M.U: Vàng đã cầm, không thể để rơi

01/01/2013 13:49 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Trong vòng đấu bùng nổ bàn thắng nhất mùa này, với 38 bàn đã được ghi (tính đến trước trận Queens Park Rangers - Liverpool), Manchester United là đội duy nhất trong tốp 5 giữ sạch lưới. Khi sự mệt mỏi và không khí Giáng sinh lẫn năm mới khiến tất cả đều mất đi đáng kể sự tập trung, thì M.U bất ngờ lại trở nên vững vàng.

1. Đó mới là lần thứ tư mùa này, M.U giữ sạch lưới ở Premier League (lần thứ ba tại Old Trafford). Lần gần nhất họ thắng kiểu này là thời điểm cuối tháng 11, đánh bại West Ham 1-0: Một bàn thắng sớm của Robin van Persie (ngay phút đầu tiên), và sau đó cả đội lao động để giữ thành quả ấy, một cách tập trung, kỷ luật và khôn ngoan.

Nhưng đó không phải cách để M.U leo lên đầu bảng mùa này. Những chiến thắng của họ mùa này phần lớn được sản sinh khi bị đối thủ dồn vào thế khó, dù phải rượt đuổi bàn thắng luôn là điều bất đắc dĩ với HLV Alex Ferguson kể từ sau khi ông hiểu ra rằng lối chơi ngây thơ đã đem đến cho họ cú ăn ba lịch sử năm 1999 không phải là nền tảng cho thành công lâu dài.


 Vàng đã cầm, đừng để rơi, M.U!

Nhưng không phải M.U chủ trương chơi "thoáng" mùa này. Đơn giản là hàng thủ của họ, đang trong quá trình chuyển giao, không còn đủ sức là chỗ dựa đáng tin cậy cho đội bóng.

Vì sao? Chúng ta cũng chỉ thấy M.U tăng tốc khi họ rơi vào thế buộc phải như vậy. Còn trong hầu hết các trận đấu, HLV Ferguson thường cho đội bóng tiếp cận khung thành đối phương một cách chậm rãi. Áp đặt lối chơi từ lâu cũng không phải sở trường của M.U, nhưng chính vì họ không còn đủ chắc chắn và luôn phải giữ thế cửa trên, đội bóng áo đỏ thường bị chọc thủng lưới trước.

2. Nhưng sự khôn ngoan và bản lĩnh thường thấy của M.U không hề mất đi, và khi phòng ngự không còn chắc chắn, điều kiện để họ vận hành lối chơi thường thấy là một bàn dẫn trước, càng sớm càng tốt. Hai trận thắng West Ham và West Brom đều đến với cùng một kịch bản như thế, và chúng ta đều thấy sự chắc chắn đáng sợ của M.U khi được tạo điều kiện, dù họ, như đã nói, không còn giữ được truyền thống phòng ngự trong mọi hoàn cảnh.

Một phẩm chất khác của M.U cũng được "phát hiện" mùa này là khả năng tấn công một cách khôn ngoan khi bị rơi vào thế phải rượt đuổi. Đừng nhìn vào những tỉ số kinh hoàng mà cho rằng họ đã lao vào một thế trận tấn công mở. M.U tấn công luôn tỉnh táo, và chính vì thế, một bậc thầy về đánh hơi cơ hội vào thời điểm này, Robin van Persie, trở nên vô cùng nguy hiểm.

3. Đấu pháp và những thói quen chiến thuật của M.U thường trùng với những thói quen về mặt chiến lược của họ. Đội bóng của HLV Ferguson có thể bị đối phương bỏ lại phía sau với khoảng cách không hề nhỏ (giống như việc có thể bị thủng lưới trước trong một trận đấu cụ thể), nhưng đó không phải vấn đề quá lớn với họ. Mùa trước, Man City đã từng hơn đội áo đỏ đến 8 điểm, nhưng chức vô địch chỉ được định đoạt vào phút chót. Và khi đội bóng của Sir Alex đã dẫn trước, thì thường là đối phương không có nhiều cơ hội phản kích.

M.U có đủ kinh nghiệm, lẫn những "chiêu trò sân khấu" để tạo ra áp lực cho đối phương, hoặc để xoay chuyển cục diện, hoặc để giữ lợi thế họ đã tạo được (trò tâm lý chiến, biểu hiện qua những phát ngôn chỉ trích đối thủ hoặc trọng tài của HLV Ferguson, là ví dụ điển hình). Với các mùa bóng mà M.U đã "gác" đối thủ một khoảng cách điểm an toàn, thì khả năng vượt mặt họ là rất khó.

Trận thắng West Brom, với một thế trận mà M.U đã kiểm soát được đối thủ hoàn hảo, là chiến thắng được tạo ra nhờ một lợi thế thiết lập sớm (bàn dẫn trước). Không phải ngẫu nhiên mà đội bóng của Sir Alex lại chơi tốt đến thế, với đội hình sứt mẻ và ở một vòng đấu mà phần lớn các đội bóng lớn đều chơi mất tập trung.

Nếu chiếu theo thói quen về mặt chiến thuật ấy của họ trong một trận đấu, thì 7 điểm sau khi mùa giải đã đi hết nửa chặng đường, có thể xem như một sự kết thúc của Premier League mùa này?

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm