Sao nội xuất ngoại tự cứu mình

23/12/2012 06:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, người hâm mộ được nghe nhiều thông tin cầu thủ A, B, C được một CLB nào đó ở nước ngoài mời ký hợp đồng. Vậy xuất ngoại có phải là giải pháp mà cầu thủ nội phải tính đến trong bối cảnh sân cỏ nội địa  không còn là thiên đường.

Công Vinh (áo sẫm) từ chối sang thử việc tại Sriwijaya từ hôm nay. Ảnh: V.S.I

Từ số 1 Đông Nam Á

Bao năm qua, V-League chỉ quen với việc ''nhập khẩu'' ngoại binh thay vì xuất khẩu cầu thủ nội. Cho đến nay, mới chỉ có 4 trường hợp xuất ngoại đáng chú ý: Lê Huỳnh Đức sang Lifan Trùng Khánh của Trung Quốc (2001), Nguyễn Việt Thắng, Lê Công Vình sang FC Porto B (2003) và Leixoes (2009) đều của Bồ Đào Nha. Năm 2005,  trung vệ Lương Trung Tuấn đã được HA.GL cho Cảng Thái Lan mượn trong thời gian chịu án phạt treo giò 2 năm của VFF. Tất cả đều là những chuyến đi ngắn, mang tính đánh bóng thương hiệu của phía đối tác không hơn không kém.

Những ngôi sao tên tuổi khác như Việt Thắng, Minh Phương, Tài Em... cũng từng được không ít đội bóng Malaysia, Indonesia, Thái Lan hỏi mua..., nhưng họ lần lượt từ chối. Đơn giản là ở lại quê nhà họ vẫn có thể trở thành tỷ phú, xuất ngoại làm gì cho mệt thân. Việc lương thưởng, lót tay ở V-League cao hơn hẳn các giải đấu tại Đông Nam Á nên chúng ta chỉ quen đón các cầu thủ nơi khác về V-League mà thôi. Ngay cả Công Vinh thời đỉnh cao, từng được khá nhiều CLB Indonesia, Tây Á quan tâm nhưng đã ở lại chơi bóng CLB BĐHN mùa giải 2012 với giá trị hợp đồng lên đến 13 tỷ đồng.

Đến hàng... kém chất lượng

Nhưng chỉ sau 1 năm, ''thiên đường'' V-League đã sụp đổ hoàn toàn. Ngay những ngôi sao tiền tỷ như Công Vinh, Thành Lương, Quang Hải, Trọng Hoàng, Như Thành, Văn Quyến... đều có nguy cơ thất nghiệp khi đa số các đội bóng Việt Nam trong cảnh ''thắt lưng'' buộc bụng. Bỗng nhiên, việc xuất ngoại ra nước ngoài thi đấu như một cơ hội để nhiều ngôi sao lỡ vận bóng đá Việt kiếm tiền và tiếp tục duy trì sự nghiệp bản thân.

Trong số các giải đấu khu vực, giải đấu ly khai của các ông bầu Indonesia đang là ''mảnh đất vàng'' cho các cầu thủ Việt Nam khai phá. Có hai cái tên được các ông bầu xứ vạn đảo quan tâm lúc này là trung vệ Như Thành và tiền đạo Công Vinh. Và có thể sự suy sụp của các đội bóng V-League, một số cầu thủ nội nhăm nhe mong muốn đầu quân cho các CLB của Malaysia, Thái Lan và Singapore để tự cứu sự nghiệp của mình.

Thực tế sau chức vô địch AFF Cup 2008, giá trị cầu thủ Việt Nam đã được khẳng định trong mắt nhiều đội bóng Đông Nam Á. Nhưng tham vọng sở hữu cầu thủ Việt của các ông bầu trong khu vực bị chặn lại khi giá trị cầu thủ Việt Nam bị đẩy lên quá cao so với mặt bằng chung.

Nếu nhìn vào chất lượng tại các giải VĐQG Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, chất lượng, trình độ cầu thủ Việt Nam có thể đáp ứng được. Vấn đề là cầu thủ Việt Nam lâu nay quen thi đấu trong nước với các điều kiện quá đầy đủ, việc chuyển sang một nước Đông Nam Á thi đấu sẽ là thách thức không nhỏ về nhiều mặt. Cầu thủ ta vốn kém trong sinh hoạt và thi đấu cũng chưa chuyên nghiệp, lành mạnh.

Việc ra nước ngoài thi đấu là một giải pháp chống lại khó khăn, đồng thời mở ra một hướng đi mới cầu thủ nội sau bao năm quanh quẩn ở V-League. Nhưng nếu cầu thủ chúng ta vẫn suy nghĩ và hành động như cũ, kiểu ''nghiệp dư lĩnh lương cao'' thì đừng hy vọng thành công, dù ở giải đấu trong khu vực Đông Nam Á vốn chỉ thuộc dạng “ao làng” mà thôi.

MỘC MIÊN
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm