“Thành trì” Nho giáo và đàn ông ế vợ

05/11/2012 09:50 GMT+7


(TT&VH) - 1. Tư tưởng Nho giáo vốn đã bén rễ cả ngàn năm nay trong lòng người dân Việt. Và ít ai có thể chối cãi, đối với phụ nữ, Nho giáo luôn đặt ra những quy chuẩn ngặt nghèo.

Khổng Tử dạy, người phụ nữ chuẩn mực là người phải kiêm đủ “Tam tòng tứ đức”. Bên cạnh “tứ đức” (công, dung, ngôn, hạnh), “tam tòng”: “tại gia tòng phụ” (ở nhà phải theo cha); “xuất giá tòng phu” (cưới chồng phải theo chồng); “phu tử tòng tử” (chồng chết phải theo con)... Theo “quy chuẩn” này, người phụ nữ không có quyền làm chủ cuộc đời mình chứ chưa nói sẽ làm gì được cho xã hội.

Nho giáo cũng có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa, có một con trai là có con, còn mười con gái vẫn như không con. Điều này tác động trực tiếp tới tâm lý những người cha, người mẹ. Và lâu dần, nó thành một định kiến, một áp lực trước sinh của bất cứ ông bố bà mẹ nào. Và trong cuộc đấu tranh bình quyền, dù ta đã thu được nhiều thành tựu, nhưng đấy vẫn chỉ là bề nổi. Còn với những định kiến của Nho giáo đã ăn sâu vào trong tâm khảm của đa phần người dân Việt Nam, thì nhiều người vẫn còn rơi rớt tâm lý không muốn sinh một bề con gái và dằn vặt vì không có con trai nối dõi tông đường (theo Nho giáo đây là tội bất hiếu)?



Ảnh minh họa

2. Như một hệ lụy, hôm 3/11 vừa rồi, tại Hội thảo Quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ, Bộ Y Tế, đưa ra nhận định: trong vòng 20 năm nữa, chúng ta sẽ “dư” 2,3 tới 4,3 triệu nam giới.

Và đằng sau hàng triệu người đàn ông “ế” vợ đó, là vô vàn hệ lụy: nạn buôn bán người, mại dâm, bạo lực giới, các tội phạm liên quan đến tình dục... sẽ tăng cao.

“Các cụ còn khát khao sinh con trai hơn chúng ta. Song ở thời điểm đó, các cụ có muốn cũng không được” - ông Trọng khẳng định. Ông Tổng cục trưởng nói hoàn toàn có lý, vì theo quy luật cung- cầu, có cầu ắt sẽ có cung. Nhưng nếu đạo Khổng cứ tầm chương trích cú với kinh sử liệu có tạo ra nổi “nguồn cung” đặc biệt này không? Chắc chắn không! Nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì có.

Dù là bất hợp pháp, song việc lựa chọn giới tính trước khi sinh hiện đang là thực trạng phổ biến và nan giải.

Và cũng không phải ngẫu nhiên khi ở vùng Đồng bằng sông Hồng với những ông bố thuộc dòng“sỹ phu Bắc Hà” luôn đi đầu trong việc... làm mất cân bằng giới tính khi sinh (tỉ lệ trẻ em nam/nữ là 122,4%; trong khi cả nước là 111,9%). Lại càng không có gì làm lạ, khi theo số liệu năm 2009 của Tổng cục Thống kê, 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu trong việc mất cân bằng giới tính khi sinh lần lượt là: Hưng Yên (130,7%); Hải Dương (120,2%); Bắc Ninh (119,4%); Bắc Giang (116,8%); Nam Định (116,4%). 5 tỉnh/ thành phố trên cũng là những “đất học” thuộc Top đầu khoa cử Nho học trong văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Thêm một sự trớ trêu đầy hợp lý nữa là: Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam tập trung ở thành thị cao hơn nông thôn; ở nhóm học vấn cao nhiều hơn học vấn ít; ở nhóm kinh tế khá giả cao hơn nghèo.

Lý do đơn giản, người giàu, người ở thành phố có điều kiện để lựa chọn giới tính thai nhi.

3. Ông Trọng cũng chia sẻ, việc “bắt quả tang” bác sỹ tiết lộ giới tính thai nhi rất khó khăn. Vì bác sỹ thường chỉ nói bóng gió: “trông giống bố đấy”; “trông giống mẹ đấy”; “trông có vẻ dịu dàng”... Thế nên, dùng pháp luật để giải quyết tận gốc vấn đề này, e chừng bất khả thi.

Vậy phương pháp còn lại cho việc cân bằng giới tính khi sinh là “đả phá” “thành trì” quan niệm Nho giáo trong lĩnh vực giới. “Truyền thông phải làm hữu hình những hậu quả vô hình trong mất cân bằng giới trong tương lai”- ông Guilmoto, chuyên viên của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đưa ra kiến nghị về cách gỡ bỏ định kiến về giới trong xã hội.

Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm