100 năm ngày sinh nhà văn “Hoa ti-gôn” Thanh Châu

18/09/2012 09:34 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Sáng 17/9/2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà văn Thanh Châu (17/9/1912 - 2012) đã được tổ chức trọng thể. Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, gia đình và độc giả yêu mến tác phẩm của nhà văn Thanh Châu đã có mặt tham dự.

Buổi lễ tràn ngập hoa và nến sáng. Phía trên treo bức chân dung của ông do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ. Đặc biệt có một lẵng hoa, phía bên dưới kết rất nhiều hoa ti-gôn, khiến người ta nhớ nhiều đến ông với “nghi án” bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.KH. Chính nhà văn Thanh Châu khi còn làm thư ký tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy đã cho in bài này trên báo, bài thơ có sức sống kỳ lạ và cho đến nay ai thực sự là tác giả của bài thơ tình nổi tiếng này vẫn đang là một câu hỏi.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ như: Nguyễn Văn Lưu, Nguyên An, Trần Nhương, Xuân Ba, Nguyễn Trọng Tạo… đã đến dự.

PGS-TS Văn Giá chia sẻ: “Nhân vật trong các trang viết của nhà văn Thanh Châu đa phần là những người nghệ sĩ hành nghề sáng tạo, tôn thờ cái đẹp, chuốc nhiều hệ lụy vì cái đẹp. Chỉ nhìn vào một số truyện ngắn tiêu biểu và hay nhất của ông đều thấy nhất quán như vậy: Hoa ti-gôn, Tà áo lụa, Lớp cuối cùng… Nhà văn Thanh Châu từng viết truyện Từ Thức với dòng đề tặng nhà thơ Hữu Loan, ngụ cái ý con người ta có khi vì lý do nào đó cứ muốn thoát ra khỏi đời sống này để kiếm tìm cái đẹp thuần khiết, nhưng kết cục không ai thoát nổi; và mỗi kiếp người, nhất là kiếp nghệ sĩ vẫn luôn là những bí ẩn”.

Nhà văn Thanh Châu tên thật là Ngô Hoan, sinh ngày 17/9/1912 tại Thanh Hóa (quê nội tại Diễn Châu, Nghệ An). Kể từ tập truyện ngắn đầu tiên Trong bóng tối năm 1934, đến tập truyện ngắn Cún số 5 năm 1992, ông đã có gần 20 đầu sách. Nhà văn Thanh Châu mất tại TP.HCM vào trưa ngày 8/5/2007, thọ 95 tuổi. Trước khi mất mấy năm, ông viết bài thơ di chúc Đề bia mộ người viết truyện, nhẹ nhàng mà cảm động vô cùng:

“Mong cỏ nội
Xóa đi ngàn chuyện dở
Để trên mồ
Con dế đẫm sương kia
Vẫn thay mình
Kể đẹp chuyện đêm khuya”

Lãng Ma

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm