SEA Games 26: Đi trẩy hội làng

18/11/2011 14:09 GMT+7 | SEA Games 26

(TT&VH Cuối tuần) - Việc chủ nhà Indonesia, đội xếp thứ ba ở SEA Games 25 với số huy chương Vàng chỉ đúng bằng một nửa Thái Lan, nay đang ngự trị ngôi đầu ở SEA Games 26 với khoảng cách vời vợi so với nhóm còn lại cũng chẳng có gì lạ.

Phù Đổng “rởm

Với bất kỳ nền thể thao nào, chỉ trong vòng hai năm không thể nâng tầm một cách đột biến đẳng cấp như thế. Nếu động cơ trong sáng và cạnh tranh lành mạnh vốn dĩ của thể thao, thì Indonesia không thể có được sự lột xác thần kỳ như thế. Đây là lần thứ tư Indonesia đăng cai đấu trường này, nhưng chúng ta vẫn thấy ở họ một sự thiếu chuyên nghiệp, thậm chí nhom nhem, trừ thời điểm cần phải bừng khởi, đấy là lễ khai mạc, và có thể cả lễ bế mạc. Những hình ảnh được truyền đi càng rực rỡ và sâu sắc, coi như Indonesia đã thành công.

Chủ nhà chỉ cần những hình ảnh mang tính truyền thông như thế. Những khán giả nhìn qua truyền hình, họ đâu biết cảnh đường vào khu liên hợp thể thao Palembang, hai bên đường, ban tổ chức bịt kín bằng những tấm băng-rôn to tướng, che lấp đi những cánh đồng chiêm trũng đầy lau lách, che đi những mái nhà sàn xiêu vẹo phía dưới là nước đọng cáu bẩn, với bao số phận lẫn cuộc sống buồn tẻ của người dân nơi đây. Chúng tôi không nghĩ rằng, sau SEA Games 26, cụm liên hợp thể thao này có thể kích cầu được vùng ngoại ô với cơ sở vật chất còn hạn chế như thế.

Có điều, không thể trách được đất nước vạn đảo. Bởi, nếu SEA Games được chuyển về chúng ta, thì dĩ nhiên những người hoạch định phải bằng mọi cách để đưa thể thao đất nước xếp vị trí đầu đàn. Cách tốt nhất, vẫn là đưa hàng loạt môn thể thao ngoài Olympic vào thi đấu, những môn đậm đà bản sắc dân tộc của mình vào ngày hội khu vực nhằm giảm thiểu khả năng tranh chấp huy chương của các quốc gia khác. Đánh bài, dù lượn, leo tường, kiếm Nhật, quần vợt bóng mềm, trượt pa-tin... cứ thế Indonesia vơ vét vàng một cách cật lực hàng ngày. Chúng tôi không khỏi cám cảnh khi chứng kiến một cụ già 80 tuổi chủ nhà vẫn tham dự nội dung đánh bài! Hình ảnh đó không nói lên sự lành mạnh của thể thao!

"Chết" đúng chất... SEA Games

Trong bức tranh toàn cảnh như thế, thì chúng ta không lạ trước những chuyện dở khóc dở cười theo mỗi ngày thi đấu. Bóng đá là rõ nhất, khi chỉ vòng bảng dân cá độ muốn điên loạn cái đầu trước sự “đỏng đảnh” của các đội bóng. Thái Lan, anh cả đỏ của bóng đá khu vực, lần nữa ngã ngựa một cách đau đớn.

Vì sao các đội bóng luôn trong trạng thái thiếu ổn định như thế? Câu trả lời dễ chấp nhận nhất, khi trình độ chưa đạt đến một ngưỡng để vươn lên trội khỏi khu vực. Ngay cả thầy trò huấn luyện viên Falko Goetz cũng chưa chứng tỏ được một vóc dáng ứng cử viên đích thực của ngôi quán quân. Họ luôn mang lại cảm giác mong manh, dễ vỡ, dù đã được nằm trong một bảng đấu không còn gì dễ hơn.

Đội chủ nhà Indonesia liệu có duy trì được sức mạnh sau vòng bảng? Vẫn còn là ẩn số bởi ở AFF Suzuki Cup 2010, đội quân của huấn luyện viên Alfred Riedl đã chẳng chơi tưng bừng ở vòng bảng, đến thời khắc quyết định nhất thì không còn là mình.

Năm 2009 tại Lào, cả SEA Games náo loạn bởi nhà á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn bị ngã ngựa. Nhiều người ví đô cử này là kình ngư ở biển, nhưng trở về thì “chết đuối” ngay ao làng!


Vũ Thị Hương, tượng đài điền kinh của Đông Nam Á, đã bị hạ bệ. Ảnh: Quang Nhựt

Năm nay, Vũ Thị Hương cũng lặp lại nỗi buồn khi tượng đài này đã bị hạ bệ. Dù Hương bị chấn thương chưa kịp hồi phục (như cô giải thích), nhưng rõ ràng đằng sau đó vẫn là nhiều câu chuyện mà lãnh đạo liên đoàn điền kinh và cá nhân Hương phải kiểm điểm nghiêm túc.

Tại SEA Games này, cũng đã có không ít ngôi sao đã bật sới do chủ quan, nghĩ rằng giải đấu ao làng với trình độ châu lục sẽ dễ chinh phục. Dương Văn Thái mới 19 tuổi, chẳng ai để ý ở đường chạy 800m nam. Ngay cả nội dung 1.500m trước đó, Thái cũng nhợt nhạt. Vậy mà, VĐV gốc Nam Định đã qua mặt hàng loạt tên tuổi để làm vua Đông Nam Á nội dung 800m.

Chết mòn vì bệnh thành tích

Chủ tịch Ủy ban Đăng cai SEA Games 26, bà Rita Subowo, khẳng định sẽ nỗ lực giảm thiểu các bộ môn ngoài Olympic tại những kỳ đại hội khu vực tới. “Tôi đã nhiều lần yêu cầu chú trọng tới các môn thể thao Olympic. Từ đó, chúng ta mới có khả năng tham dự các sự kiện thể thao quốc tế lớn. Tuy nhiên, cứ qua mỗi kỳ SEA Games, mọi việc vẫn như cũ. Các nước chủ nhà luôn đòi hỏi thêm vào các môn truyền thống của nước họ. Chúng tôi gần như là bó tay trước thực trạng này”.

Rõ ràng, cả Đông Nam Á đang bị căn bệnh thành tích làm bào mòn nền thể thao lẽ ra đã phải có những bước tiến lớn. Với bóng đá Thái Lan, họ đã từng 8 lần vô địch SEA Games liên tiếp, CLB họ từng đoạt chức vô địch AFC Champions League nhưng gần thập niên qua đang chìm trong cuộc khủng hoảng trầm kha.

Bóng đá ta, năm 1995 đã giành HCB, sau 16 năm đang đứng ở đâu ai cũng có thể nhận thấy. Tất cả các nước đều làm mọi cách, tiêu cực nhất là nhập tịch và treo thưởng khủng, chỉ để vô địch. Sau đó, bất chấp cái nền đang lung lay, bất chấp hình hài của nhà vô địch sẽ phát triển vô phương.

Và điều mà chúng ta cảm nhận rõ nhất cái sự trũng của thể thao Đông Nam Á, đấy là những kỳ Olympic, ASIAD. Từ nhà quán quân SEA Games đến xếp hạng ba, tư đều như gã nhà quê ra phố.

Với thể thao Việt Nam, tấm HCV duy nhất ở ASIAD dù năm trước là á quân SEA Games, vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh và thay đổi tư duy của những người có trách nhiệm. Cách làm theo kiểu đầu tư dàn trải, không chú trọng đầu tư quyết liệt những môn trọng điểm, những tài năng thực sự đã khiến cho trình độ của vận động viên không thể vượt ngưỡng. Vẫn chỉ mới Hà Thanh, Hoàng Quý Phước có vé chính thức đi London 2012. Cùng với SEA Games này, Trương Thanh Hằng đã 3 lần không đạt chuẩn B Olympic. Nhìn cô chạy khá chuẩn ở 600m đầu nội dung 800m nữ, nhưng 200m còn lại thì cô đã không thể vượt qua được giới hạn chính mình, thiếu già một giây để đạt chuẩn B. Đấy là sự bất lực do trình độ Hằng chỉ đạt thế.

SEA Games vẫn đang diễn ra, cho dù Indonesia có đăng quang thì cũng chỉ mang lại chút niềm vui cho người dân của họ. Nếu đoàn thể thao chúng ta về nhì (hay ba), thì ai cũng biết đường đến London quá xa với thể thao Việt Nam.

Nhưng điều đó chẳng sao, bởi lãnh đạo ngành thể thao chỉ cần càng nhiều huy chương, VFF chỉ cần U23 vô địch, để cuối năm báo cáo hoành tráng và những cái ghế được củng cố hơn.   

Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm