Bóng đá Nghệ An được, mất gì trong khủng hoảng

01/01/2013 08:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

Có người nói vui, Nghệ An giờ đây có thể lập được Sông Lam 1 và Sông Lam 2 vẫn đủ sức đá V.League mà không biết đội nào thắng đội nào. Nhưng cũng có lúc ngôi nhà Sông Lam lại trở nên đông con, chật chội. Lo bữa sáng, bữa tối chưa xong đã có đứa kêu quần áo, sách vở.

Nghệ An không phải là địa phương duy nhất ở nước ta duy trì tốt công tác đào tạo trẻ, cũng không phải là nơi duy nhất có đội 1 đoạt ngôi VĐQG. Nhưng chắc chắn, cho đến thời điểm này, so với những địa phương có nền tảng bóng đá phong trào và đỉnh cao tốt như Nam Định, Đồng Tháp.., chỉ có Nghệ An là nơi đội 1 liên tục giữ được hạng chuyên nghiệp. Để duy trì được “niềm tự hào” đó, Nghệ An đã chấp nhận rất nhiều được, mất đáng nói.

Cái được lớn nhất là củng cố niềm tin về hướng phát triển vững bền của một lò đào tạo có tiếng với đội ngũ thầy giỏi, trò chăm ngoan và tương lai rực sáng cho những tài năng trẻ. Xu hướng xã hội hóa thể thao từng bước được vận hành có hiệu quả, đội bóng dần tách khỏi “bầu sữa” ngân sách eo hẹp và tự bước đi trong cơ chế bóng đá chuyên nghiệp.

Thương hiệu và giá trị trên thị trường chuyển nhượng của các cầu thủ SLNA tăng lên đáng kể. Bóng đá Nghệ An tiếp tục là nơi cung cấp rất nhiều nguồn lực cho các đội tuyển quốc gia…



SLNA (trái) không đủ tiền giữ chân hết các trụ cột. Ảnh: V.S.I

Nhưng SLNA cũng đã và đang đứng trước nhiều thách thức đáng kể. Là địa phương nghèo, nhà tài trợ không thuộc diện mạnh tay nên không tránh khỏi tình trạng một số cầu thủ “đứng núi này trông núi nọ”, thi đấu cầm chừng chờ hết hạn hợp đồng để đi tìm đội bóng mới trả lương cao, thưởng lớn. Môi trường bóng đá chuyên nghiệp nửa vời cũng nảy sinh nhiều tệ nạn mà Nghệ An thường là “đất lành” rất dễ lây lan, không kiểm soát nổi.

Hiện nay, khi bóng đá nước nhà rơi vào chỗ trũng nhất của vũng lầy khủng hoảng, Nghệ An không đến mức phải giải tán đội bóng , hay giảm 50% lương nhưng cũng lâm vào cảnh dở khóc, dở cười. Đội bóng sẽ phải tính toán lo lót để tồn tại trước khi tính đến những chiến lược dài hơi.

Ban lãnh đạo không thể chủ động trong việc giữ ai, bỏ ai bởi ngân sách không cho phép. Thương hiệu và giá trị một số tuyển thủ bỗng trở nên “lỡ thì” vì đi không được, ở lại không xong. Các chú, các bác muốn thương các cháu cũng chịu, đành “gả” …ra đường như trường hợp Văn Quyến, Quốc Vượng..

Cũng vì khủng hoảng, một số trụ cột của đội bóng không bị ai dòm ngó, lôi kéo. Tình trạng chảy máu nhân tài, vì thế đã không thể xảy ra như trước.

Nhưng cũng từ đó mà ngôi nhà Sông Lam lại trở nên đông con, chật chội. Lo bữa sáng, bữa tối chưa xong đã có đứa kêu quần áo, sách vở. May mà đứa nào cũng khỏe mạnh, bất đắc dĩ mới cắp giày đi đá sân người khác…

Có người nói vui, Nghệ An giờ đây có thể lập được Sông Lam 1 và Sông Lam 2 vẫn đủ sức đá V.League mà không biết đội nào thắng đội nào. Cũng không ai trông ra, nhìn vào nữa vì đây đang là thời điểm “lụt thì lút cả làng”. Mùa bóng mới khởi tranh chậm, không thu hút nhiều người và SLNA cũng bị cuốn đi trong dòng đục ngầu đó…

Theo VietNamNet

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm