Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải: 'Đi học như kiểu cưỡi ngựa xem hoa'

29/07/2016 06:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - VPF đã có phiếu xin ý kiến của các CLB về việc học tập kinh nghiệm tại các nước có giải bóng đá chuyên nghiệp phát triển. Sau Nhật Bản, Hàn Quốc thì VPF chọn đối tác mới là Đức. Theo chuyên gia bóng đã Vũ Mạnh Hải, chuyện đi học như thế này chỉ là hình thức và mang tính chất cưỡi ngựa xem hoa, rồi sẽ lại đâu vào đó.

Năm 2014, VPF đã thực hiện cuộc “cách mạng” khi tổ chức cho lãnh đạo các đội bóng tham quan, học hỏi mô hình bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản. Một năm sau, họ lại tổ chức học tập và địa điểm được chọn là Hàn Quốc.

Đến năm nay, theo lịch dự kiến, nếu tổ chức đi học tập thì là Đức hoặc một nước nào đó có địa lý gần Đức. Khi nghe chúng tôi trao đổi về chuyện học hành này, ông Hải ngao ngán: “Tôi cũng không biết họ đang làm gì nữa. Hai lần trước là Nhật Bản, Hàn Quốc và giờ là Đức. Việc này nó cứ thế nào ấy. Tôi cũng không hiểu các ông ấy muốn học theo xu hướng nào, trường phái nào, học tập nước nào mà mỗi năm đi một nước. Trên thế giới không có nước nào làm như cách của Việt Nam mình. Quá độc đáo”.

Theo ông Hải, chuyện đi học trước đây không có hiệu quả nhiều, mà việc V-League ngày càng kém đi là minh chứng điển hình. Những chuyện nội bộ vẫn chưa giải quyết được chẳng hạn như xây dựng CLB kiểu gì mà một ông chủ lại có tới 4 đội bóng. Thêm vào đó, những sai sót của trọng tài cứ xảy đến liên tục. Chuyện xử lý kỷ luật thì không nghiêm minh… Phải xử lý rốt ráo những chuyện nội bộ thì mới chuyên nghiệp được.

Bàn đến chuyến đi này, ông Hải có chút hồ nghi về mục đích của nó. “Tôi không hiểu mục đích của họ là gì nữa? Đi kiểu này thì chỉ kiểu 'cưỡi ngựa xem hoa' chứ học hành gì. Chắc là động viên, mua chuộc đội bóng, lấy cảm tình của nhau thôi chứ cũng chẳng giải quyết được gì. Hoặc cũng có thể đây là một hình thức để họ hợp thức hóa đi du lịch, hưởng thụ chứ học hành như thế thì học cái gì. Vấn đề này, báo chí cần lên tiếng để lãnh đạo Bộ VH, TT&DL xem xét chứ không thể để như thế này, tốn kém mà chẳng giải quyết được gì. Nó quá lãng phí”, ông Hải nói.

Bên cạnh những mặt hạn chế thì ở bóng đá Việt Nam vẫn xuất hiện khá nhiều điểm sáng. Và theo ông Hải, bóng đá Việt Nam cần nhìn vào đó để nhân rộng rồi có đường hướng, kế hoạch dài hơi nếu tính đến chuyện đi học.

Ông Nguyễn Trọng Hoài, GĐĐH CLB FLC Thanh Hóa: 'VPF không nên trừ vào tiền hỗ trợ của các CLB'

Ông Nguyễn Trọng Hoài, GĐĐH CLB FLC Thanh Hóa: 'VPF không nên trừ vào tiền hỗ trợ của các CLB'

Chia sẻ về vấn đề VPF đề nghị trừ thẳng vào tiền hỗ trợ cho các CLB để sắp tới lấy kinh phí cho đại diện các đội bóng sang Đức học hỏi, ông Nguyễn Trọng Hoài, GĐĐH FLC Thanh Hóa, bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách làm trên.


“Cách làm của các trung tâm đào tạo trẻ rất tốt, tại sao không nhân nó lên mà học ở đâu xa? Hay vì như cách cổ động của CĐV Than Quảng Ninh, cách huy động lực lượng CĐV trên cả nước và cổ động chuyên nghiệp với những hình thức giàu nhân văn của SLNA, tại sao chúng ta không học từ chính những cái đó?

Nếu đi học thì tăng cường kiến thức cho các HLV là tốt nhất. Những vấn đề khác thì họ có thể sang giúp mình. Mình học tập mô hình, cách làm của họ như thế nào? Nó đòi hỏi thời gian và những ai có tiềm lực thì đi chứ kéo cả đội như thế này thì không giải quyết được vấn đề gì, không sâu đâu.

Nên đi ít và có chọn lọc nhưng cái chính là Liên đoàn nên có chiến lược là học tập ai, dự định làm như thế nào mang tính lâu dài. Chứ năm này là Đức, năm sau lại Pháp năm sau nữa lại Brazil cũng không chừng.

Cái quan trọng là học tập theo trường phái nào. Nó gần gũi, giống mình thì nên học chứ cao xa quá với trình độ quá chênh lệch, cơ sở vật chất quá hiện đại thì nên coi lại. Những việc nội bộ chưa giải quyết xong mà đi học thì được làm gì. Chuyện đi học cũng chỉ là hình thức thôi”, ông Hải đúc kết.

Nam Giao
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm