Bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam: Câu chuyện bị lãng quên

15/12/2012 09:35 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện bản quyền truyền hình của các giải đấu bóng đá Việt Nam từng một thời om sòm, ầm ĩ, bỗng nhiên bị lãng quên, chẳng ai đề cập đến trong bối cảnh cả nền bóng đá đang phấp phỏng cầm hơi chờ qua ngày đoạn tháng.

Giờ ai còn nhớ bản quyền truyền hình V-League từng có giá tới cả trăm tỷ đồng? Ảnh: VSI

Từ cuộc họp của VPF đến cuộc họp của VFF, bao nhiêu vấn đề của bóng đá Việt Nam ở thời điểm này được nhắc đến, nhưng hình như chẳng thấy ai còn nói đến chuyện bản quyền truyền hình.

Cách đây một thời gian, câu chuyện bản quyền truyền hình của các giải bóng đá Việt Nam om sòm và ầm ĩ, tốn nhiều giấy mực của báo chí. Từ việc VFF kí độc quyền 20 năm với AVG, sau đó VPF ra đời và từ đó xuất hiện một “cuộc chiến bản quyền truyền hình” giữa 2 bên là “liên minh” VFF-AVG với VPF.

Sau đó, Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ đã “nhượng” lại bản quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam cho VPF với giá 0 đồng, nhưng trong văn bản của AVG có “thòng” thêm điều khoản VPF phải cam kết kiếm về cho bóng đá Việt Nam mỗi năm một khoản tiền là 50 tỷ đồng từ bản quyền truyền hình.

Bầu Kiên khi nói về bản quyền truyền hình đã từng có những tuyên bố gây sốc, trong đó có việc mỗi năm VPF có thể thu về đến cả trăm tỷ tiền tiền bản quyền truyền hình.

VPF đã điều hành các giải đấu bóng đá Việt được một mùa. Con số các trận đấu được phát sóng cụ thể là bao nhiêu, mức độ quan tâm của khán giả truyền hình với các trận đấu được tường thuật trực tiếp của V-League như thế nào? Số tiền thực thu được từ bản quyền truyền hình là bao nhiêu, số tiền ấy đã được sử dụng như thế nào? Những nhà tài trợ của “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam” đã tài trợ tiền hay chưa, số tiền đã được chuyển vào tài khoản của VPF là bao nhiêu? Tất cả những câu hỏi này, đến nay vẫn chưa có một lời giải đáp rõ ràng, cụ thể và thỏa đáng từ những người có trách nhiệm.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, truyền thông quảng cáo đều có phần thu hẹp lại, và chỉ cần nhìn sơ qua cũng có thể thấy được rằng khó kiếm được tiền trăm tỉ từ những trận đấu V-League được tường thuật trên sóng truyền hình. Từ lâu, khán giả đã không mấy mặn mà với giải V-League, mà khoái xem bóng đá các giải bóng đá châu Âu, mà điển hình là Ngoại hạng Anh, hơn rất nhiều.

Một vấn đề khác khiến phải đặt lại câu hỏi về vấn đề bản quyền truyền hình là V-League và cả giải hạng Nhất đều đã giảm xuống về số lượng đội bóng tham dự. Ở mùa giải 2013, V-League còn 12 đội và giải hạng Nhất chỉ còn có 8 đội. Số đội bóng giảm xuống, số trận đấu giảm xuống và đương nhiên số trận đấu được tường thuật trực tiếp thì cũng giảm xuống theo. Thêm nữa, đó là vấn đề chất lượng của các trận đấu, và cùng với đó là sự quan tâm của khán giả truyền hình, nếu cũng đều sụt giảm, thì vấn đề bản quyền truyền hình sẽ như thế nào?

Trong vô số những vấn đề của bóng đá ở thời điểm này thì tự nhiên bản quyền truyền hình lại “vô tình” bị lãng quên, từ vấn đề nóng gây tranh cãi thành một câu chuyện chẳng ai buồn nhắc tới.

Trần Uy Vũ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm