“Gieo gì, gặt nấy”

01/08/2012 08:15 GMT+7 | Đoàn Olympic Việt Nam

(TT&VH)- Cách đây chưa lâu, khi phóng viên TT&VH có dịp trò chuyện với Vũ Thị Hương về cuộc đua giành vé tham dự Olympic London 2012 của thể thao VN, lúc ấy đang diễn ra rất nhộn nhịp, Hương đã thẳng thắn mà rằng: “Nói thật với anh em cũng không thiết tha với chuyện giành vé dự Olympic đâu. Năm 2008 em thi Olympic ở Bắc Kinh rồi em biết, trình độ giữa VĐV nước khác với mình là một trời một vực, và chưa ra sân thi đấu đã biết chắc mình không có cửa tranh chấp huy chương thì còn đâu tinh thần chiến đấu nữa”.

Tâm sự của Vũ Thị Hương cũng trùng khớp với nhận xét của ông Nguyễn Hồng Minh, một nhà quản lý kỳ cựu của thể thao VN, trong cuộc trả lời phỏng vấn TT&VH vào ngày hôm qua. Ông Minh nói thẳng: “Trương Thanh Hằng hay Vũ Thị Hương dù có qua vòng loại thì cũng không làm được gì ở môn điền kinh ấy cả”.

Thực ra không cần phải nhờ tới phân tích của Vũ Thị Hương hay ông Nguyễn Hồng Minh mới biết thể thao VN đủ khả năng cạnh tranh huy chương ở những môn nào tại Olympic, vì với thể trạng như VĐV VN và kiểu đầu tư chỉ tăng khẩu phần dinh dưỡng và thuốc bổ trước ngày thi đấu vài tháng, mà lại nói tới chuyện cạnh tranh sức mạnh, sức bền với những VĐV nước ngoài từ châu Âu, châu Phi hay châu Mỹ thì quả là một điều hết sức ngớ ngẩn.



Ngân Thương vừa chuẩn bị cho Olympic vừa chữa chấn thương

Trần Lê Quốc Toàn, và trước đó là Hoàng Anh Tuấn và Trần Hiếu Ngân, lẽ ra là nên là hình mẫu mà những nhà quản lý thể thao VN nên lấy đó làm kim chỉ nam để vạch ra chiến lược tấn công đấu trường Olympic. Nói thế là bởi ở những hạng cân nhỏ và không đòi hỏi quá cao về yếu tổ thể hình thể lực như thế, thể thao VN mới có hy vọng tranh chấp huy chương.

Tương tự như thế là câu chuyện của Hà Thanh, có thể việc Hà Thanh giành HCĐ giải VĐTG sẽ không đồng nghĩa với chuyện Hà Thanh sẽ có huy chương ở Olympic London 2012, nhưng nếu Hà Thanh được đầu tư cấp tập và mạnh mẽ trong khoảng thời gian hơn một năm trước ngày khai mạc Olympic London 2012 thì biết đâu thành tích của cô còn được cải thiện hơn nữa, thay vì chỉ khiêm tốn như thế này.

Rất phi lý khi Hà Thanh phải chịu cảnh không có HLV chỉ bảo tới 4 tháng trời trong thời điểm quá trình chuẩn bị cho Olympic London đã bước vào giai đoạn nước rút. Hay cũng gây bất bình không kém là chuyện Hoàng Quý Phước sang Mỹ tập huấn nhưng lại không thể tập được ra hồn vì mâu thuẫn nội bộ, và cuối cùng phải quay về Trung Quốc tập luyện, vừa tốn kém một cách không cần thiết mà cuối cùng lại uổng phí, vì Quý Phước không được tới Olympic London tranh tài. Mà có khi như thế lại là tốt cho Quý Phước nói riêng và thể thao VN nói chung, bởi chuẩn bị như thế mà thi đấu tốt ở Olympic mới là chuyện lạ.

Có vẻ như một số nhà quản lý thể thao VN đã quá hăng hái với con số 18 VĐV giành vé chính thức tham dự Olympic London 2012, mà quên mất rằng trong số này có rất nhiều tấm vé theo dạng từ trên trời rơi xuống, và số VĐV VN có năng lực thực sự để lấy vé và tới Olympic tranh chấp huy chương một cách đường hoàng thì chỉ đếm được trên một bàn tay mà thôi.

Đã tham dự ngót chục kỳ Thế vận hội và thế kỷ 21 cũng đã bước sang thập kỷ thứ 2, mà đến giờ này chúng ta vẫn phải nghe một điệp khúc rất quen tai mỗi khi thể thao VN tranh tài ở những sân chơi đỉnh cao của châu lục và thế giới: “Chúng ta đã vượt qua chính mình”.

Nếu đến với Olympic chỉ để vượt qua chính mình thì cứ chăm chỉ tập luyện đều đặn ở nhà cũng có thể làm được điều đó, còn một khi đã tranh tài ở những giải đấu có quy mô và tầm cỡ như Olympic thì phải xác định đâu là những mục tiêu trọng điểm để đầu tư chuyên sâu, từ đó mới có cơ hội gặt hái huy chương, còn nếu chúng ta cứ tiếp tục cách tư duy “dàn hàng ngang để đến với Olympic” như hiện tại thì không biết tới bao giờ mới có cơ hội sở hữu thêm một chiếc huy chương Olympic nữa, chứ chưa nói tới chuyện đổi màu huy chương từ vàng thành bạc.

Người ta vẫn chẳng bảo: “Gieo gì, gặt nấy” đấy sao?!

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm