Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG: Góc khuất của ánh hào quang

25/12/2012 06:37 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong lúc bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng thì tất thảy mọi cặp mắt bỗng đổ về một nơi hẻo lánh trên cao nguyên Hàm Rồng (Pleiku-Gia Lai) để dựa dẫm, trông đợi và thậm chí còn coi đó như là “cứu cánh” cho cả nền bóng đá.

Cơ sở để duy trì sự kỳ vọng đôi khi thái quá đó là một hệ thống đào tạo bài bản nhất từ trước đến nay, do nỗ lực của ông bầu Đoàn Nguyên Đức gắn thương hiệu của mình với CLB bóng đá lừng danh thế giới Arsenal. Thế nhưng, kỳ vọng là một chuyện, còn thành công hay không là một mệnh đề mà ngay cả người trong cuộc cũng không dám khẳng định, bởi xưa nay, đố ai đào tạo được thiên tài!

HLV trưởng Học viện HA.GL Arsenal JMG Guillaume Graechen (hàng sau, ở giữa) cho rằng, mọi người đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào các cầu thủ mà ông đang đào tạo. Ảnh: Quang Nhựt

Một câu chuyện ngụ ngôn về lĩnh vực này, kể về một đại gia trọc phú nhưng mặc cảm khi bị người đời xem là ít học, gã đi khắp nơi để tìm thầy dạy cho đứa con trai vừa chào đời của mình, với mong muốn biến con của mình thành “thiên tài” để thiên hạ cả nể. Nhưng đi khắp nơi, gã vẫn tìm không ra. Lúc này, ông ta mới gặp một lão già dáng vẻ như tiên ông phán rằng: “Ông muốn con trai thành thiên tài, vậy có biết thiên tài học thầy nào không”? Gã trọc phú nọ gần như chết đứng bất lực vì không thể đưa ra câu trả lời.

Phát biểu rất thẳng thắn trước báo giới trong thời gian gần đây, ông Guillaume Graechen (người theo sát các cầu thủ của mình từ khi mới chập chững bước chân vào nghề cho đến lúc này), HLV trưởng Học viện HA.GL Arsenal JMG, cho rằng, mọi người đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào các cầu thủ mà ông đang đào tạo.

Lý do là bởi dù vẫn tin tưởng vào các học trò của mình sẽ thành công từ 60-80% ở mục tiêu được gọi vào ĐTQG Việt Nam trong tương lai, nhưng ông Guillaume cũng rất lo ngại ảnh hưởng của chấn thương, bệnh tật… đến sự phát triển của họ. Chưa kể, môi trường bóng đá Việt Nam cũng khác nhiều nền bóng đá tiên tiến khác trên thế giới.

Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều học viện như HA.GL để đào tạo thêm những cầu thủ trẻ tài năng cung cấp cho các ĐTQG. Và sau một thời gian dài phải tập chay, các cầu thủ của học viện này đã được cọ xát với những đội bóng khác, và tất cả đều nhận thấy sự khác nhau rất lớn giữa tập luyện với thi đấu.

Khi gặp các cầu thủ của học viện, đối thủ thường chơi phòng thủ rất tiêu cực và chờ thời cơ để phản công giành phần thắng. Ông Guillaume cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người trẻ, bởi ở lứa tuổi này, các cầu thủ cần được tạo một môi trường thoải mái để phát huy tài năng, không bị sức ép thành tích.

Trong số những cầu thủ Học viện HA.GL Arsenal JMG đang đào tạo, người lớn nhất đã có tuổi đời 18,  lứa tuổi đủ để tham dự bất cứ giải đấu nào ở Việt Nam, nhưng Học viện này cũng không vội cho “xuất xưởng” cầu thủ của mình.

Mới đây, HLV Arsenal Wenger của Arsenal đã chấm 4 cái tên từ Học viện HA.GL Arsenal JMG để sang Anh “du học”, một vinh dự lớn của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, khoảng thời gian 10 ngày có vẻ chưa đủ để 4 cầu thủ đó chứng minh được năng lực của mình.

Họ không được ra sân một phút nào trong các trận đấu của U18 Arsenal. Với một hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ trải rộng khắp toàn cầu, môi trường cạnh tranh ở Arsenal chắc chắn vô cùng khốc liệt, nên để lọt được vào mắt xanh của “Giáo sư” Wenger hẳn cũng chẳng dễ dàng gì.

Áp lực thời gian, tuổi tác với các cầu thủ trẻ ở Học viện thì tăng theo từng ngày. Ngay cả người trong cuộc cũng chưa dám chắc về xác suất thành công trong tương lai của cầu thủ mà mình đào tạo. Họ cũng như nhiều người yêu bóng đá Việt Nam khác, cùng tâm trạng hồi hộp chờ đợi những tin tức từ đảo quốc sương mù vọng về.

Người trong cuộc thận trọng với những kỳ vọng của CĐV, bởi dù là người làm chuyên môn, họ cũng không dám khẳng định bàn tay mình có thể nhào nặn lên những “thiên tài” cho bóng đá Việt Nam. Thế nên, dư luận cũng không nên hy vọng quá nhiều vào những cầu thủ trẻ, tuy họ đang được hưởng những điều kiện đào tạo hơi khác thường ở Việt Nam, nhưng lại là rất bình thường so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Không đâu xa, hãy nhìn trường hợp Nguyễn Thái Sung, cầu thủ Việt Nam duy nhất tốt nghiệp từ Học viện Aspire (Qatar) do những giáo viên danh tiếng của Học viện La Masia (CLB Barcelona) đào tạo. Trong màu áo U19 Việt Nam, Thái Sung không thể giúp đội bóng của mình tránh khỏi những trận thua tan nát trước các đối thủ cùng châu lục. Bản thân cầu thủ gốc Đà Nẵng cũng đang hy vọng được sang trời Âu thi đấu và học hỏi thêm vì môi trường bóng đá Việt Nam có vẻ không hợp với Thái Sung.

Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa

Sau khi lãnh đạo CLB nhận được tin vui từ VFF về việc cử đội U17 HA.GL (lứa Học viện HA.GL Arsenal JMG) sang dự giải U19 châu Á từ 18 đến 28/3/2013 ở Nhật Bản, các cầu thủ ở đây vẫn chưa được thông báo chính thức. Cả Học viện đang trong thời gian nghỉ ngơi tại chỗ. Đông Triều, một trong 4 cầu thủ vừa sang Anh “du học”, cho hay: “Dù rảnh nhưng tụi em cũng chỉ quanh quẩn tại Học viện. Người chơi điện tử trong phòng, người tranh thủ chơi billiard, người đi bơi… Các thầy không khuyến khích tụi em đọc báo viết về mình vì dễ bị phân tán tư tưởng…”.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm