Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Chờ tới bao giờ?

08/08/2009 11:15 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dự án tiền khả thi về việc xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (BTTNVN) đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào năm 2002. Theo đó, Việt Nam sẽ có một bảo tàng khổng lồ với vai trò lưu giữ, trưng bày và giới thiệu hầu hết các giá trị thiên nhiên của quốc gia… Nhưng, sau 7 năm triển khai thực hiện, vì nhiều lí do khác nhau, BTTNVN vẫn chỉ là một công trình nằm trên giấy…

Giấc mơ trưng bày “rừng vàng biển bạc”

Nói đúng hơn, dù đã được thành lập, BTTNVN hiện chỉ có một khu văn phòng nhỏ, nằm “ké” trong khuôn viên của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Còn phần diện tích dự kiến rộng 10 héc ta (gấp 3 lần diện tích Bảo tàng Dân tộc học hiện nay) thì vẫn chưa thấy đâu.

Theo dự án, BTTNVN được chia làm hai phần. Phần trong nhà chiếm 1/3 tổng diện tích, chủ yếu để trưng bày các tiêu bản và mẫu vật thuộc dạng “chết”, bao gồm những chuyên đề như vũ trụ- trái đất- con người; Khu về thiên nhiên và con người; Tài nguyên thiên nhiên; Khai thác tài nguyên; Sự phát triển của tự nhiên... 2/3 diện tích còn lại là khu trưng bày ngoài trời, được chia thành từng sinh cảnh riêng như hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, hệ sinh thái ôn đới, vùng cực, vùng sa mạc...


Một số tiêu bản động vật quý hiếm đang được lưu giữ tại Bảo tàng

“Tất nhiên, theo điều kiện khí hậu Việt Nam, hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới sẽ là nội dung trưng bày lớn nhất. Với các sinh cảnh còn lại, chúng tôi đang nghiên cứu tìm những biện pháp để triển khai cho thích hợp” - ông Phạm Văn Lực, Giám đốc BTTNVN, cho biết. Theo như viễn cảnh ông Lực đưa ra, rất nhiều sinh cảnh trong phần trưng bày sẽ được bố trí màn chiếu, máy tính và các thiết bị chuyên dụng khác bên cạnh phần mô hình. Có nghĩa, khi vào tham quan một sinh cảnh, người xem sau khi quan sát chỉ cần bật máy để chứng kiến các đoạn phim tư liệu hoặc phim minh họa bằng công nghệ 3D để tìm hiểu thông tin một cách “từ A tới Z”. Thậm chí, các chuyên gia của Bảo tàng sẽ nghiên cứu việc xây dựng mô hình triển lãm và nuôi động vật quý hiếm theo hình thức bán hoang dã tại đây.

Lưu trữ các mẫu động vật quý hiếm

Hiện tại, BTTNVN đã thu thập và lưu giữ hơn 1.000 mẫu động vật quý hiếm các loại. Theo nguyên tắc, đây là nơi tiếp nhận và lưu trữ các nguồn động vật quý hiếm bị tich thu trong những vụ án khác nhau. Ngoài nguồn động vật và mẫu vật từ các đơn vị hải quan, tòa án, viện kiểm sát... BTTNVN còn được sự trợ giúp của Trung tâm cứu hộ động vật quý hiếm Việt Nam, cũng như mua lại và tiếp nhận các bộ sưu tập động vật quý hiếm của quốc tế.

Hiện, bên cạnh hàng chục bộ sưu tập về ốc sên, rắn, bướm, chim... BTTNVN đang trông giữ hơn 20 chiếc sừng tê giác, khoảng 300 thanh ngà voi, hàng chục cân vỏ đồi mồi, 6 con hổ nhồi và nhiều động vật khác như gấu, báo, khỉ, voọc

9 năm và 4 lần “tìm nhà”

Sau 9 năm với 3 lần thay đổi qua 4 vị trí khác nhau, Bảo tàng vẫn chưa có địa điểm chính thức để lập Dự án trình thủ tướng Chính phủ - cho dù cả 4 địa điểm trên vẫn là đất để hoang.

Cụ thể, năm 2000, khi đang xây dựng dự án tiền khả thi, dự án được cấp cho 6,7 ha đất thuộc khu vực Xuân Đỉnh - Từ Liêm. Tuy nhiên, một thời gian sau, theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, diện tích trên là quá nhỏ so với quy mô của Bảo tàng, bởi vậy UBND Hà Nội được đề nghị xem xét và cấp cho Bảo tàng diện tích từ 10 ha trở lên.


Những mẫu vật này mong một ngày sẽ được sống trong một bảo tàng đúng nghĩa

Tiếp đó, năm 2006, Sở QHKT Hà Nội tiếp tục giới thiệu cho BTTNVN 10 ha đất tại phần đất nằm trong quy hoạch Công viên động vật bán hoang dã, thuộc xã Mễ Trì, Từ Liêm (gần Trung tâm Hội nghị quốc gia). Trong quãng thời gian đó, các chuyên gia Bảo tàng đã hoàn thành việc lập bản đồ đo hiện trạng, xác định chỉ giới đường đỏ, xây dựng đề cương thiết kế quy hoạch xây dựng... Tuy nhiên, việc cấp đất này bị dừng lại vì theo chỉ đạo chung, tất cả các dự án quanh Trung tâm Hội nghị quốc gia chưa triển khai, chưa khởi công, chưa giao đất sẽ phải dừng lại để chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét lại quy hoạch tổng thể của toàn bộ khu vực này.

Tháng 10/2007, Sở QHKT Hà Nội đề xuất cấp cho bảo tàng từ 10-15 ha đất tại xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, thuộc khu vực bờ Tây sông Nhuệ. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng bị dừng lại ngay sau đó vì lý do không còn đất. Rồi, cuối năm 2008, BTTNVN lại nhận được đề xuất xây dựng tại trục đường Láng - Hòa Lạc, gần ngã ba Hòa Lạc Xuân Mai (cách trung tâm Hà Nội khoảng 24 km). Nhưng, khi đang chuẩn bị lập các thủ tục để nhận đất, họ lại nhận được thông tin khu đất này đã được UBND Hà Tây (cũ) cấp cho một doanh nghiệp vào tháng 7/2008, nghĩa là chỉ một tháng trước khi sáp nhập về Hà Nội.

Theo lời ông Lực, nếu được đặt giữa Trung tâm Hà Nội, BTTNVN sẽ phát huy được hết các thế mạnh của mình . Tuy nhiên “tới cảnh này thì cho đất chỗ nào chúng tôi cũng nhận”.

Được biết, mỗi năm BTTNVN đều được cấp 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng kinh phí để đầu tư các khoản về đo vẽ đất đai xây dựng mặt bằng, xây tường rào... Và liên tục trong những năm ấy, họ đều phải trả lại Nhà nước khoản tiền này. Bởi không có đất, các chuyên gia của Bảo tàng cũng không có dữ liệu nào để tiến hành những công việc nói trên.

Hoàng  Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm