Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết và cách xử trí

30/03/2017 12:47 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Hạ đường huyết là một tình trạng đặc trưng bởi mức thấp bất thường của lượng đường trong máu (glucose), nguồn năng lượng chính của cơ thể.

Hạ đường huyết thường liên quan đến việc điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, một số tình trạng bệnh khác có thể gây hạ đường huyết ở cả những người không bị tiểu đường.

Khi bị hạ đường huyết, các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Đặc biệt là não và hồng cầu là hai cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế hạ đường huyết kéo dài có thể gây tổn thương não, thậm chí hôn mê gây tử vong.

1. Triệu chứng của hạ đường huyết:

Biểu hiện của từng trường hợp hạ đường huyết là không giống nhau, tùy theo từng mức độ. Người bệnh có những triệu chứng riêng cho từng mức độ hạ đường huyết:

Mức độ nhẹ: Người bệnh bị hạ đường huyết cảm thấy đói cồn cào, đau bụng, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, run tay, đánh trống ngực và vã mồ hôi.

Mức độ trung bình: Có biểu hiện về thần kinh, người bệnh thấy cơ thể bạc nhược, lú lẫn, dễ bị kích động.

Trường hợp nặng: Người bị hạ đường huyết trường hợp nặng có thể xuất hiện lú lẫn cấp tính, dễ bị kích động.


2. Làm gì khi bị hạ đường huyết?

- Sử dụng máy đo đường huyết hoặc các sản phẩm hỗ trợ kiểm tra đường huyết để biết chính xác mức đường huyết suy giảm.

- Đối với những bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết thì cần nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, uống súp hoặc một cốc nước đường.

- Nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi tỉnh táo hơn thì nên ăn một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

- Nếu hạ đường huyết do bệnh tiểu đường thì nên tuân theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc trong việc dùng thuốc và chế độ ăn uống hằng ngày.

3. Vai trò của tự kiểm tra đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

Tự đo đường huyết là việc làm cần thiết vì bệnh nhân cần biết mức glucose huyết để điều chỉnh lượng thuốc cho phù hợp, từ đó có thể góp phần vào việc duy trì đường huyết ở mức độ bình thường và tránh được tai biến do sự dao động đường huyết. Bệnh nhân đái tháo đường đều phải tự kiểm tra đường huyết tại nhà bằng "máy đo đường huyết". Đây là một dạng dụng cụ nhỏ gọn có thể mang theo người dễ dàng.

DS. Trang Minh Quân Khoa Dược (BV Hoàn Mỹ Cửu Long)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm