Dư âm CK Champions League: Là một, là riêng, là thứ nhất…

30/05/2009 13:32 GMT+7 | Champions League

(TT&VH Cuối tuần) - Sân cỏ châu Âu đã có ông hoàng mới. Cái dớp không thể bảo vệ ngôi vô địch tiếp tục “ám” Champions League mà M.U là nạn nhân thứ 4 đầy tiếc nuối. Nhưng dù thất vọng ngập tràn, không có suối nước mắt với kẻ thất bại ở Olimpico. Hơn ai hết, cựu Hoàng hiểu rằng họ đã thua một cách toàn diện bởi một lẽ đơn giản, Barcelona xứng đáng là đội bóng hay nhất thế giới hiện nay.

Ngay cả giới truyền thông Anh vốn nổi tiếng bênh “gà nhà” cũng chỉ biết an ủi M.U bằng nhận định chắc nịch: “Thua là đúng thôi”. Trong trận chung kết chắc chắn đi vào lịch sử như thế này, đáng buồn cho M.U là nó sẽ được nhớ đến như một màn trình diễn kinh điển của Barcelona. Không còn là màu Đỏ rực rỡ như suốt 25 trận bất bại trước đó, M.U nhạt nhòa như chính màu áo Trắng họ mang. Khi hồi còi chung cuộc vang lên, khi người thợ khắc hối hả chạm dòng chữ FC Barcelona lên chiếc cúp, cũng là lúc là M.U kết thúc một tối đáng quên.

Dù nó đã khởi đầu đầy hy vọng. Những phút đầu tiên, M.U hừng hực khí thế với không ít tình huống nguy hiểm tạo được mà đáng kể nhất là cú sút phạt hiểm hóc của Cristiano Ronaldo rồi Park Ji-sung băng vào chỉ chậm một chút. Thông số thống kê sau 9 phút về dứt điểm: M.U 5, Barcelona 0. Nhưng chỉ 1 phút sau đó, bảng điện tử đã là 1-0 nghiêng về Barcelona chỉ sau pha lên bóng đầu tiên của đội bóng xứ Catalania.
 
Henry và Pedro (trái) với chiến tích vừa giành được

“Những màn trình diễn hay nhất của chúng tôi mùa giải này là khi hàng phòng ngự hiệu quả. Nhưng đêm nay, họ lại quá tồi”, Sir Alex Ferguson than vãn. Đúng là có nhiều gương mặt phải lặng lẽ cúi đầu khi Samuel Eto’o ăn mừng. Nemanja Vidic, trung vệ thép suốt 9 tháng qua, dễ dàng bị qua mặt bởi một cú quặt đơn giản. Edwin van der Sar không khép nổi góc gần. Và khi Lionel Messi ghi bàn thứ 2 kết liễu trận đấu, anh hoàn toàn không bị ai kèm. Nó giống như một cái tát vào mặt bóng đá Anh khi để cầu thủ nhỏ bé nhất trên sân ghi bàn bằng…đầu.

Sai lầm chiến thuật?

Phải chăng, Sir Alex đã có một lựa chọn không chính xác ngay từ đội hình xuất phát? Những bàn thua của M.U mang dấu ấn khá lớn của hàng phòng ngự nhưng vấn đề xuất phát từ phía trên khi hàng tiền vệ không làm tròn nhiệm vụ phòng ngự từ xa.

Chỉ bố trí Michael Carrick cùng Anderson ở vị trí tiền vệ trung tâm là quá mỏng. Trong khi Carrick mất hút thì Anderson làm người ta liên tưởng đến một con gà…cụt đầu chạy lăng quăng không mục đích. Anh lớn tiếng rằng sẽ…nuy chạy quanh sân nếu ghi bàn (đã 74 trận mới ghi 2 bàn cho M.U từ chấm phạt đền!) nhưng Anderson cũng chỉ hiện diện được 45 phút để nhận điểm thấp nhất từ các nhà bình luận. Người ta thấy tiếc khi không có “công nhân” Darren Fletcher. Song Sir Alex vẫn còn sự lựa chọn khác như Paul Scholes chẳng hạn. Tại sao không tin cậy vào kinh nghiệm của một lão tướng như vậy?

Quan trọng hơn, liệu có phải Sir Alex đã sai lầm khi không rút ra được bài học từ Chelsea ở bán kết? Cách đối phó hữu hiệu nhất với Barcelona chính là không để họ chơi bóng như những gì mà Guus Hiddink đã áp dụng gần thành công ở Stamford Bridge trước phút cuối định mệnh. Đó là một hàng tiền vệ dày đặc, sẵn sàng “chém đinh chặt sắt”, khép kín các khoảng không. M.U đã từng phòng ngự hay chẳng kém như vậy khi loại Barcelona ở bán kết năm ngoái.

Nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất ở đây là khả năng thích ứng. M.U nhập cuộc tốt hơn song sau khi thủng lưới lại loay hoay không rõ phương án B như thế nào. Họ liên tục xáo trộn, điều chỉnh, cố tìm một công thức chính xác để rồi ngày càng mất nhịp. Đơn cử như Ryan Giggs. Hai trận chung kết Champions League trước, anh chơi ở cánh phải. Ở Olimpico, anh bắt đầu ở vị trí như một tiền đạo thứ hai phía sau Ronaldo rồi sau đó là ở tiền vệ trung tâm. Chẳng vị trí nào tỏ ra thích hợp. Park Ji-sung cùng Wayne Rooney liên tục đảo cánh nhưng bóng cũng không tìm đến. Những điều chỉnh như tung Carlos Tevez rồi Dimitar Berbatov, Paul Scholes vào sân trong hiệp 2 không phát huy tác dụng. Các mối liên kết đã bị vỡ vụn trước đó mất rồi.

Khúc tam tấu

Về cơ bản, cả M.U lẫn Barcelona đều sử dụng đội hình 4-3-3 với hàng công tách biệt khá rõ. Và trong khi người ta nói nhiều về cuộc so tài Ronaldo-Messi trước trận đấu, chính bộ ba phía sau họ mới đóng vai trò quyết định dù sau ở Olimpico, Messi đã làm lu mờ hoàn toàn Ronaldo.

Andres Iniesta, Xavi Hernandez và Busquets đã làm lu mờ hoàn toàn Carrick, Anderson và Giggs. Công bằng mà nói, dù M.U có tung Scholes ngay từ đầu, có Fletcher không bị treo giò đi chăng nữa, họ cũng không thể đưa ra được một hàng tiền vệ kiềm chế được “ba nhạc công” trên. Nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, khéo léo. Khúc tam tấu này khẳng định nhịp độ trận đấu luôn do Barcelona nắm giữ. Cùng với Messi được chuyển vào giữa liên tục lên xuống làm cầu nối, họ chơi một thứ bóng đá chỉ có thể bình luận là “vô đối”. Iniesta kiến tạo cho Eto’o mở tỷ số. Xavi chuyền cho Messi ghi bàn thứ hai. Chính những tiền vệ này mới là người thực sự nắm chìa khóa trận đấu mà ngay cả Rooney cũng phải khen ngợi: “Tôi nghĩ, Iniesta đang là cầu thủ hay nhất thế giới hiện nay”.

Trái bóng cứ quẩn quanh chân họ. Nhẹ nhàng, uyển chuyển, đơn giản nhưng lúc nào cũng có thể biến thành lưỡi dao sắc nhọn chọc thủng hàng phòng ngự đối phương. Đó là cách mà Barcelona đã thể hiện trước Arsenal ở Paris 3 năm trước, nhưng lần này còn siêu đẳng hơn. Bóng đá Anh phải cay đắng chứng kiến thực tế rằng những ông Vua về phối hợp nhỏ, chuyền ngắn của mình là Arsenal, là M.U vẫn còn kém xa “bậc thầy” phong cách này là Barcelona. Nó làm người ta nhớ lại giai đoạn bóng đá Anh trở lại đấu trường châu Âu sau một thời gian dài bị cấm tham dự. Các đội bóng xứ sở sương mù cũng lép vế hoàn toàn kiểu như M.U trước Barcelona vậy! Cái cách các cầu thủ Barcelona “chăm chút” với trái bóng hẳn làm người hâm mộ Anh chạnh lòng, nhất là không ít thời điểm, M.U bối rối quay trở về kiểu “kick & rush” thô sơ khi tuyến dưới phát bóng hú họa lên trên.

Tích, tích, tích, tích. Đó không phải là những đường đan lát rườm rà kiểu Arsenal. Đó không phải là những pha bật nhanh, tốc độ kiểu M.U. Đó là lối chơi đặc trưng và độc nhất vô nhị kiểu Barcelona. Điềm tĩnh, chậm rãi, chắc chắn với những đôi chân như…phết keo và xử lý một chạm. Sir Alex gọi đó là “kiểu chuyền vòng quay”. Chủ tịch UEFA Michel Platini chỉ biết thốt lên: “Tôi bị Barcelona quyến rũ mất rồi”. Và cả thế giới cũng vậy. Nhiều người tiếc nuối rằng trận chung kết này đã không thực sự là “trong mơ”, thiếu tính ngoạn mục như chờ đợi. Nhưng đơn giản vì Barcelona quá lấn lướt, không để M.U chơi bóng như một đối thủ thực sự. Barcelona đã chứng minh nhiều điều trong đêm đáng nhớ ở Rome vừa qua, song trong đó có lẽ điều quan trọng nhất là chân lý giản đơn: nếu không có bóng, bạn chẳng là gì trên sân!

Mùa giải khép lại với M.U bằng nỗi buồn dù họ vẫn có thể tự hào với cú ăn ba Premier League, Cúp Carling cùng World Club Championship. Nhưng danh hiệu sau cũng chỉ là lý thuyết mà thôi. Barcelona đã chứng minh họ mới thực sự là CLB hay nhất thế giới hiện nay. Trên đỉnh cao đó, chỉ có họ mà thôi…

10 nhà vô địch gần đây

Mùa Đội vô địch

2008-2009 Barcelona

2007-2008 M.U

2006-2007 Milan

2005-2006 Barcelona

2004-2005 Liverpool

2003-2004 Porto

2002-2003 Milan

2001-2002 Real Madrid

2000-2001 Bayern

1999-2000 Real Madrid
 

Bảng vàng Cúp C1/Champions League

Số lần Đội vô địch

9 lần Real Madrid

7 Milan

5 Liverpool

4 Ajax, Bayern

3 Barca, M.U

2 Benfica, Inter, Juventus,

Nottingham, Porto

1 Aston Villa, Dortmund,

Celtic, Sao Đỏ Belgrade,

Hamburg, Marseille, PSV,

Steaua Bucharest.

 

Trung Sơn (Hong Kong)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm