“Thật trắng cũng cố nhuộm cho đen”?!

12/10/2012 14:24 GMT+7


(TT&VH) - 1. Đạo đức nghề báo luôn là điều đầu tiên mà bất kì sinh viên báo chí nào khi bước chân vào trường cũng được các thầy chia sẻ. Không có một lời thề Hypocrat như sinh viên y khoa, nhưng sinh viên báo chí đều có trong đầu mình những kim chỉ nam về lý tưởng nghề nghiệp để: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Những câu chuyện đạo đức tưởng chỉ dành cho sinh viên năm nhất đã được nhắc đi nhắc lại dưới nhiều góc độ trong Hội thảo khoa học: Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin diễn ra tại Hà Nội ngày 11/10, do Hội Nhà báo Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức.

Không cần những dẫn chứng kinh điển về tác dụng (hay tác hại) của một bài báo, chỉ cần nói mấy việc “vụ việc” gần nhất đây thôi cũng đủ thấy “mảng tối” của bối cảnh cuộc hội thảo này.

Trong vụ việc “hai bố con đánh mẹ gãy cổ”, phóng viên chỉ cần thấy nạn nhân nằm trên giường, quấn băng ở cổ thì lập tức nhận định nạn nhân bị gãy cổ, chấn thương sọ não nặng, có nguy cơ bị liệt nửa người vĩnh viễn.. Thực tế nạn nhân chỉ chấn thương phần mềm và câu chuyện cũng khác xa so với một số báo thêu dệt.

Chuyện bố chồng nàng dâu quan hệ, “dính chặt nhau” xuất phát, từ một thông tin bịa đặt trắng trợn trên một tờ báo mạng. Lập tức các trang khác có những bài “vào cuộc điều tra”. Họ miêu tả cặn kẽ hoàn cảnh, chi tiết cuộc “giải cứu” bố chồng, nàng dâu như thế nào, người trong cuộc xấu hổ ra sao, các nhân chứng nói gì.

Mới đây, vụ việc đình đám của nhạc sĩ Trần Lập cũng chỉ từ một tin đồn xuất phát khi một “nhân vật bí mật” chia sẻ trên mạng rằng: “Người ta” đang sở hữu những bức hình nóng bỏng của anh chị ấy, và hơn thế nữa là một clip tình tứ của họ tại khách sạn. Chắc chắn “người ta” sẽ tung “con át chủ bài” này ra nhưng đây chưa phải là thời điểm thích hợp...”

Người ta là ai? Clip ấy ở đâu? Bây giờ không ai biết. Chỉ biết rằng một số báo dẫn nguồn từ “tin đồn”, “người giấu mặt” hay “nhân vật bí mật”. Độc giả (đáng tiếc lại là số đông) vốn dễ tin và cũng dễ mất niềm tin, không cần biết tin đồn đã kiểm chứng chưa đã lập tức phản ứng. Cũng có thể họ không tin, nhưng vẫn cứ hùa theo số đông để “ném đá”. Mất gì của họ. Chỉ người trong cuộc là khốn đốn.

2. Showbiz có cả một công nghệ tạo những chiêu trò lăng xê, scandal. Những nhà báo tử tế và công chúng đích thực không khó để nhận ra những chiêu trò này. Nhưng ứng với nó là một công nghệ truyền thông ăn theo, trong đó không thể thiếu những trang thông tin, báo lá cải.

Người viết bài từng nhận được một đoạn chat: Anh có biết ai có thể “chửi” nhạc Trịnh được không? Tôi há hốc mồm, nhạc Trịnh xưa nay chỉ có người yêu thích nghe và người không nghe thôi chứ. Làm gì có ai căm ghét nhạc Trịnh đến mức phải chửi. Trước đây cũng chỉ có một “nghi án” Trịnh đạo nhạc trong bài Con mắt còn lại, cũng xuất phát từ nhận định vô căn cứ một blog thôi. Người ta cũng đã phân tích làm rõ rồi. Sao phải “chửi”?

Trả lời: “Khánh Ly sắp về nước hát nhạc Trịnh, bọn em phải có trò chứ. Cứ đưa lên cho “chúng nó” cãi nhau qua lại câu tí view”.

Đấy chỉ là vài ví dụ của sự “thật trắng cũng cố nhuộm cho đen”. Không có gì khó hiểu khi liên tục có những scandal trên mặt báo. Cứ thế, người đọc say mê chửi nhân vật và chửi... lẫn nhau.

3. Vì thế, hẳn nhiều người đồng cảm với phát biểu của Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ tại hội thảo hôm qua: “Đã xảy ra sai phạm trong tác nghiệp báo chí, trong đó có sai phạm về đạo đức nghề nghiệp mà những người làm báo, nhất là làm báo mạng đã, đang mắc phải. Một bộ phận nhỏ báo chí, một số nhà báo vì lý do kinh tế, chưa nhận thức đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ báo chí hoặc do non kém về chuyên môn đã chạy theo thị hiếu tầm thường, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của báo giới nước nhà...”.

Tôi thích câu nói của nhà báo Hiram Johnson từng là phóng viên chiến trường từ Thế chiến I: “Khi một cuộc chiến xảy ra, nạn nhân đầu tiên vẫn là sự thật”. Trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong chiến tranh, các nhà báo phải cố gắng bằng mọi giá để nói sự thật, theo cái cách: “Tôi có thể chết cho sự thật được lên tiếng”.

Nhiệm vụ của nhà báo là tìm mọi cách để được nói lên sự thật, bất chấp việc phải hy sinh tính mạng mình. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi một số người viết báo dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe để tạo nên sự dối trá? 

Nguyễn Gia

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm