Mỗi tuần 1 chuyện: Wenger, còn sống, còn yêu

20/10/2014 20:38 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có nhiều người nói về Wenger, và sự lạc hậu của ông trong cách xây dựng lối chơi, nên đã khiến Arsenal yếu đuối đến như vậy. Đã có nhiều người cũng nói về ông, với sự cứng nhắc trong chính sách chuyển nhượng, sự chủ quan khi quá tin vào đội hình mình đang có trong tay, đã dẫn đến tình trạng Arsenal trở nên mong manh trước bất kỳ đội bóng nào ở Premier League thời hiện đại.

1. Rồi sẽ còn nhiều chỉ trích nữa hướng về đội bóng ấy, nhiều đến mức có thể sẽ có "hội chứng Stockholm" dành cho Wenger. Với nhiều ủng hộ viên Arsenal (và cũng có thể là những người không nằm trong cộng đồng pháo thủ), niềm tin họ dành cho Arsenal như con tin trong tay Wenger vậy. Và sẽ tới lúc, hội chứng kia xảy ra với họ, khi ở vị thế bị cầm tù, họ bỗng có cảm thông sâu sắc với Wenger như trường hợp những con tin ở Norrmalmtorg Square đã trải qua cùng tên cướp táo tợn Jan-Eril Janne Olsson hồi tháng 08/1973.

Thực ra, đã có nhiều người bỗng dưng cảm thông hơn với Wenger trong khoảng thời gian gần đây, sau một giai đoạn dài ông không mang lại danh hiệu, và cứ thách thức lòng kiên nhẫn của họ. Số người ấy có đông thêm hơn hay không? Đó là câu hỏi còn phải phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người, khi họ đối diện với những gì xảy ra ở Arsenal. Tất nhiên, sẽ vẫn có những người hoàn toàn miễn nhiễm với "hội chứng Stockholm" nhưng nếu có đủ dữ kiện, nhìn nhận sâu sắc và thấu đáo mọi khía cạnh của vấn đề, chuyện cảm thông với Wenger không hẳn là không thể nào xảy ra với mỗi chúng ta, kể cả khi Arsenal của ông tỏ ra yếu kém nhất.

2. Nếu bạn đã từng một lần nghĩ (và thậm chí nói ra) rằng Arsenal lẽ ra phải thay Wenger từ lâu rồi, bạn có thể dám chắc về một phương án nhân sự nào khác đủ tầm giúp Arsenal vẫn giữ được thói quen chiến thắng khi trong tay bạn chỉ còn đúng một trung vệ chuyên nghiệp duy nhất như trận đấu trước Hull đêm thứ Bảy vừa qua?

Tôi thì không tin rằng có nhiều HLV giỏi đủ sức chèo lái một đội bóng đi tới chiến thắng ở vào thời điểm 5 trụ cột (Debuchy-Koscieny-Chambers-Oezil-Giroud) không thể nào ra sân vì những chấn thương khác nhau. Ở những đội bóng khác, việc vắng đến 2 trụ cột trong một trận đấu đã đủ để HLV phải la làng rồi, và thậm chí còn lấy đó làm lý do để đổ lỗi cho những thất bại. Còn Wenger thì không. Ông không đổ lỗi cho chấn thương. Ông cũng không tỏ ra quá căng thẳng về chúng trước khi bóng lăn, dù rằng ông đang sống trong lo lắng tột cùng.

3. Sau trận "hòa-như-thua" (theo cách gọi chung) trước Hull, ít ai nói được một điều tích cực về Arsenal, dù chỉ là nhỏ nhoi nhất. Đó là họ đã chơi như sẵn sàng tận hiến đến tận hơi thở cuối cùng, như cái cách chúng ta vẫn hay nói một cách lạc quan với nhau là ‘còn sống-còn yêu’.

Họ có bàn gỡ ở phút bù giờ, và đến tận phút 90+7 vẫn còn dứt điểm cận thành lần cuối (Monreal). Họ đã kiên trì để không biến nỗi buồn trở thành bi kịch lớn. Đó mới chính là tác phong của một đội bóng lớn, một đội bóng không chấp nhận buông xuôi. Song, có lẽ phần tiêu cực luôn là miếng bánh lớn trong mắt cuộc đời. Thế nên, với Wenger, vẫn chỉ có những lời trách móc.

Nếu có trách, hãy trách công tác y tế của Arsenal vì sao lại để tình trạng chấn thương trầm trọng đến vậy.

Nhưng trách rồi, có lẽ ta lại nhìn Wenger như người Thụy điển nhìn Jan-Erik Janne Olsson hồi 1973???

* Hội chứng Stockholm: Là thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình. Nguồn gốc của thuật ngữ này là một vụ tội phạm xảy ra năm 1973 tại Stockholm, Thụy Điển: Sau một thời gian bị tên cướp Jan-Eril Janne Olsson bắt làm con tin, các nạn nhân lại quay ra cảm thông và thậm chí... bảo vệ y.


Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm