Các đồng đội của anh có người còn gạt phăng cánh tay của vị trọng tài chính vốn rất muốn trận đấu lúc ấy chỉ còn vài phút, được tiếp tục, để chạy tới trao cho anh một cái ôm thật chặt.

Các quan chức cũng ùa tới để được bên cạnh Beckham trước khi anh bị “tha” từ góc này tới góc khác bởi các kênh truyền hình đứng chờ phỏng vấn.

Beckham với gần sáu năm chơi bóng ở Mỹ đã mang giúp cho MLS - giải đấu bóng đá nhà nghề của đất nước chỉ mê những môn thể thao bằng tay và gọi môn bóng bầu dục là bóng đá - những bước phát triển.

Nói theo cách của người Mỹ thì tốt nhất là hãy cứ liệt kê những thay đổi trước và khi MLS có Beckham.

Mùa giải 2012 là lần đầu tiên MLS vượt qua NBA – bóng rổ và NHL – hockey về số lượng khán giả trung bình trong một trận đấu. Dĩ nhiên, một môn thể thao là ngoài trời với những SVĐ khổng lồ so với những nhà thi đấu có mái che, nhưng bóng rổ và hockey là hai trong số những môn thể thao phổ biến nhất ở Mỹ bên cạnh bóng chày và bóng đá kiểu Mỹ (gần giống Rugby về luật).

Cụ thể hơn, khi Beckham tới L.A Galaxy giữa mùa 2007, lượng vé bán ra cho những CLB tiếp đón anh đi đá sân khách tăng tới 40% ngay trong mùa giải ấy. Bản quyền truyền hình được bán cho hơn 100 quốc gia.

Trong sáu năm có Beckham, MLS cũng thu hút được bảy nhà tài trợ mới. Các trận đấu được truyền trực tiếp trên kênh NBC và cả ESPN. 

Trong sáu năm Beckham ở MLS, người ta đếm được có thêm bảy đội bóng gia nhập MLS, thêm 10 SVĐ được đưa vào sử dụng. Hình ảnh một sân đấu mà các đường biên bị lẫn vào những vạch kẻ chằng chịt do dùng chung với các đội bóng đá kiểu Mỹ biến mất gần hết. Mùa 2012, với 20 CLB, MLS ước tính thu về khoảng 75 triệu USD phí tham dự giải mỗi năm.   

Và nói theo ngôn ngữ bóng đá thuần chất, với những ghi nhận về sự thay đổi trong phong cách và tư duy chơi bóng, sự có mặt của Beckham mang theo nhiều ý nghĩa.

Ở trận đấu chia tay, khi đồng đội của anh bị kéo ngã ở ngoài vòng cấm, Bekcham đã không lấy đó làm cơ hội để tìm kiếm một bàn thắng đánh bóng hình ảnh trong ngày cuối cùng khoác áo L.A Galaxy. Số 7 huyền thoại của nước Anh cứa lòng trong chân phải mở bóng ra cho đồng đội Donovan, một trong những chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của bóng đá Mỹ đương đại, vê bóng dọc biên câu giờ chiến thuật.

Beckham muốn truyền thụ phẩm chất bóng đá chuyện nghiệp tới Mỹ, cho các đồng đội và cho các đối thủ ở các CLB khác tại MLS. Mà đã là chuyên nghiệp, thì cái tôi phải được xếp dưới so với lợi ích của tập thể.

Kết quả hiện hữu ngay. LA Galaxy ngay sau đó nhận được quả 11m thứ hai trong trận đấu, cơ hội để ấn định chiến thắng và đoạt chiếc cúp MLS. Beckham cũng không phải là người đứng lên cầm quả bóng. Robbie Kean được trao cơ hội để ấn định tỉ số 3-1 khi thời gian của trận đấu chỉ còn vài phút.

Robbie Kean là một trong số những ngôi sao của bóng đá thế giới đến với MLS sau khi Beckham đã đặt chân tới đây. Henry, Rafael Marquez… đang chơi bóng ở MLS.

Và chúng ta học người Mỹ

Khi nước Mỹ chật vật trong cơn suy thoái kinh tế và oằn vai vì hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afhganistan, người Mỹ số đông vẫn tin và tự hào về chủ nghĩa biệt lệ (exceptionalism) của họ, tức là người Mỹ sinh ra tự nhiên đã hơn các dân tộc khác trên mọi lĩnh vực. Vậy mà họ chân thành coi việc Beckham tới đây như một nhà truyền giáo.

Nên nhớ, bóng đá Mỹ đã từng đón những thiên tài thực sự như Pele, Beckenbauer… Đội tuyển Mỹ đã từng lọt top 20 thế giới. Ngay cả giờ đây cũng như suốt 20 năm qua, đội tuyển Mỹ có thể chơi sòng phẳng và đánh bại đội tuyển Anh bất cứ lúc nào. Vậy mà họ vẫn đối xử với Beckham, một cầu thủ Anh thất thế trong chính đội tuyển Tam Sư như một người dìu dắt.

Nước Mỹ trong suốt những tháng cuối năm 2011 và đầu 2012 vật lộn với cuộc biểu tình Đánh chiếm phố Wall rầm rộ vì sự chênh lệch giàu nghèo, nhưng Beckham không bị đố kị dù cho lương 6,5 triệu của anh nhiều hơn cả tổng số lương của hai CLB đứng cuối MLS đang trả cho tất cả cầu thủ của họ. Ngay trong chính L.A Galaxy, lương của Beckham nhận cũng nhiều gấp đôi so với phần còn lại của đội bóng, trong đó cả ngôi sao tên tuổi nhất là Donovan.

Trên thực tế, Beckham còn nhận nhiều hơn thế từ việc anh hy sinh đam mê chơi bóng cạnh tranh ở châu Âu, để đến với môi trường bóng đá Mỹ.

Tạp chí Forbes thống kê ước tính sau sáu năm chơi bóng ở lục địa mới, Beckham đã kiếm 255 triệu USD (tương đương với khoảng 5 ngàn tỉ đồng). Đó là một con số khổng lồ với bất cứ VĐV thể thao nào, được cộng từ gần 40 triệu tiền  lương với hàng loạt bản hợp đồng quảng cáo (chín nhà tài trợ mới), và đặc biệt là quyền được chia sẻ doanh thu của CLB L.A Galaxy. Vậy mà không có những trung vệ chỉ nhằm chân anh mà sút trong suốt sáu năm qua.

Đó chính là chiến thắng của cả Beckham và MLS!


Trong bản hợp đồng với L.A Galaxy có điều khoản hỗ trợ cho Beckham được mua, sở hữu một CLB ở MLS trong tương lai. Nhiều khả năng anh sẽ làm ông bầu trong vài năm tới, bởi Becks khẳng định cam kết và cống hiến của anh với bóng đá Mỹ không phải là một mối tình thoáng qua và vụ lợi.

***

HLV người Đức của đội tuyển Mỹ, Juergen Klinsman nhận định rằng trước khi Becks tới, giải đấu MLS nghiêng ngả, còn giờ đây nó ổn định và phát triển. Còn Don Garber, quan chức cấp cao của MLS ca tụng, rằng sẽ chẳng có ai có thể làm tốt sứ mạng truyền giáo bóng đá tốt hơn Becks.

Phạm Tấn
(PV TTXVN tại Washington)

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm