Phạm Thành Lương: Bình yên ngay đây thôi

09/01/2013 14:34 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của Thành Lương nghỉ chơi V-League 2013, tiền vệ nhỏ con này ngay lập tức được đội bóng cùng thành phố là Hà Nội T&T thu nạp và nhiều người tin rằng, đây sẽ lại là năm của Phạm Thành Lương, nhưng ở tầm cao hơn và xa hơn.

Nơi nguy hiểm nhất…

Cũng như đa số những cầu thủ tứ xứ từng tề tựu về màu áo các phiên hiệu của Công an Hà Nội cũ như LG Hà Nội ACB, rồi Hà Nội ACB hay gần đây nhất là Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (sau sáp nhập với Hòa Phát Hà Nội), với môi trường bóng đá phức tạp, vẫn được ví như cái chợ ấy, Thành Lương có gốc gác “quê mùa”. Thậm chí ngay lúc này, tức là sau 8 năm sống giữa thủ đô, Lương vẫn nói giọng địa phương. Anh người Ứng Hòa (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), với tuổi thơ gắn chặt cùng dòng sông Đáy hiền hòa…

Theo giấy tờ, Lương tuổi rồng, Nhâm Thìn (sinh năm 1988) và chiếu theo mệnh (nếu bạn tin vào điều này) năm 2012 đúng là năm hạn của tuổi này. Cũng cần nhớ rằng, ông chủ của Thành Lương, bầu Kiên, tuổi rồng và đã gặp hạn lớn đến nỗi bị bắt giam. Còn Lương vừa trải qua mùa bóng thất bại toàn tập, trong cả màu áo câu lạc bộ, ngưng hoạt động vô thời hạn và có nguy cơ giải thể, đến đội tuyển Việt Nam, đại bại ở AFF Cup 2012. An ủi lớn nhất với Lương “dị” là được lên chức bố. Cộng với bản hợp đồng đầu quân cho HN.T&T vừa ký, thế kể cũng công bằng.

Con đường đến với bóng đá của anh rất tình cờ khi một ngày nọ, người tuyển trạch Lê Tuấn Long rảo qua vùng đồng quê yên ả ấy và nhìn thấy Lương chơi bóng cùng đám bạn đồng trang lứa. Dáng người nhỏ thó, khắc khổ do sinh thiếu tháng vì bố mẹ muốn “cố” thêm đứa nữa cho vui cửa vui nhà, lại bước thấp bước cao, nhưng Thành Lương với cái chân trái rất dị ấy đã là một của quý hiếm. Lương “chuyển hộ khẩu” về thủ đô mà không qua bất cứ vòng sơ tuyển nào, để rồi tỏa sáng. Năm 2005, mới 17 tuổi theo giấy tờ, Lương đã là người xuất sắc nhất.

Vòng chung kết U21 quốc gia – Cúp Báo Thanh Niên 2005 ở Bình Định, giải đấu lớn đầu tiên mà Thành Lương tham dự, anh (và Xuân Thành, một cái tên khá đình đám của bóng đá trẻ khi ấy) đã kéo U21 HN.ACB vào đến trận cuối cùng với chủ nhà. Một khó khăn lúc ấy với ban tổ chức giải là Lương bị treo giò ở trận chung kết, khiến người ta phải nhấc lên đặt xuống quyết định trao danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất” cho anh, Xuân Thành (cũng của HN.ACB) hay Phan Quý Hoàng Lâm, Thành Tài (U21 Bình Định)? Cuối cùng, Thành Lương được chọn. Những người làm giải hẳn phải có con mắt rất tinh tường mới dám phá lệ. Một giả thiết đặt ra, nếu ngày đó Lương không nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất, liệu bây giờ chúng ta có một Thành Lương với hai Quả bóng vàng Việt Nam?


 Thành Lương giành hai Quả bóng vàng Việt Nam

Sau giải, Lương được đẩy lên tầm ngôi sao ở tuổi 17 rồi và ở những môi trường bóng đá phức tạp tại HN.ACB nói riêng và Việt Nam nói chung, ở thời của Lương, anh vẫn giữ được chất; không những không bị cám dỗ như bao ngôi sao trẻ khác, ngược lại còn được trân quý, nể trọng, được tạo điều kiện tối đa để phát triển sự nghiệp.

Đấy là cái duyên và quan trọng hơn, Thành Lương đã học được cách sống biết trước sau từ tấm bé. “Em không bao giờ nghĩ để mua một đôi giày đá bóng lại phải cần đến nhiều tiền thế”, Lương nói về số tiền lương 3 triệu đồng lần đầu tiên lên đội một HN.ACB mà anh được nhận.

…Lại là nơi an toàn nhất

Ngày Lương chính thức rời đội bóng thân yêu, CLB bóng đá Hà Nội, đặt bút ký hợp đồng mới với kình địch HN.T&T, mà nghe đâu chẳng yêu cầu phí lót tay, anh đã nói những điều rất thật, rất chân phương. CLB bóng đá Hà Nội dù đầy điều tiếng, với Nguyễn Đức Kiên, một ông bầu tay to vừa lâm vào vòng lao lý, nhưng nó vẫn là mái nhà của hàng trăm con người. Thành Lương gần như đã có tất cả với đội bóng này, sau 8 năm gắn bó, không thể quay lưng là trở mặt. Nếu đội bóng vẫn còn bầu Kiên, chắc chắn Thành Lương là cầu thủ không phải để bán, như chính khẳng định của ông bầu tóc bạc này.

Có lẽ không nhiều người biết bà xã của Thành Lương vốn là một phóng viên, nhưng cầu thủ từng hai lần giành Quả bóng vàng Việt Nam lại khá kín tiếng, thậm chí từng năn nỉ phóng viên thôi đừng viết bài về mình, bất kể đó là sự khen chê. Thì đấy mới là con người Phạm Thành Lương, giản dị và kiệm lời. Lương từ lâu đã bỏ thói quen đọc báo và rằng, anh muốn dành câu trả lời trên sân cỏ, với một cầu thủ luôn cầu thị, khiêm tốn, nhưng cũng đầy nhiệt huyết và không tì vết.

Tất cả đều đã biết, hoặc phong thanh về một HN.ACB thiếu kỷ cương và bát nháo như một cái chợ, ai muốn đến thì đến, muốn đi thì đi và cầu thủ gần như không có nghĩa vụ ăn ở tập trung như đại đa số đội bóng chuyên nghiệp, dù còn nửa vời, khác. Những nhiễu nhương về một thế lực ngầm chi phối đội bóng và đương nhiên, cả quyền lực đen cũng một thời tồn tại, từ khu sinh hoạt ở Mỹ Đình đến sân Hàng Đẫy… Nhưng, cũng một câu chuyện có thật kể rằng Thành Lương, người tiếp quản chiếc áo số 11 của cựu danh thủ “thế hệ vàng” Vũ Minh Hiếu trong màu áo Công an Hà Nội cũ, là viên ngọc không được phép đụng tới, bởi làm thế là có tội với cả… ông tổ nghề đá bóng.

Lương đã lớn lên, trưởng thành và phát triển nghề nghiệp trong cái môi trường như thế. Và ở bình diện rộng hơn, các cấp độ đội tuyển quốc gia, với độ phức tạp cũng lớn hơn, nhưng Lương vẫn giữ được “trinh tiết” như hồi anh chập chững rời Ứng Hòa ra Hà Nội không phải qua vòng sơ tuyển.

Đội bóng cứ lên rồi xuống hạng như con nước, bao người đến, cũng lắm kẻ đi, nhưng Lương vẫn ở lại cho đến ngày… hôm qua, khi đã có 8 năm cống hiến không chút tiếc nuối. Liên tục 7 mùa, kể từ khi lần đầu tiên được lên đội một HN.ACB đá V-League, rồi hạng Nhất, khoác áo các đội tuyển quốc gia ở nhiều giải đấu, Thành Lương chơi bóng gần như không ngơi nghỉ.


Thành Lương (trái) trong màu áo đội tuyển quốc gia

Bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng trên diện rộng, thậm chí là đang trong cơn bạo bệnh, nhưng có thể soi vào Thành Lương cho một sự trong những điểm sáng cuối cùng, được không?! Năm 2013 sẽ còn hứa hẹn nhiều chông gai với nền bóng đá xứ sở, nhưng còn sống là còn hy vọng. Là cầu thủ, hãy cứ sống và lao động chăm chỉ như Thành Lương đã từng, để rồi không phải tiếc nuối bất cứ điều gì cả.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm