Bóng đá Việt tìm CEO

30/12/2012 07:51 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể là doanh nhân giỏi trên thương trường nhưng họ lại là những lãnh đạo tồi trên sân cỏ. CEO (giám đốc điều hành) bóng đá giỏi trên sân cỏ nội, đấy vẫn là niềm khao khát.

Sự ổn định của ĐT.LA (trái) trong những năm qua có công không nhỏ của GĐĐH Phạm Phú Hòa,
người hỗ trợ đắc lực cho Chủ tịch Võ Quốc Thắng. Ảnh: Nhật Anh

Thử nhìn lại hơn 10 năm chuyên nghiệp đã qua, có mấy doanh nghiệp tồn tại và phát triển được trên lãnh địa bóng đá? Con số này là rất ít, khi tính trên đầu ngón tay như ĐT.LA, HA.GL, SHB.ĐN, B.BD đã tạo được chỗ đứng cho mình. Nhiều đội bóng mang mác "doanh nghiệp hóa", còn lại đều thay nhau rơi rụng khỏi vũ đài bóng đá chuyên nghiệp.

Làm bóng đá cảm tính, ăn xổi

Sự kiện đáng buồn gần đây nhất là Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) từ bỏ K.KH sau gần chục năm chung lưng đấu cật. Hàng loạt ông bầu (hoặc doanh nghiệp) ngán thứ đầu tư rủi ro nặng trong bóng đá và rút lui hàng loạt. Kết quả có vài tháng ngắn ngủi, có đến 8 đội bóng V-League, hạng Nhất giải thể trong chớp mắt.

Nhiều ông bầu có số má như bầu Long, bầu Tuấn, bầu Thọ, bầu Trường, bầu Thụy cũng rút lui khỏi cuộc chơi tốn kém này. Nhiều ông bầu nói thẳng là bỏ trăm tỷ đồng vào kinh doanh, họ có thể thu lại con số lợi nhuận gấp 3, 4 lần.

Nhưng khi rót tiền vào lĩnh vực bóng đá, họ nhận lại chỉ toàn trái đắng, lỗ nặng, cho dù họ đều là những doanh nhân thành đạt bậc nhất ở Việt Nam. Mới đây, bầu Thụy đã phải thừa nhận mình làm bóng đá kiểu ăn xổi. Đấy không phải là trường hợp cá biệt đầu tư vào bóng đá theo kiểu cảm tính, vụ lợi, ngẫu hứng.

Bóng đá cũng cần CEO giỏi

Vậy nguyên nhân các ông bầu ta thất bại hàng loạt, kéo theo sự đổ vỡ dây chuyền của cả nền bóng đá chuyên nghiệp nước nhà?

Đó có thể là lý do kinh tế lạm phát, khiến các doanh nghiệp ''mẹ'' gắn tên các CLB rơi cảnh vỡ nợ, làm ăn thua lỗ. Trong bối cảnh phải siết chặt lại hoạt động, việc rút bớt ''bầu sữa'' cho bóng đá, thậm chí đoạn tuyệt hẳn được đưa ra.

Nhưng nguyên nhân chủ đạo, nhiều ông bầu ở ta bước vào địa hạt bóng đá mà kiến thức về chuyên môn thể thao gần như quá ít. Đa phần các ông bầu khi nhảy vào đầu tư các CLB cũng chỉ vì cảm tính, thú vui với bóng đá.

Họ lấy kinh nghiệm hàng chục năm lăn lộn với thương trường, buôn bán để áp dụng rập khuôn vào việc quản lý, điều hành các CLB.   

Nếu có tiền mà không biết đầu tư, sử dụng sao cho chính đáng, hay có người tâm phúc bên cạnh, rất khó các ông bầu thành công. Trường hợp bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển thành công trong những năm qua, luôn gắn liền những "cánh tay phải" tinh thông bóng đá. Có thể kể đến trường hợp GĐĐH Phạm Phú Hòa (ĐT.LA), Nguyễn Tấn Anh (HA.GL) hay Nguyễn Quốc Hội (HN.T&T) là những CEO bóng đá thực sự để lại dấu ấn.

Còn lại đa phần các CEO bóng đá các CLB còn lại chưa thực sự có cá tính, tài tổ chức và hiểu biết cả trên địa hạt doanh nghiệp lẫn bóng đá. Trường hợp CEO Trần Tiến Đại của XMXT.SG lại xuất thân từ ''cò'' cầu thủ, nên không tạo được sự tin tưởng.

Có người còn thất bại nặng nề do kiến thức bóng đá ít ỏi, lại thiếu người tâm phúc thật sự như bầu Thọ ở N.SG là một ví dụ. Kết quả, là sau 3 năm mua đội bóng Quân khu 4 về Sài thành, bầu Thọ bán tống bán tháo đội bóng toàn ''sao'' của mình cho anh em bầu Thụy với giá chỉ 21 tỷ đồng.

Nhìn đi nhìn lại mới thấy, bóng đá, tình yêu là chưa đủ. Nhất thiết với ông bầu ngoài tiền bạc, sự trải nghiệm từ kinh doanh, họ cần có kiến thức vững vàng, chuyên sâu về bóng đá. Với địa hạt thể thao, không phải cứ những phép đổ thật nhiều tiền bạc, dùng cảm tính kinh doanh đầu tư là thu lại ngay thành công. Trái lại kiểu đầu tư manh mún, chụp giật của nhiều ông bầu ở ta còn phá hoại thay vì xây dựng bóng đá nước nhà phát triển.

Bóng đá Việt Nam đang thiếu hẳn những ông bầu, CEO bóng đá thực sự giỏi kinh doanh, tinh thông trong bóng đá. Nếu những "VIP'' ở ta không cắp sách đi học bóng đá, bên cạnh kinh nghiệm thương trường đã có, thì con số đội bóng, ông bầu rút lui ở ta sẽ khó có cơ dừng lại.  

MỘC MIÊN
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm